Bộ TT-TT phối hợp Cục A03 Bộ Công an mời Thơ Nguyễn lên làm việc
- Nguyễn Sơn
- •
Truyền thông trong nước đưa tin ngày 10/3, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) phối hợp với Cục An ninh Chính trị nội bộ (A03), Bộ Công an mời Thơ Nguyễn (tên thật là Nguyễn Thị Hồng Thơ, SN 1992, ngụ Bình Dương) lên làm việc, nhưng chưa nhận được phản hồi từ người này.
Trang Zing ngày 11/3 cho hay thông tin trên do ông Lê Quang Tự Do, Cục phó Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT) cung cấp.
Ông Do cho biết ngày 10/3, Cục này phối hợp với Cục An ninh Chính trị nội bộ (A03) thuộc Bộ Công an để tìm địa chỉ và số điện thoại liên hệ, mời chủ kênh Youtube Thơ Nguyễn lên làm việc vì video người này truyền tải có dấu hiệu tuyên truyền mê tín dị đoan như tuyên truyền bùa ngải, búp bê Kumanthong.
Ông Do cho hay Bộ TT-TT đã gửi yêu cầu và báo chặn video có nội dung không phù hợp của Thơ Nguyễn trên TikTok và YouTube.
Phía TikTok đã tạm dừng kênh của Thơ Nguyễn, cho hay dù mới mở nhưng vì có lượng người theo dõi trên YouTube rất lớn nên khi mở trang TikTok, chỉ trong vòng 3 ngày, số lượng người theo dõi tăng rất nhanh (kênh TikTok của Thơ Nguyễn có 939,6 ngàn lượt xem với hơn 5,7 triệu lượt thích – chú thích).
Kênh Youtube Thơ Nguyễn vẫn hoạt động, với hơn 8,74 triệu lượt đăng ký theo dõi.
“Chủ kênh Thơ Nguyễn ở trong Bình Dương, dù rất nổi tiếng nhưng chỉ hoạt động dưới danh nghĩa cá nhân, không có đăng ký. Sau khi tiếp nhận phản ánh vi phạm, chúng tôi đã liên hệ điện thoại và gửi cả email nhưng người này chưa hồi đáp”, ông Do nói, theo Zing.
Ông Do cho hay trong một vài ngày tới, nếu không liên hệ được với chủ kênh, Cục sẽ đề nghị Google chặn kênh và tạm khóa tài khoản, hoặc có thể không trả tiền quảng cáo cho những kênh đó.
Thơ Nguyễn tên thật là Nguyễn Thị Hồng Thơ, sinh năm 1992, quê Bình Dương, là cử nhân ngành Luật quốc tế – trường Đại học Luật TP.HCM.
Kênh YouTube Thơ Nguyễn được lập từ tháng 3/2016, phần giới thiệu được ghi là “kênh giải trí dành cho trẻ nhỏ” nhưng có “các thử thách được ưa chuộng trong giới trẻ”. Các nội dung của kênh được giới thiệu là về đồ chơi, hướng dẫn nấu các món ăn đơn giản, làm đồ chơi handmade (tự làm), các thử thách, video phim hoạt hình về cuộc sống của búp bê Barbie, lớp học siêu quậy.
Mặc dù có nhiều video có nội dung gây tranh cãi, như bỏ đá khô vào chai nước gây nổ tung, đun lon nước có ga trên bếp, tắm trong bồn thạch… và nhiều câu nói được cho là “phản giáo dục”, kênh YouTube Thơ Nguyễn hiện vẫn hoạt động với 8,74 triệu lượt người đăng ký theo dõi, xếp thứ 7 tại Việt Nam, trong đó có nhiều người xem là trẻ nhỏ.
Theo đánh giá của Social Blade, trong 30 ngày gần nhất, kênh này tăng thêm 90 nghìn lượt đăng ký theo dõi (trung bình 3 nghìn lượt/ngày) và hơn 101,7 triệu lượt xem (trung bình hơn 3,3 triệu lượt xem/ngày), thu nhập ước tính 25.400 – 407.000 USD (tương đương hơn 588,5 triệu đồng – 9,4 tỷ đồng).
Video đun lon nước có ga trên bếp của Thơ Nguyễn, với hơn 2 triệu lượt xem. (Ảnh chụp màn hình)
Ngày 25 và 27/2, Thơ Nguyễn đã đăng 2 clip trên TikTok, trong đó, người này ôm 1 con búp bê, gọi là “Cư Ma Mập”, xưng là “mẹ” và nói chuyện để “xin vía học giỏi”. Các clip này sau đó tiếp tục được đăng tải trên kênh YouTube Thơ Nguyễn.
Nhiều người phẫn nộ vì cho rằng Thơ Nguyễn đang làm búp bê ma (búp bê “bùa ngải” Kumanthong ở Thái Lan), trong khi rất nhiều trẻ em theo dõi kênh này, gây độc hại với tâm trí của trẻ nhỏ.
Anh Lê Xuân Đức – chủ Fanpage “Bố Con Sâu” viết một bài đăng cho rằng “YouTuber Thơ Nguyễn đăng clip búp bê bùa ngải”, và những nội dung này “sẽ làm lệch lạc suy nghĩ, méo mó tâm hồn của trẻ nhỏ”.
Trên trang cá nhân, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bày tỏ: “Mình nghĩ là mọi người, nhất là các phụ huynh nên có động thái cứng rắn hơn với những thể loại clip tào lao bất chấp để kiếm tiền như vậy. Vì nó ảnh hưởng rất xấu đến với con em chúng ta. Người biết suy nghĩ, có ăn học đàng hoàng không ai làm clip YouTube truyền bá nuôi và xin vía Kumanthong cho các bé nhỏ như vậy!”.
Một tài khoản để lại bình luận: “Rất nhiều nội dung [của] cô bé này phản cảm, không chỉ nội dung này đâu, bọn trẻ tò mò rất đáng sợ”. Một tài khoản thừa nhận: “Con nhà mình toàn xem, cũng không để ý, nghĩ nó bình thường. Chắc phải cấm hẳn”.
Bài đăng ngày 9/3 trên Facebook và clip đăng trưa 10/3 trên TikTok của Thơ Nguyễn đều không có lời xin lỗi, chỉ giải thích cho hai clip trên và “xin phép được nghỉ ngơi”. Các bài đăng tiếp tục vấp phải làn sóng giận dữ, trong đó có nhiều phụ huynh.
Nguyễn Sơn
Xem thêm:
Từ khóa Nội dung độc hại chủ kênh Thơ Nguyễn