Chiều ngày 10/8, Bộ Y tế đã tiến hành họp khẩn về sự việc 2 bác sĩ của Bệnh viện tâm thần T.Ư 1 (huyện Thường Tín, Hà Nội) bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về làm giả hồ sơ bệnh án.

kham tram cam bv tam than tw 1
Bệnh viên tâm thần Trung Ương 1 (Ảnh: bvtttw1.gov.vn)

Hai viên chức của bệnh viện này gồm: Thân Thanh P., bác sĩ chuyên khoa 2, Phó trưởng khoa Tâm thần người cao tuổi; và Nguyễn Tuấn S., kỹ thuật viên trưởng khoa Dinh dưỡng.

Đại diện Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 xác nhận vào ngày 12/6 đã nhận được thông báo số 53 và 54 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội về việc khởi tố, bắt tạm giam bị can phục vụ điều tra với 2 viên chức trên.

Đồng thời, bệnh viện đã có quyết định tạm hoãn hợp đồng làm việc 3 tháng đối với ông Thân Thanh P. và ông Nguyễn Tuấn S.

Cuối tháng 7 vừa qua, BV Tâm thần T.Ư 1 cũng cung cấp 94 hồ sơ của bệnh nhân đã điều trị tại BV theo yêu cầu của cơ quan điều tra và đang phối hợp với Công an TP.Hà Nội rà soát lại 94 hồ sơ bệnh án để xem có bệnh án giả mạo hay không.

Tại cuộc họp, GS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế, khẳng định quan điểm của Bộ là xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi nhiệm vụ, vi phạm pháp luật; đồng thời, đề nghị các cơ quan tư pháp xử lý đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, tránh oan sai.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng yêu cầu các cục, vụ, đơn vị liên quan, các bệnh viện chuyên ngành tâm thần rà soát quy trình, thủ tục chuyên môn liên quan đến chẩn đoán, giám định bệnh án tâm thần.

Liên quan đến vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định có 3 chủ thể khác nhau liên quan đến việc làm giả bệnh án tâm thần cho tội phạm: Phía bệnh viện tâm thần; những người được cấp bệnh án tâm thần; và phía cơ quan tố tụng sử dụng bệnh án đó trong hoạt động tố tụng.

Về phía bệnh viện, người có hành vi làm giả bệnh án có dấu hiệu tội “làm giả tài liệu, giấy tờ có tổ chức”, hoặc “lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật, trái công vụ được giao”. Nếu có thêm hành vi vật chất thì còn có dấu hiệu của tội “nhận hối lộ.”

Về trách nhiệm đối với người sử dụng hồ sơ giả, nếu họ có mục đích dùng hồ sơ để trốn tránh việc bị xử lý về hành vi vi phạm pháp luật thì có dấu hiệu phạm tội “làm giả và sử dụng giấy tờ của cơ quan, tổ chức”.

Về trách nhiệm của cơ quan tố tụng khi sử dụng giấy tờ đó để áp dụng miễn chấp hành hình phạt, miễn trách nhiệm hình sự cho các đối tượng phạm tội cần xem xét tình tiết có hay không việc tiếp tay cho đối tượng phạm tội. Nếu có tiếp tay thì thuộc về tội “làm sai lệch hồ sơ trong hoạt động tư pháp”.

Tuấn Minh (t/h)

Xem thêm: