Ấn tượng Việt Nam: Tuần 11 – 18/9 (Video)
- Minh Hợp
- •
Là cơn bão mạnh nhất từ năm 2014 đến nay, bão số 10 gây thiệt hại nặng nề tại Hà Tĩnh – Quảng Bình và ảnh hưởng tới nhiều địa phương lân cận: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị; UBND tỉnh Hưng Yên kiến nghị giảm phí, chuyển vị trí trạm BOT Quốc lộ 5; TP.HCM xin gia hạn dự án metro số 2 đến năm 2020; Hà Nội: Hơn 800 ha đất sẽ về tay các tập đoàn lớn trong các dự án xây cầu; Sau 30/10, các trạm BOT phải thực hiện thu phí tự động không dừng là các tin tức trong nước nổi bật tuần qua.
Cơn bão số 10: Thiệt hại nặng nề tại Hà Tĩnh – Quảng Bình
Được hình thành từ áp thấp nhiệt đới ở phía Đông Philippines, cơn bão số 10 (tên quốc tế là Doksuri) đổ bộ vào biển Đông sáng ngày 13/9 và đổ bộ vào Hà Tĩnh – Quảng Bình lúc 10h ngày 15/9 với gió mạnh cấp 12, giật cấp 14-15.
Là cơn bão mạnh nhất từ năm 2014 đến nay, cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4, bão số 10 gây thiệt hại nặng nề tại Hà Tĩnh – Quảng Bình và ảnh hưởng tới nhiều địa phương lân cận: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị.
Theo thống kê thiệt hại, đến sáng ngày 16/9, đã có 8 người chết ở các tỉnh thành, 33 ngôi nhà bị sập, hơn 120.000 ngôi nhà bị tốc mái; hơn 6.200 nhà bị ngập ở Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị.
Tại Hà Tĩnh, hơn 69.000 ngôi nhà bị đổ, tốc mái; 29 thôn với hơn 4.600 hộ dân của 4 huyện vùng ven biển, cửa sông bị ngập; trên 3.100 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, hư hại hoàn toàn; Gần 1.000 ha lúa mùa và nhiều diện tích rau màu bị ngập; Hơn 8.000 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng.
Tại Quảng Bình, tính đến 14h ngày 15/9, có 1 người chết, 7 người bị thương trong bão, 13 ngôi nhà bị sập, hơn 49.000 ngôi nhà bị tốc mái; hơn 50 tàu bị đánh chìm và mắc cạn,… Ước tính thiệt hại ban đầu gần 1.800 tỷ đồng.
Tại Nghệ An, tính đến 16h ngày 15/9, tỉnh có 1 người chết, 1 người bị thương, ước tính thiệt hại ban đầu về tài sản khoảng 518 tỷ đồng.
Tại Thanh Hóa, tính đến 15h ngày 16/9, tỉnh có 2 người chết trong cơn bão, thiệt hại tài sản ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng.
Bão số 10 cũng gây mất điện trên diện rộng, giao thông, mạng viễn thông tê liệt. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, có tổng số 252 đường dây trung áp bị sự cố do ảnh hưởng của bão. Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề gồm: TP. Đồng Hới (Quảng Bình); khu vực trung tâm của các thành phố, huyện thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Đến 16h30 ngày 16/9, điện đã được cấp trở lại cho gần 780.000 khách hàng tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa.
Hiện các tỉnh thành và ngành chức năng đang tiếp tục thống kê thiệt hại và phối hợp khắc phục, hỗ trợ người dân tại các địa phương.
UBND tỉnh Hưng Yên kiến nghị giảm phí, chuyển vị trí trạm BOT Quốc lộ 5
Liên quan đến tình trạng nhiều chủ phương tiện dùng tiền lẻ loại mệnh giá 200 đồng, 500 đồng mua vé để phản đối việc thu phí qua trạm BOT quốc lộ 5 (huyện Văn Lâm) gây ùn tắc kéo dài trong những ngày đầu tháng 9, UBND tỉnh Hưng Yên đã có văn bản gửi Bộ GTVT và Bộ Tài chính kiến nghị giảm mức thu phí sử dụng đường bộ đối với tất cả phương tiện qua trạm; kiến nghị miễn thu phí cho phương tiện sử dụng đường bộ của người dân trong khu vực bán kính 5 km xung quanh trạm, gồm các xã: Trưng Trắc, Lạc Hồng, Đình Dù, thị trấn Như Quỳnh (huyện Văn Lâm); xã Giai Phạm, Nghĩa Hiệp (huyện Yên Mỹ); thị trấn Bần Yên Nhân (huyện Mỹ Hào).
Đồng thời, để hạn chế các phương tiện đi vào đường tỉnh để né trạm thu phí, UBND tỉnh Hưng Yên cũng kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét di chuyển trạm về vị trí tiếp giáp giữa địa phận tỉnh Hưng Yên và Hà Nội, hoặc giữa tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hải Dương.
TP.HCM xin gia hạn dự án metro số 2 đến năm 2020
UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin gia hạn thực hiện dự án metro tuyến số 2 (Bến Thành – Tham Lương) đến năm 2020.
Theo UBND thành phố, việc kiến nghị xin gia hạn thực hiện dự án nhằm làm cơ sở gia hạn các Hiệp định vay của các khoản vay hiện tại và để thực hiện một số hạng mục công việc, gói thầu của dự án theo cam kết với các nhà tài trợ.
UBND thành phố cam kết sẽ trả toàn bộ phí phát sinh sau khi gia hạn các Hiệp định vay đã ký; riêng các khoản vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), thành phố sẽ chi trả phí cam kết và lãi suất từ nguồn vốn đối ứng của dự án sau khi ngạch tài trợ phí cam kết, lãi của các khoản vay được sử dụng hết.
UBND thành phố cho hay sẽ không sử dụng khoản vay của ADB để đền bù, giải phóng mặt bằng cho dự án; Dự kiến sẽ sử dụng vốn ngân sách của thành phố để thực hiện hạng mục này.
Hà Nội: Hơn 800 ha đất sẽ về tay các tập đoàn lớn trong các dự án xây cầu?
Theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong giai đoạn 2016 – 2030, TP.Hà Nội sẽ xây mới 14 cây cầu bắc qua sông Hồng và sông Đuống; hiện UBND thành phố đã chỉ đạo thực hiện 4 dự án hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT) và 1 dự án BOT với tổng vốn đầu tư hơn 36.000 tỷ đồng.
5 dự án gồm: Cầu Tứ Liên và đường dẫn đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên; Cầu Đuống 2 và đường nối đến địa phận tỉnh Bắc Ninh; Dự án cầu Trần Hưng Đạo qua sông Hồng; Dự án cầu Giang Biên và đường dẫn hai đầu cầu; Dự án cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2).
Với việc lựa chọn hình thức đầu tư BT, UBND TP. Hà Nội dự kiến sẽ thanh toán quỹ đất 836ha thuộc 3 huyện: Đông Anh, Gia Lâm và Long Biên cho các nhà đầu tư để đối ứng. Điều này làm dấy lên nghi ngại về tính minh bạch trong cơ chế đổi đất lấy hạ tầng, các dự án chỉ phục vụ trực tiếp cho các nhà đầu tư.
Hiện các dự án đều có các nhà đầu tư lớn đăng ký tham gia như: Tập đoàn T&T, SunGroup, Him Lam, VinGroup,…
Sau 30/10, các trạm BOT phải thực hiện thu phí tự động không dừng
Sau nhiều lần phải lùi tiến độ dự án thu phí tự động không dừng, vừa qua Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết từ ngày 15/10/2017, 27 trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sẽ bắt đầu thu phí tự động không dừng. Hiện đã có 25 trạm hoàn thành ký hợp đồng, còn hai nhà đầu tư là Công ty Xây dựng 194 và BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp vẫn chưa ký hợp đồng dịch vụ thu giá với liên danh TASCO – VETC.
Các nhà đầu tư BOT băn khoăn về tỷ lệ tính phí của nhà cung cấp dịch vụ và cho rằng dự án cần có nhiều nhà cung cấp dịch vụ để lựa chọn thay vì chỉ có một đơn vị cung cấp.
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho hay nếu nhà đầu tư BOT chưa cảm thấy thỏa mãn với điều khoản đàm phán thì có quyền tìm một nhà cung cấp khác. Tuy nhiên, nhà cung cấp đó phải được Bộ GTVT thẩm tra, chấp thuận và nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm tự kết nối với hệ thống dữ liệu của Tổng cục.
Cũng theo Tổng cục trưởng, dù lắp công nghệ thu phí không dừng của đơn vị nào khác thì các nhà đầu tư BOT vẫn phải hoàn thiện việc áp dụng thu phí không dừng trước tháng 10/2017. Sau ngày 30/10/2017, đơn vị nào chưa lắp, Tổng cục sẽ kiến nghị Bộ GTVT cho dừng thu phí.
Minh Hợp
Xem thêm:
Từ khóa BOT quốc lộ 5 bão số 10 BOT tuyến metro số 2