4 ngày, Kon Tum xảy ra liên tiếp gần 20 trận động đất
- Minh Long
- •
Từ ngày 15 đến ngày 18/4, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum xảy ra gần 20 trận động đất liên tiếp. Dự kiến ngày mai 19/4, Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai sẽ tổ chức cuộc họp để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra do động đất.
Viện Vật lý địa cầu cho biết vào hồi 14 giờ 19 phút 12 giây ngày 18/4, một trận động đất có độ lớn 3.6 Richter xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.727 độ vĩ Bắc, 108.442 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Đây là trận động đất thứ 5 diễn ra từ sáng đến thời điểm hơn 14 giờ 19 ngày 18/4 được Viện Vật lý địa cầu phát tin cảnh báo. Các trận động đất xảy ra trước đó trong ngày lần lượt có độ lớn từ 2,9 đến 4,5 độ Richter.
Mới đây, ngày 15/4, 6 trận động đất cũng tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Ngày 16/4, khu vực này xảy ra 2 trận động đất. Trong ngày 17/4, có 5 trận động đất với các độ lớn từ 2,7 đến 3,0 xảy ra huyện Kon Plông.
Tình trạng động đất tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã xảy ra một thời gian dài với các trận động đất nhỏ nhưng thời gian gần đây bắt đầu có xu thế gia tăng cả về tần suất và cường độ.
Sáng mai 19/4, Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai sẽ tổ chức cuộc họp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, các công ty quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện tại Kon Tum, đặc biệt là thủy điện Thượng Kon Tum để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra do động đất.
Từ đầu năm 2022 đến nay, huyện Kon Plông liên tiếp xảy ra hàng chục trận động đất có độ lớn từ 2.4 đến 4.5 độ Richter, các trận động đất này đều thuộc loại yếu và trung bình, không gây rủi ro thiên tai.
Trước đó, trong năm 2021, khu vực này cũng xảy ra hàng chục trận động đất có độ lớn dưới 4.0 độ Richter.
Từ tháng 6/2021, Viện Vật lý Địa cầu đã cử cán bộ đến khu vực này để thiết lập thêm một trạm quan trắc nhằm tìm hiểu rõ hơn và cảnh báo kịp thời các hiện tượng địa chất nguy hiểm xảy ra nếu có.
Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) Nguyễn Xuân Anh cho biết khu vực tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Kon Plông nói riêng thuộc đới đứt gãy nhỏ. Các nghiên cứu trước chỉ ra rằng các trận động đất tại khu vực này có độ lớn không quá 5.0.
Để có kết luận chính xác, thời gian theo dõi hoạt động động đất phải đủ lớn, các cán bộ thuộc Viện tiếp tục theo dõi thêm và xử lý số liệu các trận động đất tại huyện Kon Plông.