Virus corona làm gián đoạn chương trình ngoại giao toàn cầu của Trung Quốc
- Xuân Lan
- •
Các cuộc gặp gỡ trực tiếp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với các nhà lãnh đạo thế giới dự kiến sẽ phải thay đổi do dịch corona, trong khi đó Bắc Kinh đang phải hứng chịu sự chỉ trích ngày một gia tăng về cách xử lý dịch.
Nhiều nội dung trong chương trình ngoại giao của Trung Quốc đã phải huỷ bỏ do đại dịch Viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) gây ra, đe dọa làm gián đoạn nhiều cuộc gặp dự kiến giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo khác trên thế giới, theo SCMP.
Các cuộc hội đàm trực tiếp giữa ông Tập và những người đồng cấp nước ngoài là nền tảng của ngoại giao Trung Quốc năm vừa qua, với việc lãnh đạo Trung Quốc đi thăm 13 nước ở châu Âu, châu Á và Nam Mỹ, và tham dự 5 hội nghị quốc tế.
Tháng Ba năm ngoái, ông Tập đến châu Âu và ký kết một bản ghi nhớ với Ý, biến Ý trở thành nước G7 đầu tiên chấp thuận chính thức dự án thương mại và phát triển hạ tầng “Sáng kiến Vành đai và Con đường.”
Tuy vậy, đại dịch COVID-19 bùng nổ toàn thế giới đã dẫn đến việc trì hoãn hàng loạt các cuộc gặp gỡ cấp cao, gồm chuyến thăm cấp quốc gia của ông Tập tới Nhật Bản vào tháng Tư. Nếu diễn ra, đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một Chủ tịch Trung Quốc kể từ năm 2008. Cũng trong tháng Tư, một chuyến thăm Bắc Kinh của 17 lãnh đạo trung và đông Âu đã bị hoãn.
Cuộc họp thượng đỉnh giữa Bắc Kinh và Brussels vào cuối tháng Ba đã bị huỷ bỏ, cùng với cơ hội để ông Tập gặp những lãnh đạo mới của châu Âu.
Kế hoạch của Trung Quốc biến năm 2020 thành “năm châu Âu” đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Nguy cơ làn sóng thứ hai của dịch bệnh xảy ra vào cuối năm dự kiến cũng sẽ làm chương trình ngoại giao của Bắc Kinh chệch xa hơn nữa, bao gồm các cuộc gặp gỡ với Liên minh châu Âu (EU) về Hiệp định Toàn diện về Hiệp ước Đầu tư, biến đổi khí hậu và sự phát triển chung tại thị trường các nước thứ ba.
Trung Quốc đã hy vọng các cuộc đàm phán về đầu tư sẽ kết thúc vào cuối tháng Chín nếu các chương trình gặp gỡ của ông Tập diễn ra suôn sẻ, khi lần đầu tiên tất cả lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU họp mặt tại Leipzig, Đức, nhưng hiện tại đó là điều chưa chắc chắn.
Các nguồn tin ngoại giao và các nhà quan sát cho rằng tính khẩn cấp của việc giải quyết vấn đề virus và khôi phục chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy có thể phủ bóng lên cuộc họp thượng đỉnh tháng Chín.
Một vấn đề khác đối với nền ngoại giao Trung Quốc là Bắc Kinh bị quy kết là nguyên nhân khiến virus lây lan khắp toàn cầu.
Trung Quốc đang bị buộc tội vì che đậy và lan truyền thông tin gây hiểu nhầm trong những ngày đầu bùng phát dịch, sau đó đổ lỗi cho Mỹ. Các sứ quán Trung Quốc khắp thế giới phải liên tục bảo vệ Bắc Kinh chống sự thù địch quốc tế ngày càng gia tăng.
Bắc Kinh khẳng định họ rất minh bạch trong việc xử lý cuộc khủng hoảng sức khỏe và hợp tác với các nước khác trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, gồm việc gửi các thiết bị y tế khắp thế giới, tổ chức các hội nghị trực tuyến để chia sẻ kinh nghiệm với các bác sĩ nước ngoài, và đóng góp cho Tổ chức Y tế Thế giới.
Trung Quốc đã đóng góp thêm 30 triệu USD cho WHO khi ông Trump tìm cách đóng băng khoản đóng góp của Mỹ cho tổ chức này.
Shi Yinhong, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh và là cố vấn cho chính phủ, nói rằng đại dịch đã làm phức tạp các mối quan hệ của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới. Ông Shi cho biết thêm đã có những thay đổi tế nhị trong quan hệ của Trung Quốc với Nga cũng như sự căng thẳng đang gia tăng với các nước châu Phi.
“Trong những tháng gần đây thế giới đã trải qua những thay đổi mạnh mẽ do đại dịch, đòi hỏi Trung Quốc phải điều chỉnh chính sách,” ông nói. “Nhưng không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy họ đang làm như vậy, ngoại trừ việc họ không ngừng mô tả mình như một nhà lãnh đạo về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu và nhấn mạnh những ưu việt của hệ thống.”
> Bộ Ngoại giao Mỹ: ĐCSTQ dùng lượng lớn tài khoản Twitter tuyên truyền nước ngoài
Hiện chưa rõ trong năm nay đại dịch sẽ tác động thế nào đến các cuộc gặp gỡ khác trên toàn cầu, gồm dự định gặp gỡ của 20 lãnh đạo G20 tại Riyadh. Ngoài ra, còn có cuộc gặp Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo của APEC sẽ tiến hành ở Kuala Lumpur, Malaysia, trong khi cuộc gặp bị hoãn năm ngoái tại Chile vẫn chưa được sắp xếp lại.
Vào tháng Bảy, cuộc họp của BRIC (Hiệp hội các nền kinh tế đang phát triển gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (một nhóm chính trị, an ninh và kinh tế gồm có Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, và bốn quốc gia Xô viết cũ vùng Trung Á) cũng đã được lên kế hoạch từ trước.
Lu Xiang, một chuyên gia về quan hệ Trung – Mỹ của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc, nhận định rằng các nhà lãnh đạo vẫn có thể gặp gỡ qua các cuộc điện đàm và hội nghị video, nhưng tính hiệu quả của chúng sẽ bị giảm thiểu.
“Đại dịch sẽ định nghĩa lại trật tự thế giới và sự cạnh tranh giữa các siêu cường sẽ đặt trọng tâm vào quản trị tốt hơn, điều không chỉ là vấn đề đối với hệ thống y tế công cộng quốc gia mà còn liên quan đến vận động chính trị,” ông nói.
“Mục tiêu khẩn cấp nhất đối với mỗi nước hiện nay là sống sót và dần hồi phục sau dịch. Tôi tin Trung Quốc đã chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất và các lãnh đạo sẽ không lạc quan một cách mù quáng. Sự thù địch bên ngoài sẽ không ảnh hưởng đến công việc nội bộ của chúng tôi.”
Về quan hệ Mỹ -Trung, ông Lu cho rằng trên tổng thể, việc hỗ trợ nhân đạo vẫn sẽ được duy trì, trong khi căng thẳng tiếp tục theo đường xoắn ốc đi xuống.
> Trung Quốc mắng New Zealand vì ủng hộ Đài Loan
Marcin Przychodniak, một nhà nghiên cứu về các vấn để của Trung Quốc thuộc Học viện quan hệ quốc tế, nói thiệt hại từ “thông tin gây hiểu nhầm của Trung Quốc và nền ngoại giao công chúng tồi tệ” trong nhiều nước không thể được gỡ chỉ bằng một cuộc thăm của ông Tập tới Leipzig trong tháng Chín.
Ông Przychodniak nói có rất nhiều vấn đề đặt ra, trước và sau dịch COVID-19, đối với chuyến thăm của ông Tập tới Đức, gồm các câu hỏi về các chuỗi giá trị và hợp tác kinh tế sau đại dịch.
Căn bệnh cũng phủ bóng đen lên các kế hoạch đón tiếp một loạt lãnh đạo nước ngoài tại bắc Kinh năm nay của Trung Quốc, gồm Thủ tướng Đức Angela Merkel, người đã dự định đến thăm vào mùa hè.
Yun Sun, một nhà nghiên cứu cao cấp và giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, một viện nghiên cứu đặt trụ sở tại Washington, nói rằng mặc dù khả năng các cuộc hội đàm bị giảm thiểu, các nhà lãnh đạo Trung Quốc “vẫn là những người bận rộn nhất trong việc tiếp cận các lãnh đạo nước ngoài để đề nghị giúp đỡ.”
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Nghị đã gọi điện cho những người đồng cấp gần như hàng ngày, trong khi ông Tập và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tiếp xúc với hai nước trong một tuần.
“Mục đích chính là để kiểm soát thiệt hại – ngăn chặn COVID-19 phá hoại hơn nữa quan hệ của Trung Quốc với các nước khác,” ông Sun nói.
Xuân Lan (theo SCMP)
Xem thêm:
Từ khóa Ngoại giao Trung Quốc Dòng sự kiện virus corona