Bắc Hà xin dừng 5 tuyến buýt vì ‘vỡ nợ’: Sở GTVT Hà Nội xử lý ra sao?
- Nguyễn Sơn
- •
Trước đề nghị dừng khai thác 5 tuyến buýt từ ngày 1/8 vì nguy cơ vỡ nợ của Công ty TNHH Bắc Hà, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội gửi lên UBND TP Hà Nội 2 phương án giải quyết, hoặc chỉ định thầu đơn vị thay thế hoặc tạm dừng khai thác cả 5 tuyến buýt.
- Trước ngày toàn bộ xe bị siết nợ, Công ty Bắc Hà xin dừng 5 tuyến buýt ở Hà Nội
- Hà Nội đề xuất cho xe khách, buýt thường đi vào làn riêng của BRT
Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa có văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội về việc Công ty TNHH Bắc Hà (Công ty Bắc Hà) đề nghị dừng khai thác hợp đồng đấu thầu đối với 5 tuyến buýt có trợ giá.
Sở này cho hay việc Công ty Bắc Hà đề nghị dừng khai thác hợp đồng thầu đối với 5 tuyến buýt (số 41, 42, 43, 44, 45) là trường hợp chưa có tiền lệ, vì vậy cần có giải pháp xử lý đối với hợp đồng đã ký kết, duy trì hoạt động các tuyến buýt và có giải pháp ổn định cuộc sống cho khoảng 200 lao động có nguy cơ mất việc làm.
Tại cuộc làm việc ngày 5/7 giữa Trung tâm quản lý giao thông công cộng (Tramoc – đơn vị ký kết hợp đồng) và Công ty Bắc Hà, hai bên xác định việc tạm ứng của Tramoc (bên A) cho Công ty Bắc Hà (bên B) đối với 5 tuyến buýt đã tuân thủ đúng hợp đồng. Việc Công ty Bắc Hà dừng hoạt động 5 tuyến buýt là do doanh nghiệp không còn năng lực để tiếp tục triển khai.
Việc Công ty Bắc Hà đơn phương chấm dứt hợp đồng trong khi thời gian hợp đồng còn hiệu lực là vi phạm hợp đồng.
Để xử lý tình trạng này, Sở GTVT Hà Nội đề xuất 2 phương án, theo hướng chấm dứt hợp đồng với Công ty Bắc Hà để lựa chọn đơn vị thực hiện phần khối lượng còn lại.
Trong đó, phương án 1, chấm dứt hợp đồng với Công ty Bắc Hà và chỉ định thầu cho đơn vị thay thế để tiếp tục khai thác vận hành 5 tuyến buýt (giá trị phần khối lượng công việc chưa thực hiện giao cho nhà thầu mới được tính bằng giá trị ghi trong hợp đồng trừ đi giá trị phần khối lượng công việc đã thực hiện trước đó).
Phương án 2, chấm dứt hợp đồng với Công ty Bắc Hà, tạm dừng khai thác đối với 5 tuyến buýt để rà soát, tính toán lại dự toán, chi phí, thiết kế tuyến hình thành gói thầu mới, làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định.
Theo Sở GTVT Hà Nội, phương án 1 có ưu điểm là thay thế, lựa chọn ngay được nhà thầu, duy trì liên tục hoạt động của các tuyến buýt, không gây xáo trộn về hoạt động đi lại, thuận lợi cho việc đàm phán, tiếp nhận, kế thừa khoảng 200 người lao động có khả năng mất việc làm… Tuy nhiên, nhược điểm là nhà thầu được lựa chọn thay thế có ít thời gian chuẩn bị các điều kiện đáp ứng yêu cầu về phương tiện, nhân lực thực hiện.
Phương án 2 có ưu điểm không bị áp lực về thời gian khi tổ chức lựa chọn nhà thầu nhưng có nhiều nhược điểm lớn khi phải tạm dừng hoạt động các tuyến buýt trong khoảng thời gian nhất định để tổ chức lựa chọn nhà thầu khác (từ 6 – 9 tháng). Điều này gây xáo trộn trong hoạt động đi lại, khó kế thừa lao động, người lao động có nguy cơ mất việc làm, ảnh hưởng đời sống.
Theo đó, Sở này nghiêng về phương án 1 khi cho rằng phương án này có nhiều lợi thế hơn khi TP đang có 10 đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, có thể xem xét lựa chọn một số đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng có đủ năng lực thực hiện phần công việc còn lại của Công ty Bắc Hà.
Từ khóa buýt Hà Nội nguy cơ vỡ nợ