Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) xác định vị trí việc làm là trung tâm, đánh giá công chức bằng KPI, xóa tư duy biên chế suốt đời và tạo cơ chế thu hút người tài.

bo truong noi vu danh gia cong chuc theo kpi bo tu duy bien che suot doi
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. (Ảnh: quochoi.vn)

Ngày 14/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Bà Trà cho biết dự luật hướng đến liên thông đội ngũ cán bộ, công chức từ cấp xã đến Trung ương, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp và cơ cấu lại đội ngũ gắn với vị trí việc làm.

Theo bà Trà, vị trí việc làm là nền tảng chi phối mọi hoạt động công vụ, từ xác định biên chế, tuyển dụng, đào tạo, khen thưởng đến trả lương. Ngạch công chức chỉ là công cụ phụ trợ, tích hợp vào khung năng lực.

Do đó, dự luật bỏ thi nâng ngạch và sắp xếp thứ bậc tuần tự, thay bằng xếp ngạch theo năng lực đáp ứng vị trí việc làm.

“Cán bộ, công chức muốn tồn tại phải đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm, xóa tình trạng giữ ghế nhờ ngạch”, bà Trà nói.

Bà Trà cho hay dự luật đổi mới đánh giá công chức, chuyển từ định tính sang định lượng, dựa trên sản phẩm công việc. Chính phủ sẽ xây dựng tiêu chí đánh giá bằng công nghệ, dữ liệu số, kết hợp KPI với đặc thù công vụ Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế.

Công chức được xếp loại theo 4 mức: hoàn thành xuất sắc, tốt, hoàn thành và không hoàn thành nhiệm vụ. Đánh giá công khai, minh bạch, chính xác sẽ đảm bảo nguyên lý không có tư duy biên chế suốt đời.

Bên cạnh đó, bà Trà nói dự luật luật hóa nguyên tắc coi người tài là chủ thể đặc biệt, với cơ chế linh hoạt trong tuyển dụng, sử dụng, nhằm thu hút nhân lực chất lượng cao ở các lĩnh vực như công nghệ số, y tế, giáo dục. Các chính sách này sẽ được cụ thể hóa bằng nghị định.

Ngoài ra, bà Trà cho biết dự luật bỏ phân loại công chức theo cơ quan công tác, bổ sung phân loại theo thứ bậc và nhóm chuyên gia. Các ý kiến về bình đẳng giới, hỗ trợ công chức dân tộc thiểu số và làm việc từ xa cũng được tiếp thu để đảm bảo tính khả thi.

Phát biểu trước đó, đại biểu Lê Đào An Xuân (Phú Yên) đề xuất KPI phải gắn với phát triển công chức, tránh thủ tục hành chính, cần hệ sinh thái số hóa và phân quyền rõ ràng để khơi dậy sáng tạo.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nhấn mạnh đánh giá cần dựa trên đầu ra, với khung tiêu chí riêng cho từng vị trí để đảm bảo công bằng, đồng thời gợi ý cơ chế linh hoạt chọn nhân tài.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc đề xuất đánh giá liên tục theo quý, 6 tháng, năm, kết hợp giám sát chéo từ đồng nghiệp và người dân để tăng tính khách quan.

Quốc hội dự kiến thông qua dự luật vào ngày 24/6/2025.

Minh Long