Vương Quốc Anh cảnh báo công dân hãy rời khỏi Nam Sudan
- Hân Nhi
- •
Vương Quốc Anh đã khuyến cáo công dân nước này rời khỏi Nam Sudan. Quốc gia Đông Phi này đang leo thang căng thẳng, có nguy cơ biến thành một cuộc nội chiến mới.
Văn phòng Đối ngoại, Khối thịnh vượng chung và Phát triển (FCDO) của Anh đã ban hành khuyến cáo di trú mới nhất vào thứ Năm (27/3), trong đó cảnh báo rằng an ninh tại Nam Sudan “có thể xấu đi nhanh chóng và khó lường trước được”.
“Nếu các vị đang ở Nam Sudan và cho rằng an toàn để làm như vậy, thì các vị nên rời đi ngay bây giờ. Nếu tình hình an ninh bất ổn trở nên tồi tệ hơn nữa, các tuyến đường vào và ra khỏi Nam Sudan có thể bị phong tỏa. Sân bay Juba có thể đóng cửa hoặc không thể tiếp cận được”, FCDO tuyên bố.
Cảnh báo nêu trên được FCDO đưa ra một ngày sau khi đại sứ quán Anh tại thủ đô Juba của Nam Sudan thông báo rằng họ đã tạm thời cắt giảm nhân viên và đình chỉ các dịch vụ lãnh sự trực tiếp do các mối đe dọa an ninh. Hoa Kỳ cũng đã thực hiện các biện pháp tương tự, ra lệnh cho công dân nước này không khẩn cấp, bao gồm cả nhân viên chính phủ, rời khỏi đất nước bất ổn này. Đức và Na Uy cũng đã tạm thời đóng cửa đại sứ quán của họ tại Nam Sudan. Berlin cho biết quốc gia Đông Phi vốn đã giành được độc lập từ Sudan bị chiến tranh tàn phá vào năm 2011 này, “một lần nữa lại bên bờ vực của cuộc nội chiến”.
Nam Sudan, quốc gia không giáp biển, vẫn bất ổn kể từ khi kết thúc cuộc nội chiến kéo dài 5 năm nổ ra vào năm 2013 do mâu thuẫn giữa tổng thống Salva Kiir Mayardit và phó tổng thống thứ nhất hiện tại là ông Riek Machar.
Căng thẳng đã gia tăng giữa Tổng thống Kiir và Phó Tổng thống Machar kể từ khi một số binh lính Sudan đã thiệt mạng khi một chiếc trực thăng của Liên Hợp Quốc bị tấn công gần đây trong khi cố gắng sơ tán họ khỏi quốc gia thượng nguồn sông Nile đầy bất ổn này, nơi các cuộc đụng độ nổ ra vào tháng Ba. Lực lượng Phòng vệ Nhân dân Nam Sudan đang chiến đấu với lực lượng dân quân Quân đội Trắng, chủ yếu bao gồm người Nuer, nhóm dân tộc của Phó Tổng thống Machar.
Hôm thứ Tư (26/3), đảng của ông Machar đưa tin rằng hơn 20 xe vũ trang hạng nặng đã “bạo lực” xông vào dinh thự của phó tổng thống, tước vũ khí của đội vệ sĩ của ông và ban hành lệnh bắt giữ ông “với những cáo buộc không rõ ràng”.
Sau đó vào thứ Năm (27/3), nhóm đối lập cho biết chính quyền đã quản thúc ông Machar tại gia, đồng thời nói thêm rằng hành động này trên thực tế đã làm sụp đổ thỏa thuận hòa bình năm 2018 nhằm chấm dứt cuộc nội chiến năm 2013.
Liên Hợp Quốc cũng cảnh báo rằng vụ bắt giữ Phó Tổng thống Machar đã “đưa đất nước [Nam Sudan] tiến gần hơn một bước tới bờ vực sụp đổ thành nội chiến và phá vỡ thỏa thuận hòa bình”.
Từ khóa Vương Quốc Anh Nam Sudan Khủng hoảng Nam Sudan
