Trung Quốc nói ‘quyền xả khí thải’ là ‘nhân quyền cơ bản’
- Như Ngọc
- •
Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm Chủ Nhật (9/5) đã đăng lại phát biểu của một quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đánh đồng gây ô nhiễm môi trường với “quyền cơ bản của con người” về phát triển cuộc sống. Vị quan chức ĐCSTQ lập luận rằng việc thúc giục Trung Quốc phải khắc phục thực trạng quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới là vi phạm các quyền của công dân Trung Quốc.
Hoàn cầu Thời báo, cơ quan tuyên truyền của chính phủ Trung Quốc cộng sản, đã tuyên bố rằng “cư dân mạng” – những người dùng mạng truyền thông xã hội mà quan điểm của họ không bị chính phủ kiểm duyệt – đang lưu hành một phát biểu của nhà lập pháp, nhà khoa học Ding Zhongli cáo buộc rằng việc thúc giục Trung Quốc phải giới hạn hành vi gây ô nhiễm môi trường là cũng tương đồng với việc phủ nhận nhân tính của người dân Trung Quốc.
“Tôi muốn hỏi: Người Trung Quốc có phải là con người? Đó là một câu hỏi cơ bản”, ông Ding Zhongli đã từng đặt câu hỏi, theo tờ Times. “Tôi thấy quyền phát thải khí là quyền để phát triển, đó là một quyền cơ bản của con người”, ông Ding nhấn mạnh.
Theo diễn giải của tờ Times, lập luận của ông Ding có nghĩa rằng gây ô nhiễm trái đất là “nhân quyền cơ bản” của người dân Trung Quốc, bởi vì các quốc gia phát triển ở phương Tây đã từng tham gia vào việc sử dụng các nhiên liệu hóa thạch và các hoạt động xâm phạm môi trường khác trong hơn một thế kỷ sau cuộc Cách mạng Công nghiệp và không vấp phải sự chỉ trích.
“Cư dân mạng” Trung Quốc được cho là đang chia sẻ phát biểu của ông Ding Zhongli để đáp trả những chỉ trích gay gắt Trung Quốc của nhà hoạt động khí hậu người Thụy Điển Greta Thunberg. Thunberg đã dẫn một báo cáo do tổ chức khoa học Rhodium Group phát hành gần đây cho thấy rằng Trung Quốc phát thải các loại khí nhà kính nhiều hơn lượng phát thải của tất cả các nước phát triển cộng lại. Mặc dù là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng Trung Quốc xem bản thân họ là “quốc gia đang phát triển”. Nhà hoạt động Thunberg đặc biệt lưu ý về điều này trong lời kêu gọi của cô để gây áp lực lên Bắc Kinh phải cải thiện hồ sơ môi trường của nước này.
“Vâng, Trung Quốc vẫn được phân loại là một quốc gia đang phát triển… Nhưng tất nhiên đó không phải là cái cớ cho việc hủy hoại tương lai và hủy hoại điều kiện sống hiện tại”, Thunberg lên án.
Ông Ding Zhongli là thành viên của Quốc hội Nhân dân Toàn Quốc Trung Quốc (NPC), cơ quan lập pháp bù nhìn nằm dưới sự điều hành của ĐCSTQ. Ông Ding đã bị chính quyền Trump chế tài vào tháng 12/2020 vì có vai trò trong việc thông qua luật “an ninh quốc gia” Hồng Kông, bộ luật kết thúc bất hợp pháp quyền tự trị chính thức của trung tâm tài chính hàng đầu châu Á.
Ông Ding trước đây đã từng viết nhiều bài bình luận, trong đó đưa ra lập luận rằng tăng nhiệt độ toàn cầu có thể không có liên quan trực tiếp tới hoạt động của con người, đặt biệt là các hoạt động gây ô nhiễm. Ông cũng nhận định rằng việc Liên Hiệp Quốc thúc giục các cường quốc kinh tế như Trung Quốc phải hành động có trách nhiệm về các vấn đề môi trường sẽ “trao cho người dân trong các quốc gia giàu có quyền được phát thải khí nhà kính ở mức cao hơn nhiều so với người dân ở các nước đang phát triển nếu xét về bình quân phát thải khí trên đầu người”.
Những bình luận mà Hoàn cầu Thời báo đăng lại hôm 9/5 là một phần trong các phát biểu của ông Ding trong một cuộc phỏng vấn với một nhà báo của Đài Truyền hình Trung Ương Trung Quốc vào năm 2010.
Năm 2017, tờ Wall Street Journal cũng đã phỏng vấn ông Dinh để làm rõ các phát biểu của ông hồi năm 2010.
Wall Street Journal vào năm 2017 tường thuật lại lời ông Ding nói như sau: “Ông ta đã nói rằng khi ông còn trẻ, không có sương khói, nhưng ông đã không có đủ thực phẩm để ăn, quần áo chỉnh tề để mặc. Con người ta không thể vừa hưởng thụ các lợi ích của công nghiệp hóa lại vừa phải hoàn toàn tránh những tổn hại do nó gây ra”.
“Thép được sản xuất tại Trung Quốc được bán ra ở Mỹ. Phát thải khí được thực hiện tại Trung Quốc, nhưng tiêu dùng diễn ra ở Mỹ. Thật không công bằng khi quy việc phát thải đó cho Trung Quốc”, ông Ding lập luận trong cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal.
Như Ngọc (Theo Breitbart News)
Xem thêm:
Từ khóa biến đổi khí hậu phát thải khí nhà kính phát thải khí tại Trung Quốc