Bộ GD-ĐT bước đầu xác minh nghi vấn về giá trị tấm bằng cấp 3 của ông Vương Tấn Việt là có căn cứ. Tuy nhiên, Bộ vẫn tiếp tục phối hợp với cơ quan an ninh để điều tra nhiều thông tin quan trọng khác.

ong thich chan quang bi cam thuyet giang 2 nam phai nhap that sam hoi
Ông Thích Chân Quang thuyết giảng tại thiền tôn Phật Quang trong lễ Phật đản 2024. (Ảnh: Thiền tôn Phật Quang)

Báo Thanh Niên hôm 13/8 dẫn lời bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết kết quả xác minh bước đầu của Bộ GD-ĐT cho thấy việc nghi ngờ giá trị tấm bằng tốt nghiệp cấp 3 của ông Vương Tấn Việt (ông Thích Chân Quang) là có căn cứ.

Theo bà Thủy, Bộ GD-ĐT đã kiểm tra trên hồ sơ tại kho lưu trữ của Bộ từ cách đây hơn 1 tháng, và xác định ban đầu là “ông Vương Tấn Việt không có tên trong danh sách dự thi và danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa năm 1989 của Sở GD-ĐT TP.HCM”.

Bộ GD-ĐT đã bước đầu xác minh được việc nghi vấn về giá trị của tấm bằng này là có căn cứ. Tuy nhiên, Bộ vẫn cần tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng và cơ quan an ninh để điều tra, làm rõ hơn những thông tin quan trọng khác.

Cụ thể, Bộ xác minh đó có đúng là văn bằng của ông Vương Tấn Việt với các thông tin như vậy hay không. Nếu thông tin văn bằng nói trên không trùng với thông tin văn bằng do ông Vương Tấn Việt sở hữu thì cần tiếp tục làm rõ theo các kênh khác.

Đáng chú ý, cũng theo bà Thủy, Bộ GD-ĐT đã tiến hành kiểm tra, xác minh hồ sơ quá trình đào tạo của ông Vương Tấn Việt tại Trường Đại học Luật Hà Nội.

Hồ sơ quá trình đào tạo về cơ bản không trái với các quy định pháp luật áp dụng cho trường hợp người học Vương Tấn Việt. Trong hồ sơ thể hiện một số thiếu sót trong quá trình đào tạo nhưng đã được khắc phục trong quá trình đào tạo đó.

Bộ GD-ĐT còn đang gửi các chuyên gia phản biện độc lập thẩm định chất lượng luận án tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt. Trên cơ sở kết quả thẩm định, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành thành lập hội đồng thẩm định luận án theo đúng quy định. Quy trình này cần thêm thời gian để tổ chức thực hiện.

Ông Vương Tấn Việt thời gian qua gây xôn xao dư luận khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Luật Hà Nội với khoảng thời gian 2 năm.

Phía Trường Đại học Luật Hà Nội khẳng định tổng thời gian đào tạo tiến sĩ của học viên Vương Tấn Việt đáp ứng và tuân thủ quy chế đào tạo tiến sĩ của Bộ GD-ĐT và quyết định của nhà trường.

Tiếp đó, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng vừa xác minh ông Vương Tấn Việt không có trong danh sách dự thi và bảng ghi tên ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp ba năm 1989 của Sở GD&ĐT TPHCM,

Ngày 13/8, đại diện trường Đại học Luật Hà Nội cho biết đã nắm được thông tin Sở GD&ĐT TP.HCM phản hồi việc ông Vương Tấn Việt không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa khóa ngày 6/6/1989.

“Về nguyên tắc, khi có văn bản chính thức của cơ quan quản lý thì trường sẽ thực hiện các quy trình theo quy định của Bộ GD&ĐT. Nếu học viên sử dụng bằng giả để tuyển sinh thì các trường đào tạo và cấp bằng ở bậc cao hơn sẽ thực hiện các thủ tục theo quy định của Bộ GD&ĐT về quản lý văn bằng chứng chỉ”, vị đại diện Đại học Luật Hà Nội nói.

Ông Vương Tấn Việt, tức ông Thích Chân Quang, Trụ trì Thiền tôn Phật Quang (thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu) vừa bị kỷ luật không được thuyết giảng dưới mọi hình thức, không chủ trì tổ chức các sự kiện tập trung đông người tại Thiền tôn Phật Quang và các địa điểm khác trong thời gian 2 năm.

Thời gian qua, trước hàng nghìn người, ông Thích Chân Quang đã nói về nhân quả. Trong đó có một số nội dung gây hoang mang dư luận như: “Ai hát karaoke nhiều người đó có nguy cơ chết làm ma câm”; “không có chuyện gì đáng để đi mà xách xe đi tào lao, tốn xăng, làm ô nhiễm không khí thì về già sẽ phải nằm một chỗ, tức là bị tai biến hoặc bị liệt”; “người câu cá là những người lừa đảo”… Các bài giảng được đưa lên website của thiền tôn Phật Quang và mạng xã hội.

Minh Long