Bộ Quốc phòng giải đáp kiến nghị của cử tri về việc bố trí quân nhân công tác gần nhà, đồng thời làm rõ chính sách nhà ở và hỗ trợ dân công hỏa tuyến.

bo quoc phong giai dap viec bo tri quan nhan cong tac gan nha
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. (Ảnh: baochinhphu.vn)

Ngày 9/7, Bộ Quốc phòng cho biết đã nhận được kiến nghị từ cử tri tỉnh Bắc Kạn (cũ, nay thuộc tỉnh Thái Nguyên) về việc nhiều học viên tốt nghiệp các trường quân đội như Trường Sĩ quan Chính trị, Trường Sĩ quan Lục quân, hoặc đang công tác trong quân đội, nhưng không được phân công về quê hương.

Cử tri đề nghị có quy định tạo điều kiện để quân nhân công tác gần nhà nhằm ổn định cuộc sống và phục vụ lâu dài.

Bộ Quốc phòng cho hay, việc sắp xếp học viên tốt nghiệp các học viện, trường sĩ quan phù hợp với nơi cư trú là nguyện vọng chính đáng, nhằm hỗ trợ chính sách hậu phương gia đình, giúp quân nhân yên tâm công tác.

Tuy nhiên, do đặc thù quân sự, việc điều động và phân công công tác phải dựa trên chuyên ngành đào tạo, nhu cầu biên chế, số lượng cán bộ hiện có và yêu cầu nhiệm vụ, tránh xếp chồng hoặc dư thừa cán bộ. Với học viên cử tuyển là người dân tộc thiểu số của các quân khu, Bộ Quốc phòng điều động về đúng quân khu.

Qua rà soát, số lượng học viên tốt nghiệp có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Bắc Kạn vượt quá nhu cầu biên chế của các đơn vị đóng quân tại đây.

Do đó, cán bộ được điều động đến các đơn vị còn thiếu ở các tỉnh khác trong Quân khu 1 hoặc ngoài quân khu. Học viên tốt nghiệp đào tạo cán bộ cấp phân đội, bao gồm các trường như Sĩ quan Chính trị và Sĩ quan Lục quân, được Bộ Quốc phòng phân bổ về các đơn vị trực thuộc, nơi sẽ sắp xếp phù hợp với tình hình thực tế.

Học viên tốt nghiệp đại học được phong quân hàm thiếu úy; những người có thành tích học tập, rèn luyện tốt có thể được xét phong quân hàm từ trung úy đến đại úy, tùy đối tượng đào tạo.

Học viên tốt nghiệp cao đẳng được phong quân hàm quân nhân chuyên nghiệp thiếu úy, hoặc trung úy nếu có thành tích nổi bật. Những học viên tốt nghiệp loại xuất sắc và giỏi được ưu tiên xem xét nguyện vọng khi điều động công tác. Tuy nhiên, tất cả học viên phải tuân thủ nghiêm chỉnh việc phân công công tác theo mục tiêu đào tạo và nhu cầu của đơn vị.

Bộ Quốc phòng cũng nhận kiến nghị từ cử tri tỉnh Quảng Ngãi, đề nghị bổ sung vào Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam các quy định về tiền lương, phụ cấp, nhà ở và điều kiện làm việc cho sĩ quan tại ngũ, bao gồm đảm bảo nhà ở công vụ, hỗ trợ nhà ở xã hội, đất ở, và đăng ký thường trú.

Bộ Quốc phòng cho biết, Khoản 7 Điều 31 Luật Sĩ quan QĐND đã quy định sĩ quan tại ngũ được hưởng chính sách về đất ở, phụ cấp nhà ở và hỗ trợ nhà ở xã hội, cũng như nhà ở công vụ.

Về đăng ký thường trú, Luật sửa đổi năm 2024 đã thay từ “hộ khẩu” thành “thường trú” để phù hợp với Luật Cư trú năm 2020.

Về tuyển sinh quân đội năm 2025, Bộ Quốc phòng ghi nhận 33.205 hồ sơ đủ điều kiện dự tuyển vào 20 học viện, trường quân đội. Một số trường có tỷ lệ chọi cao, như Trường Sĩ quan Chính trị với hơn 6.700 hồ sơ cho 766 chỉ tiêu (tỷ lệ chọi 1/9), Học viện Kỹ thuật Quân sự với gần 5.000 hồ sơ cho 360 chỉ tiêu (1/14), Học viện Biên phòng với hơn 3.500 hồ sơ cho 250 chỉ tiêu (1/14), và Học viện Quân y với hơn 3.200 hồ sơ cho 180 chỉ tiêu (1/18).

Minh Long