Bão Manyi vào Biển Đông, kết hợp với không khí lạnh gây mưa lớn ở miền Trung
- Minh Sơn
- •
Sáng sớm ngày 18/11, siêu bão Manyi đã vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 9 trong năm 2024 của Việt Nam với sức gió giật cấp 15. Không khí lạnh sẽ khiến bão suy yếu, song khiến đợt mưa lớn ở miền Trung kéo dài, tổng lượng mưa cá biệt tại Huế lên tới hơn 600mm.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vào lúc 4h ngày 18/11, vị trí tâm bão Manyi ở vào khoảng 18,0 độ Vĩ Bắc; 118,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (103-133km/h), giật cấp 15. Di chuyển theo hướng Tây Bắc, tốc độ khoảng 25km/h.
Dự báo bão đi theo hướng tây tây bắc với tốc độ 20km/h. Khoảng 4h sáng ngày 19/11, khi cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 370km về phía Đông Bắc, sức gió suy yếu xuống cấp 10, giật cấp 12.
Khoảng ngày 20/11, do tương tác với không khí lạnh, bão chuyển hướng tây tây nam, đi chậm lại còn 15km/h, tiến về phía Tây khu vực Bắc Biển Đông; cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 210km về phía Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão chỉ còn mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Đến ngày 21/11, khi tâm bão trên vùng biển ngoài khơi Trung Trung Bộ, bão chính thức suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp, sức gió mạnh nhất dưới cấp 6.
Không khí lạnh kết hợp áp thấp nhiệt đới gây mưa dài ngày
Tại bản tin dự báo lúc 3h30 ngày 18/11, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho hay do ảnh hưởng của nhiễu động trong đới gió Đông trên cao kết hợp với không khí lạnh nên từ ngày 18-19/11 ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, mưa rào và có nơi có dông, cục bộ có nơi mưa to.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Theo đó, dù suy yếu khi vào gần bờ, cơ quan khí tượng quốc gia nhận định vùng áp thấp ven biển Trung Trung Bộ (suy yếu từ bão Manyi) kết hợp với không khí lạnh sẽ gây ra một đợt mưa lớn kéo dài ở các tỉnh miền Trung.
Dự báo mưa dông kèm theo các hiện tượng lốc, sét và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng.
Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Cảnh báo trên trang Facebook cá nhân, TS Nguyễn Ngọc Huy, Cố vấn cao cấp về biến đổi khí hậu của Oxfam International cho hay từ ngày ngày 18/11 không khí lạnh về bắt đầu gây mưa ở miền Trung.
“Khi vào gần bờ biển Trung Trung Bộ của Việt Nam vào ngày 21/11, bão sẽ suy yếu thành một vùng áp thấp, kết hợp với không khí lạnh trước đó sẽ gây mưa lớn ở miền Trung giai đoạn 21-24/11. Bà con từ Huế tới Quảng Ngãi đề phòng ngập lụt cục bộ trong giai đoạn này”, ông Huy nhận định.
Ông Huy dự báo từ ngày 21-24/11, khu vực các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi có với tổng lượng mưa từ 350mm – 500mm, cá biệt có nơi ở phía Nam của Huế hơn 600mm cả đợt.
Từ khóa Áp thấp nhiệt đới không khí lạnh bão số 9 bão Manyi