Ukraine và Hoa Kỳ ca ngợi thỏa thuận khoáng sản là ‘cột mốc quan trọng’
- Hân Nhi
- •
Hôm thứ Tư (30/4), Ukraine và Hoa Kỳ đã chính thức ký thỏa thuận khoáng sản. Thỏa thuận này được Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng kinh tế Ukraine Yulia Svyrydenko ký với Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent tại Washington DC. Cả Ukraine và Hoa Kỳ sau đó đều hoan nghênh thỏa thuận được mong đợi từ lâu này.
Thỏa thuận vừa được ký kết nhằm mục đích chuyển hướng đầu tư vào nền kinh tế chính của Ukraine, nền kinh tế này sẽ trả cổ tức, chia đều 50-50, cho chính phủ Ukraine và Hoa Kỳ.
Tại Kiev, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal gọi thỏa thuận cuối cùng là “tốt đẹp, bình đẳng và có lợi”, lưu ý rằng giờ đây thỏa thuận sẽ phải được trình lên quốc hội Ukraine – nơi hoàn toàn do các nhà lập pháp ủng hộ chính phủ chi phối sau khi phần lớn phe đối lập bị cấm theo lệnh thiết quân luật – để phê duyệt, một quá trình mà ông cho biết có thể bắt đầu từ hôm nay.
Trong khi văn bản thỏa thuận chưa được công bố, ông Shmyhal đã chia sẻ tóm tắt những gì ông cho là có trong đó. Trong số những điểm chính được xác định là quỹ Ukraine sẽ do Hoa Kỳ sở hữu 50-50, rằng Ukraine không có nghĩa vụ nợ nào đối với Hoa Kỳ và rằng điều này sẽ không cản trở con đường Ukraine có thể trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU) vào một ngày nào đó.
Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha cũng ca ngợi thỏa thuận này. Ông nói rằng việc này “đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược Ukraine-Hoa Kỳ nhằm củng cố nền kinh tế và an ninh của Ukraine”.
Phản hồi về việc ký kết, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết ông đã nhất trí với ý tưởng này sau khi lưu ý rằng “họ có đất hiếm tuyệt vời… khoáng sản, nguyên liệu — họ có những thứ mà nhiều nơi không có” và rằng giờ đây khi đã ký kết, Hoa Kỳ sẽ thu được lợi ích về lâu dài lớn hơn nhiều so với “350 tỷ USD, hoặc gần bằng con số này” mà người nộp thuế Hoa Kỳ đã đầu tư vào quốc phòng của Ukraine. Ông Trump nói: “Về lý thuyết, chúng ta nhận được nhiều hơn 350 tỷ USD. Tôi không muốn… bị xem là kẻ rồ dại”.
Con đường đi đến thỏa thuận này khá gập ghềnh, với nỗ lực ký kết thỏa thuận vào tháng Hai trước đó đã sụp đổ trong cay đắng sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cố gắng tái tranh tụng các khía cạnh trước ống kính máy quay trực tiếp tại Phòng Bầu dục. Mối quan hệ đó dường như đã được hàn gắn kể từ một cuộc gặp nhanh được coi là then chốt giữa ông Trump và ông Zelensky tại Vatican vào tuần trước khi hai vị lãnh đạo cùng tới dự tang lễ Giáo hoàng Francis.
Sau cuộc thảo luận đó, ông Trump đã giảm bớt sự chia rẽ và nói rằng ông Zelensky hiện đã sẵn sàng vào cuộc. Ông Trump nói: “Hãy nhìn xem [mối quan hệ của chúng tôi] chưa bao giờ là tệ. Chúng tôi đã có một chút tranh chấp vì tôi không đồng ý với điều gì đó mà ông ấy nói và các máy quay đang quay, và tôi thấy ổn với điều đó. Vì vậy, chúng tôi đã có một cuộc tranh chấp nhưng hãy nhìn xem, ông ấy đang ở trong một tình huống khó khăn, một tình huống rất khó khăn… Tôi thấy ông ấy bình tĩnh hơn, tôi nghĩ ông ấy hiểu được sự việc này, và tôi nghĩ ông ấy muốn đạt được thỏa thuận”.
Từ Washington, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio — người đi đầu trong các cảnh báo rằng nếu không đạt được tiến triển về hòa bình ngay lập tức, Tổng thống Trump sẽ chỉ đơn giản là rời khỏi bàn đàm phán — cho biết: “Nhờ sự lãnh đạo của [Tổng thống], hôm nay Hoa Kỳ và Ukraine đã ký kết… một cột mốc trong sự thịnh vượng chung của chúng ta và là một bước quan trọng trong việc chấm dứt cuộc chiến này”.
Từ khóa Dòng sự kiện Recommend Quan hệ Mỹ - Ukraine Chiến tranh Nga - Ukraine thỏa thuận khoáng sản
