TT Trump có đúng khi đòi hủy Thỏa thuận hạt nhân Iran?
- Fred Fleitz
- •
Theo nhà phân tích Fred Fleitz viết gửi trang Fox News, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đúng khi chỉ trích mạnh mẽ thỏa thuận hạt nhân 2015 giữa các siêu cường quốc tế và Iran, mặc dù sau đó hầu như các nước khác trong thỏa thuận đều lên tiếng mong ông suy nghĩ lại. Ông Trump hôm thứ Sáu (13/10) nói rằng Quốc hội Mỹ và các nước khác phải đặt lại các điều kiện chặt chẽ hơn cho hành vi của Iran nếu muốn ngăn Mỹ rút khỏi thỏa thuận này.
Người dân Mỹ đã biểu tình phản đối Thỏa thuận hạt nhân Iran ngay từ tháng 9/2015.
Tổng thống Trump đã nói: “Tuy nhiên, trong trường hợp chúng ta không thể đạt được giải pháp làm việc với Quốc hội và các đồng minh, sau đó thỏa thuận này sẽ chấm dứt. Thỏa thuận sẽ tiếp tục được xem xét và với tư cách là tổng thống tôi có thể rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận này vào bất kỳ thời điểm nào. Như chúng ta đã được chứng kiến tại Bắc Hàn, chúng ta lờ đi một mối đe dọa càng lâu, mối đe dọa đó càng trở nên tồi tệ”.
>>Ông Trump dọa bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran
Trong mục Ý Kiến của Fox News, ông Fred Fleitz bình luận:
“Thực ra tôi thích Tổng thống Trump tuyên bố rút hoàn toàn khỏi thỏa thuận này hơn, nhưng tôi cũng ủng hộ quyết định của ông ấy cho Quốc hội Mỹ và các lãnh đạo Châu Âu cơ hội cuối cùng để sửa lại thỏa thuận, mặc dù khả năng thỏa thuận có thể được sửa đổi là điều cực kỳ xa vời.
Tôi hoan nghênh tổng thống đã chỉ rõ Iran là nước tài trợ khủng bố, chương trình tên lửa và các nỗ lực của nước này trong việc làm mất ổn định khu vực Trung Đông. Ông Trump đã giải thích rõ ràng và chính xác tại sao thỏa thuận 2015 vốn được thiết lập để ngăn chặn Iran phát triển vũ khi hạt nhân lại đang thực sự yếu kém và nguy hiểm“.
Ông Fleitz cho rằng lập luận thuyết phục của Tổng thống Mỹ về mối đe dọa đang tăng lên từ Iran đã giải thích tại sao Israel và Ả-rập Saudi đã lập tức tán đồng hành động của ông Trump.
Tối hậu thư của Tổng thống Trump là phần quan trọng nhất trong bài phát biểu hôm thứ Sáu khi ông đã thông báo rằng ông sẽ hủy bỏ thỏa thuận này nếu các sai lầm của thời Obama không được sửa lại.
Mặc dù khả năng thấp rằng Quốc hội, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ hoặc các quan chức Châu Âu có thể đưa ra và thực hiện bất kỳ thay đổi đáng kể nào đối với thỏa thuận hạt nhân Iran, thì tương lai của nó vẫn vô cùng tồi tệ.
Với tuyên bố này, Tổng thống Trump đã buộc Quốc hội Mỹ phải quyết định trong 60 ngày, liệu có tái áp đặt chế tài kinh tế nghiêm khắc lên Iran mà họ đã dỡ bỏ từ năm 2016 chiếu theo thỏa thuận hạt nhân 2015 hay không. Quốc hội cũng phải xem xét luật lệ về làm thế nào để giải quyết những thiếu sót của thỏa thuận và “kích hoạt” áp đặt các chế tài đáp trả hành vi của Iran.
Theo ông Fleitz bất kỳ luật lệ nào hoặc đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân cũng phải giải quyết được ba sai lầm đang tồn tại, đó là: cho phép Iran làm giàu uranium; cho phép Iran vận hành một lò phản ứng nước nặng sản xuất plutonium; và những điều khoản giám sát yếu kém của thỏa thuận.
Những vấn đề khác cũng cần xét tới, chẳng hạn như chương trình tên lửa Iran, nước này đang hỗ trợ khủng bố và gây bất ổn trong các cuộc xung đột khu vực.
Cũng có một số ý kiến đang nói về vệc mở rộng điều khoản “hoàng hôn” của thỏa thuận – tức gỡ bỏ các giới hạn lên chương trình làm giàu uranium của Iran vào năm 2025 – nhưng việc này chẳng có ý nghĩa gì nếu không có những thay đổi nêu trên về chương trình hạt nhân của Iran, ông Fleitz nhận định.
Tuy nhiên, khả năng sẽ không có thay đổi quan trọng nào trong số này có thể được Quốc hội Mỹ thông qua hoặc đạt được sự nhất trí của các quốc gia đã đặt bút ký vào thỏa thuận này năm 2015.
Quốc hội Mỹ gần như chắc chắn sẽ không thể thông qua được đạo luật với bất kỳ sửa đổi quan trọng nào đối với thỏa thuận hạt nhân vì quá nhiều thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa theo tư tưởng ôn hòa sẽ bắt tay cùng đảng Dân chủ để bỏ phiếu chống lại những thay đổi mà họ cho rằng sẽ khiến Iran rút lui khỏi thỏa thuận. Hơn nữa, Thượng viện sẽ phải cần 60 phiếu thuận để thông qua một đạo luật như vậy, điều đó có nghĩa rằng thậm chí nếu tất cả 52 thượng nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ, thì cũng phải cần thêm 8 phiếu nữa từ các nghị sĩ Dân chủ, một điều gần như bất khả thi.
Theo tuyên bố của một quan chức cao cấp của Liên minh Châu Âu hôm thứ Sáu (13/10), khối này cũng chắc chắn sẽ bác bỏ tất cả các nỗ lực sửa đổi thỏa thuận hạt nhân do các quan chức Mỹ đưa ra.
>>Ngoại trưởng Đức cảnh báo về nguy cơ chiến tranh gần Châu Âu
Bằng việc không quyết định rút lui khỏi thỏa thuận này ngay lập tức, Tổng thống Trump cho thấy ông đang cố gắng làm việc với Quốc hội và tuân thủ luật pháp Mỹ. Điều này rõ ràng trái ngược với Tổng thống Barack Obama, khi ông này áp đặt thỏa thuận Iran lên nhân dân Mỹ bằng việc từ chối tuân thủ Hiến pháp Hoa Kỳ khi không chuyển văn kiện quan trọng này tới Thượng viện để phê chuẩn như một hiệp ước, mà đơn phương thông qua bằng quyền lực của Tổng thống. Một thỏa thuận quốc tế có tính sâu rộng như vậy mà không được coi là hiệp ước là một quyết định hết sức vô lý của cựu tổng thống đảng Dân chủ.
Đương nhiên cũng với quyền lực đó, Tổng thống Trump có thể tái áp đặt ngay lập tức hầu hết các chế tài đối với Iran nếu Quốc hội Mỹ không thể hành động. Tổng thống cũng có thể rút Mỹ khỏi thỏa thuận với Iran và áp đặt các chế tài bổ sung.
“Quý vị sẽ được chứng kiến nhiều chuyên gia và các thành viên Quốc hội xuất hiện trên các chương trình tọa đàm bàn tròn cuối tuần để thảo luận các kế hoạch nhằm sửa đổi thỏa thuận hạt nhân. Hãy phớt lờ cuộc nói chuyện vô ích của họ. Thỏa thuận hạt nhân với Iran vẫn chưa chết. Nhưng trong khoảng hai tháng tới, tôi hy vọng Tổng thống Trump sẽ đặt dấu chấm hết để giúp cái thỏa thuận đang hấp hối này thoát khỏi khổ sở“, Fred Fleitz kết luận.
Chuyên gia Fred Fleitz là phó Chủ tịch cấp cao về chính sách và các chương trình của Trung tâm Chính sách An ninh – một đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ.
Xuân Thành
Xem thêm:
Từ khóa Donald Trump Quan hệ Mỹ Iran Iran Vấn đề hạt nhân Iran