Tổng thống Zelensky ngày 24/8 ký luật 3894 (trước đó, nó là dự luật 8371) có hiệu lực cấm giáo hội lớn nhất Ukraine, Giáo hội Chính thống Giáo UOC, sau đó, ông miêu tả trong bài phát biểu nhân ngày Độc Lập rằng ký luật này là để thoát khỏi “ma quỷ Moskva.”

240825uoc01
Hành hương rước thánh giá về Tu viện Pochaev tỉnh Ternopil, Ukraine, bất chấp cấm đoán của chính quyền Kiev (trích video trên mạng xã hội 24/8/2024)

Luật có hiệu lực cấm tất cả các tổ chức tín ngưỡng nào mà có liên đới với Nga, mà trên thực tiễn chính là nhắm vào giáo hội chủ đạo và đồng thời cũng là giáo hội có lịch sử truyền thống của người dân Ukraine, Giáo hội Chính thống Giáo UOC.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky những ngày qua đã hối thúc việc thông qua luật này, và Quốc hội, mà trong đó đa số nghị viên là người của đảng cầm quyền “Đầy tớ Nhân dân”, cuối cùng đã thông qua dự luật 8371 vào ngày 20/8. Chủ tịch Quốc hội Ruslan Stefanchuk đã đặt bút ký chính thức vào ngày 23/8 để đệ trình lên tổng thống. Cuối cùng ông Zelensky đã ký để nó chính thức trở thành luật, và kịp thời công bố điều ấy vào đúng ngày Độc Lập 24/8.

Trong diễn văn của mình nhân ngày Độc Lập, ông Zelensky, một người Do Thái, đã miêu tả hành động ký luật này là để “niềm tin Chính thống của người Ukraine tiến tiếp một bước tới sự giải phóng khỏi ma quỷ Moskva.”

240825zel
Tổng thống Zelensky trong thông điệp ngày Độc Lập 24/8 (ảnh cắt từ video trên website chính phủ Ukraine)

Giáo hội Chính thống Giáo Ukraine UOC

Luật nói rằng cấm tín ngưỡng nào liên quan tới Nga, mà trên thực tiễn chính là nhắm vào UOC. UOC tuyên bố không có bất kỳ liên quan nào tới Nga, nhưng giới cầm quyền Kiev cùng truyền thông Ukraine chưa bao giờ thừa nhận điều ấy.

Thực tiễn những năm qua, chính quyền không ngừng tiến hành các hoạt động đàn áp UOC, và nâng đỡ một giáo hội khác, thành lập vào tháng 12/2018, mang tên OCU.

Luật này sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ 30 ngày sau khi nó được chính thức công bố (ngày 24/8). Từ đó trở đi, tất cả các hoạt động tín ngưỡng nào bị coi là có dính dáng với Nga đều bị coi là vi phạm pháp luật nhà nước.

Tuy nhiên, UOC được phép có 9 tháng để hoàn tất việc cắt đứt quan hệ với Giáo hội Chính thống Giáo Nga ROC. Nhưng vấn đề là thế nào được hiểu là có liên hệ với Nga?

Trong những lần lính đặc vụ lục soát nhà thờ và bắt bớ tu sỹ UOC những năm qua, thì chỉ cần tìm thấy tài liệu tín ngưỡng mà có tiếng Nga ở đó thì liền bị coi là có liên hệ về tinh thần với Nga. Điều này rất bất cập. Để minh họa, chẳng hạn nếu ở Việt Nam cấm tín ngưỡng có liên hệ với Trung Quốc, và trong nhà chùa có Kinh Phật viết bằng tiếng Trung Quốc, thế thì liền coi là vi phạm lệnh cấm.

Dmytro Vovk, Giám đốc Trung tâm Pháp quyền và Tôn giáo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Luật, chuyên về quan hệ nhà nước-nhà thờ, hôm 21/8 đã công bố bài phân tích về các khía cạnh hiến pháp và pháp lý của luật ‘về lệnh cấm của UOC’ trên trang Facebook của mình, trong đó chỉ ra lỗ hổng trong luật rằng nếu vì lý do nào đó mà Giáo hội Chính thống Giáo Nga ROC cứ khăng khăng rằng UOC vẫn là chi nhánh thuộc ROC, thì dù UOC chứng minh thế nào thì vẫn bị coi là còn liên hệ với Nga theo luật này.

Cuộc hành hương rước thánh giá về Tu viện Pochaev

Song song với những nỗ lực thông qua luật cấm UOC, hoạt động hành hương rước thánh giá về Tu viện Pochaev tỉnh Ternopil vẫn đang diễn ra, với hàng vạn tín đồ UOC tham gia.

Đây là hoạt động hàng năm, và có lịch sử 200 năm rồi. Tuyến hành hương chính kéo dài 200 km từ thành phố Kamianets-Podilskyi gần 100.000 dân, tỉnh Khmelnytskyi, bắt đầu như mọi năm vào ngày 19/8 và dự kiến sẽ tới Tu viện Pochaev vào 26/8.

Tuy nhiên, năm ngoái, do phải đi đường vòng nên quãng đường hành hương phải thêm vào 30 km. Theo OUJ, tuyến đường năm nay là 250 km.

Những hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy hoạt động vẫn đang diễn ra trong những ngày này (tham khảo: tìm từ ️ХРЕСНИЙ ХІД).

240825uoc02
Hành hương rước thánh giá về Tu viện Pochaev tỉnh Ternopil, Ukraine, bất chấp cấm đoán của chính quyền Kiev (trích video trên mạng xã hội 24/8/2024)

Có thể thấy những hình ảnh các tín đồ Kitô từ các làng quê nông thôn của Ukraine trong đoàn người đi bộ và rước thánh giá này. Cũng có thể thấy trong video, thỉnh thoảng có cảnh những tín đồ Kitô quỳ xuống đất ở trên đường khi những tấm hình về Chúa Kitô hay Đức Mẹ Maria hoặc hình ảnh khác về Kitô giáo được đoàn hành hương rước qua.

Các tín đồ Kitô coi cuộc đi bộ này là một kiểm nghiệm về đức tin. Anastasia, một tín đồ trong đoàn hành hương, theo UOJ, đã ví cuộc hành hương rước thánh giá này như một dịp lễ Phục Sinh lần 2.

“Chúng tôi vẫn chờ đợi Phục sinh, và chúng tôi tin rằng nếu Thánh hỏa Holy Fire được giáng xuống, thì có nghĩa rằng chúng tôi sẽ tiếp tục sống. Rước Thánh Giá cũng như thế: Nếu tiếp tục duy trì, nếu mọi người tiếp tục cầu nguyện, thì chúng tôi vẫn kiên trì,” Anastasia chia sẻ.

“Rước Thánh Giá vẫn tiến bước, và địa ngục phải rung chuyển. Cho nên chúng tôi sẽ vượt qua tất cả mọi chướng ngại.”

Tín đồ này của UOC nói thêm, “Chúng tôi rất đông, hàng triệu tín đồ Chính thống. Không thể nào phá hủy được giáo phái lớn nhất này. Mọi người sẽ hy sinh tất cả vì chính tín của mình. Chúng tôi vững tin rằng Đức Chúa và Đức Mẹ sẽ không bỏ rơi bất kỳ ai.”

Không rõ chính quyền Zelensky sẽ xử lý hoạt động hành hương này như thế nào. Cũng dịp này năm ngoái, những lệnh cấm đoán của chính phủ đã không cách nào ngăn cản được đoàn tín đồ Kitô từ các nơi đổ về Tu viện Pochaev.

Hiện nay, Tu viện Pochaev, vốn có từ thế kỷ 18 và thuộc về UOC, đang bị chính quyền tuyên bố tịch thu. Với lý do rằng quyền sở hữu các tòa nhà của UOC là không hợp pháp.

Chính quyền sẽ xử lý UOC như thế nào

Những năm qua, chính quyền Ukraine vẫn bằng các cách khác nhau để tước đoạt các cơ sở thờ tự của UOC. Sau đó, một phần chuyển sang cho OCU, một phần bị quốc hữu hóa, trở thành các kiến trúc được sử dụng cho mục đích khác, ví như viện bảo tàng.

Sau khi dự luật 8371 được thông qua, giới chức Kiev đã công khai nói về vấn đề tịch thu tài sản của UOC. Trước khi hoạt động đàn áp UOC được triển khai, theo RT, UOC đã có hơn 8.000 giáo xứ trải khắp các nơi tại Ukraine. Qua những năm đàn áp, một số đã bị mất về tay chính quyền, mặc dù chưa rõ con số cụ thể là bao nhiêu. Dù vậy, với ít nhất 5 triệu tín đồ, UOC vẫn là tổ chức tôn giáo đông nhất Ukraine.

Kỳ thực, đây không chỉ là vấn đề số lượng, hoạt động của UOC đi sâu vào truyền thống nhiều đời của người dân ở đây. Kể từ khi bị đàn áp và các nhà thờ lần lượt bị mất đi, nhiều giáo chúng không chịu đến nhà thờ sau khi nhà thờ đó bị chuyển nhượng sang giáo hội mà chính quyền nâng đỡ OCU, mà họ thực hành tín ngưỡng của mình tại nhà.

Cho đến hiện nay, chưa có thông tin chính thức về chi tiết cụ thể cách mà chính phủ sẽ xử lý UOC sau khi luật có hiệu lực.

Tuy nhiên, có nhận định trong giới quan sát cho rằng trước hết sẽ là hoạt động cướp đoạt tài sản như các cơ sở thờ tự của UOC sau khi luật 3894 có hiệu lực.

Trong một phỏng vấn đăng trên mạng xã hội hôm 20/8 (ngày mà Quốc hội thông qua luật 3894) Ruslan Bortnik, nhà khoa học chính trị và lịch sử, đã cho rằng tài sản đất đai, bất động sản và động sản, cơ sở thờ tự, v.v., là cực kỳ lớn, và đó sẽ là một khoản không nhỏ mà chính quyền sẽ đặt vào tầm ngắm.

240825bortnik
Ruslan Bortnik trong video phỏng vấn đăng 20/8/2024)

Ngoài ra, căn cứ trên việc chính quyền Kiev có thể ngang nhiên ra luật cấm hoạt động tín ngưỡng với tội danh có liên quan về tinh thần với nước ngoài (Nga), cho nên, theo ông Bortnik, rất nhiều các tín ngưỡng khác ở Ukraine cũng không hoàn toàn bị loại trừ khỏi rủi ro trong tương lai, vì họ cũng có chịu ảnh hưởng tinh thần của các trung tâm tín ngưỡng nào đó ở nước ngoài. Dù sao thì các tín ngưỡng lớn trên thế giới đều có các tín đồ và các cơ sở tín ngưỡng đa quốc gia.

Ruslan Bortnik là một chính khách phản đối Nga mạnh mẽ. Nhưng ông cũng là người phản đối chính sách đàn áp UOC của Chính phủ Zelensky vì ông cho rằng làm như vậy sẽ gây chia rẽ Ukraine. Ông là nhà nghiên cứu và bình luận chính trị khá nổi tiếng của Ukraine và là giám đốc Viện Chính trị Ukraine.

Nhật Tân (t/h)