TT Trump: Bình minh mới đang lên ở Trung Đông
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố một buổi bình minh mới của hòa bình đang tới ở Trung Đông trong khi chứng kiến hai nước vùng Vịnh là Các tiểu Vương quốc Ả rập (UAE) và Bahrain ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel.
“Chúng ta ở đây chiều nay để thay đổi lịch sử. Sau hàng thập kỷ chia rẽ và xung đột, hôm nay chúng ta đánh dấu một buổi bình minh mới ở Trung Đông”, ông Trump nói về thỏa thuận hòa bình mà chính quyền của ông làm trung gian.
“Cảm ơn sự dũng cảm tuyệt vời của các nhà lãnh đạo của ba nước này, chúng ta đang bước một bước dài tới tương lai, nơi mà con người thuộc mọi tín ngưỡng, hoàn cảnh có thể chung sống trong hòa bình và thịnh vượng”, ông Trump nói.
Nguyên thủ cả ba nước đều gọi đây là một thỏa thuận lịch sử. Trước UAE và Bahrain, mới có duy nhất hai nước Ả Rập ở Trung Đông công nhận Nhà nước Do thái Israel kể từ khi thành lập năm 1948. Ông Trump bày tỏ hy vọng các nước khác sẽ sớm làm theo.
Palestine thì lên án thỏa thuận “phản bội” này, đồng thời thúc giục các nước khác không nên công nhận Israel.
Trong hàng thập kỷ qua, hầu hết các nước Ả Rập với đa số dân theo đạo Hồi đều tẩy chay Israel, tuyên bố chỉ thiết lập quan hệ với Israel sau khi tranh chấp với người Palestine (thuộc thế giới Ả Rập) được giải quyết.
Thủ tướng Israel Netanyahu hôm 15/9 cho biết ngày hôm nay “báo hiệu buổi bình minh của thời đại hòa bình mới” giữa người dân Do Thái và các dân tộc khác. Ông nói Tổng thống Trump đã mang đến một cơ hội hòa bình “thực sự” cho Israel và Palestine.
Tuy nhiên lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas cho rằng chỉ khi nào Israel rút quân khỏi lãnh thổ chiếm đóng của Palestine thì hòa bình mới đến với Trung Đông.
“Hòa Bình, an ninh và ổn định sẽ không thể đạt được ở khu vực này cho đến khi Israel chấm dứt chiếm đóng lãnh thổ”, ông Abbas nói sau lễ ký kết.
Quân đội Israel cho hay hai quả tên lửa đã bắn từ dải Gaza vào lãnh thổ Israel trong khi lễ ký thiết lập quan hệ diễn ra.
Tại sao đây là thỏa thuận lịch sử?
Trước UAE và Bahrain, hai nước Ả Rập duy nhất ở Trung Đông công nhận Israel là Ai Cập và Jordan, ký hiệp ước hòa bình lần lượt vào năm 1978 và 1994.
Mauritania, một nước thành viên của Liên đoàn Ả Rập ở đông bắc Phi, thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel năm 1999, nhưng sau đó lại hủy bỏ mối quan hệ này vào năm 2010.
Việc làm trung gian hòa giải thành công giữa Israel và các nước Ả Rập được xem là thành công lớn của chính quyền Trump. Tuy nhiên, việc các nước thù địch khác có chọn đi theo lời kêu gọi của ông Trump hay không còn chưa chắc chắn. Đến nay, Ả Rập Saudi đã tuyên bố họ chưa sẵn sàng.
Việc thuyết phục được hai nước Ả Rập cùng công nhân kẻ thù chung Israel mà không nhắc gì đến xung đột Israel-Palestine là nhiệm vụ rất khó khăn, cũng đánh dấu sự thay đổi lập trường của thế giới Ả Rập.
“Trung Đông sẽ có hòa bình”, ông Trump nói với Fox News hôm thứ Ba. Ông tiết lộ các nước khác, thậm chí cả Iran cũng “thực sự muốn thỏa thuận [hòa bình với Israel]. Họ sẽ không nói thẳng ra như vậy, nhưng họ muốn thỏa thuận”.
Đảng Dân chủ cũng tỏ ra hoan nghênh thỏa thuận mang đậm dấu ấn của Trump. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói rằng thỏa thuận này “đánh dấu một ngày quan trọng”, tuy nhiên vẫn còn các nghi vấn về việc chính quyền Trump cho phép UAE mua các máy bay F-35.
“Trước khi chúng ta biết toàn bộ chi tiết về hai thỏa thuận này, có các câu hỏi còn bỏ ngỏ, đặc biệt là về các hứa hẹn mà UAE nhận được từ chính quyền Trump về việc mua các máy bay F-35 của Mỹ. Trên cơ sở lưỡng đảng, Quốc hội sẽ giám sát chặt chẽ để đảm bảo Israel có thể duy trì lợi thế quân sự đáng kể trong khu vực”.
“Ngoài ra, một điều rất quan trọng là chúng ta hiểu rõ hoàn toàn các nội dung của thỏa thuận về việc Israel đóng băng các nỗ lực sáp nhập các vùng đất ở Bờ Tây”, Pelosi nói thêm.
Joe Biden, đối thủ của ông Trump trong cuộc đua tổng thống năm nay, ca ngợi thỏa thuận “lịch sử” tiến tới hòa bình ở Trung Đông, nhưng không nhắc gì đến ông Trump.
Việc thiết lập quan hệ với Israel có thể làm thay đổi bối cảnh địa chính trị trong khu vực, bởi ba nước này có chung kẻ địch là Iran.
Nội dung chi tiết của thỏa thuận này chưa được công bố, nhưng các nước sẽ lập đại sứ quán, ký thỏa thuận thương mại và đi lại với Israel. Ông Trump còn gợi ý có năm nước Ả Rập khác “đang mấp mé” hoàn tất thỏa thuận tương tự với Israel.
Tất nhiên những thỏa thuận này bị lãnh đạo Palestine lên án và coi “đây là ngày đen tối” cho Trung Đông. Các diễn biến mới ở khu Bờ Tây và dải Gaza vẫn có thể phá hoại các mối bang giao mới lập này.
Tại sao Palestine phản đối thỏa thuận?
Người Palestine tố cáo các thỏa thuận này là “sự phản bội nguy hiểm”. Họ coi đây là việc các nước vùng Vịnh từ bỏ lời hứa sẽ không trở nên thân thiện với Israel cho đến khi đạt được giải pháp nhà nước Palestine.
UAE giải thích rằng họ coi trọng tiến triển về thành lập nhà nước Palestine trong các thỏa thuận với Israel. Một nội dung của thỏa thuận là Israel cam kết ngừng kế hoạch sáp nhập gây tranh cãi các vùng quan trọng ở khu Bờ Tây mà Tổng thống Trump đề nghị phân cho Israel theo kế hoạch hòa bình Trung Đông ông Trump công bố hồi tháng Giêng.
Lãnh đạo Palestine cật lực phản đối kế hoạch của ông Trump, lên án nó không công bằng đối với họ và cảnh báo rằng việc sáp nhập vùng đất của họ sẽ hủy hoại hy vọng về một nhà nước độc lập, có thể đứng vững trong tương lai. Ngoài ra Palestine cũng nói kế hoạch của Trump vi phạm luật pháp quốc tế – một lập trường mà nhiều nước khác cùng chia sẻ.
Ngoại trưởng UAE nói rằng họ đã thực hiện bình thường hóa quan hệ với Israel trước thời hạn khi thấy Thủ tướng Israel dự định đẩy mạnh việc sáp nhập lãnh thổ tranh chấp từ đầu năm nay.
“Ai cũng lo ngại về việc sáp nhập đất của người Palestine. Việc đó thực sự là mối đe dọa đối với sự sống còn của giải pháp hai nhà nước”, ông Anwar Gargash nói.
Ông cũng cho rằng lãnh đạo của Israel sẽ không đi ngược lại cam kết trong thỏa thuận với họ là ngừng sáp nhập lãnh thổ Palestine.
UAE cũng kêu gọi các lãnh đạo đồng min Palestine tận dụng cơ hội này để tái tổ chức các phương án tiếp cận của mình và chuẩn bị nối lại các cuộc thảo luận thực sự có hiệu quả đối với Israel.
Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, người từng lãnh đạo nỗ lực hòa giải ở Trung Đông, có bài phát biểu tại lễ ký thỏa thuận ba nước tại Washington. Ông nói ông thông cảm với sự phản đối của người Palestine, nhưng “đến lúc người Palestine sẽ nhận ra rằng khát vọng chính đáng về một nhà nước Palestine chỉ có thể đạt được bằng cách thay đổi triệt để chiến lược hiện tại”.
Vấn đề với Iran
Đằng sau các thỏa thuận này là mối quan tâm về kẻ địch chung giữa Israel, Ả Rập Saudi (mà UAE và Bahrain là đồng minh) với Iran. Nhưng tới nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Ả Rập Saudi sẽ sớm tham gia cùng hai nước trên để lập quan hệ ngoại giao với Israel.
Hồi tháng trước, Israel tổ chức chuyến bay đầu tiên tới UAE, được coi là một bước tiến lớn tới việc bình thường hóa quan hệ. Jared Kushner, con rể và cũng là cố vấn của Trump, có mặt trên chuyến bay nay. Kushner nói rằng thỏa thuận Israel-UAE có “khả năng năng thay đổi toàn bộ diễn biến ở Trung Đông”.
Trần Minh
Từ khóa Donald Trump Trung Đông Xung đột Israel - Palestine thỏa thuận hòa bình Israel - UAE