Trong thông điệp video tối Thứ Sáu 16/8, Tổng thống Zelensky đã thông báo một điều “cực kỳ quan trọng”, đó là một dự luật đã được đệ trình lên quốc hội Ukraine để đảm không tồn tại bất kỳ giáo hội nào trên đất Ukraine mà bị Nga thao túng, để đảm bảo “thống nhất thật sự về tâm linh”.

240817zel01
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (ảnh cắt từ video bài phát biểu tối)

Trích nguyên đoạn thông báo của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong thông điệp tối Thứ Sáu 16/8:

“Và còn một điều nữa của ngày hôm nay, cực kỳ quan trọng. Tôi đã nói chuyện với các thành viên của Hội đồng Giáo hội và Tổ chức Tôn giáo. Và tôi biết ơn sự hỗ trợ của họ đối với con đường hướng tới nền độc lập tinh thần của Ukraine. Một dự thảo luật đã được đệ trình lên Verkhovna Rada (Quốc hội Ukraine); nó thực sự có thể đảm bảo rằng sẽ không có sự thao túng nào đối với giáo hội Ukraine bởi Moskva. Dự thảo luật này sẽ có tác dụng và góp phần vào sự thống nhất của Ukraine, sự thống nhất thật sự về tâm linh của chúng ta.”

Hôm 10/8, ông Zelensky, cũng trong diễn thuyết hàng tối của mình, đã tỏ ý sẽ sớm có các hành động thiết thực “hiệu quả 100%” để loại bỏ hoạt động của Giáo hội Chính thống Giáo UOC.

Hôm 15/8, trong một thông điệp khác, ông nói về việc có các biện pháp để trừng phạt những ai mà ông miêu tả là “tham gia phục vụ nhà nước Nga”, ví dụ như “Họ phải bị tước bỏ bất kỳ danh hiệu hay giải thưởng nào ở Ukraine”, và tỏ ý rằng đây phải là việc làm “có tính thực tiễn”, chứ “không phải chỉ mang tính tuyên bố”.

Chính thống Giáo (Orthodox) là một nhánh lớn của Kitô Giáo phổ biến ở Đông Âu, trong đó có Nga và Ukraine cùng một số nước khác, bên cạnh Công giáo (Catholics) là nhánh lớn nhất của Kitô Giáo.

Nga hiện nay là quốc gia có số tín đồ Chính thống Giáo nhiều nhất thế giới. Giáo hội Chính thống Giáo Ukraine UOC có xuất xứ với niềm tin Kitô cả nghìn năm của người dân xứ này. Theo sự phát triển của lịch sử, UOC trước từng là một nhánh của Giáo hội Chính thống Giáo Nga ROC, kể từ thời Sa hoàng. Sau khi chiến tranh Ukraine nổ ra, Thượng phụ Moskva tuyên bố ủng hộ phe Nga. Từ đó UOC tuyên bố trở thành giáo hội độc lập, cắt đứt mọi quan hệ với ROC.

Tuy nhiên chính quyền Zelensky thời gian qua vẫn tìm mọi cách đàn áp UOC, với lý do rằng UOC là giáo hội bi Nga thao túng; điều mà UOC cực lực phản đối và phủ nhận. Một giáo hội khác được thành lập tháng 12/2018 mang tên OCU (nếu dịch sang tiếng Việt thì cũng có nghĩa là Giáo hội Chính thống Giáo Ukraine) được chính quyền nâng đỡ.

Dự luật mà ông Zelensky hối thúc Quốc hội thông qua, nếu trở thành luật sẽ có thể đẩy 5 triệu tín đồ Kitô hiện sinh hoạt trong giáo hội UOC ra khỏi vòng pháp luật.

Điểm lại diễn biến của sự việc:

  • Tháng 1/2023, dự luật 8371 được đệ trình lên Quốc hội Ukraine
  • Ngày 19/10/2023, Quốc hội đã thông qua lần thứ nhất dự thảo luật 8371 trong lần đọc thứ nhất ở sàn. Sau khi tiếp thu chỉnh sửa, và nếu thông qua ở lượt tiếp thì sẽ được đưa lên tổng thống ký để chính thức thành luật.
  • Ngày 23/7/2024, một nhóm nghị viên Quốc hội Ukraine phản đối mạnh mẽ khiến nỗ lực nhằm thông qua luật này ở Quốc hội đã thất bại.
231020 uoc 01 scaled
Ít nhất 5 triệu tín đồ UOC sẽ phải đối mặt với tình trạng bị đưa ra khỏi vòng pháp luật nếu vẫn kiên trì các hoạt động tôn giáo của mình. (Ảnh cắt từ video)

UOC đã bằng nhiều con đường khác nhau để tìm cách bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng của mình, nhưng gặp rất nhiều khó khăn.

Một trong những nỗ lực đang diễn ra, theo UOJ đưa tin, là thuê hãng luật Robert Amsterdam đứng ra điều giải. Đây là hãng luật có trụ sở ở Washington DC Mỹ và London Anh quốc, đứng đầu bởi Robert Ross Amsterdam, luật sư người Canada.

Trong bức thư mà hãng Robert Amsterdam gửi cho ông Zelensky đã miêu tả việc đàn áp UOC là thuộc loại “tội ác chống nhân loại” theo Quy chế Rome mà thế giới thừa nhận. Trong một loạt danh sách liệt kê những gì mà chính quyền Kiev đã làm nhằm xóa sổ UOC, bức thư có kể đến dự luật 8371 này.

Bức thư có đoạn viết rằng hãng luật Amsterdam đã tiến hành xem xét và phân tích kỹ lưỡng phiên bản đầu tiên của dự luật này, và thấy rằng dự luật “không chỉ không phù hợp một điều khoản, mà không phù hợp với tất cả các điều khoản đòi hỏi để đảm bảo có được tự do tín ngưỡng theo Công ước Nhân quyền Châu Âu.” Sau đó, dự luật 8371 đã được điều chỉnh, nhưng vẫn là “gây sốc” nếu đối chiếu với tiêu chuẩn tự do tín ngưỡng của Châu Âu.

Nhật Tân