Các vấn đề quanh “drama” giữa CEO Nguyễn Phương Hằng và Tịnh thất Bồng Lai
- Ngọc Long - Lê Mai
- •
“Drama (câu chuyện)” giữa bà Nguyễn Phương Hằng (CEO Công ty cổ phần Đại Nam) và Tịnh thất Bồng Lai đến nay vẫn chưa có “kết luận chính thức” từ cơ quan công quyền. Công luận vẫn chưa nhìn thấy các bằng chứng có giá trị pháp lý liên quan đến các tố cáo. Tuy nhiên, qua câu chuyện này, nhiều vấn đề liên quan đến việc làm từ thiện, tôn giáo tín ngưỡng, đạo đức xã hội… đã được đề cập tới. Chúng tôi xin phép tổng hợp lại một số nét chính của câu chuyện này, từ góc nhìn của nhiều bên, để độc giả tự cảm nhận và giúp độc giả có một cái nhìn tổng quan nhất.
Câu chuyện về Tịnh thất Bồng Lai
“Tịnh thất Bồng Lai” (ở ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, Long An) được chú ý từ năm 2014, khi bé Lê Thanh Huyền Trân (giới thiệu mình là trẻ mồ côi ở “Tịnh thất Bồng Lai”) tham gia chương trình “Giọng hát Việt nhí – The Voice Kids 2014” với ngôi vị Á quân.
Tiếp đến năm 2017, có 2 người tự nhận là “tu sĩ” gồm anh Hoàn Nguyên (SN 1990) và anh Nhất Nguyên (SN 1991) tham gia cuộc thi hát Bolero của đài truyền hình Vĩnh Long. Họ cũng tự nhận là mồ côi ở Tịnh thất Bồng Lai, được “thầy ông nội” Lê Tùng Vân nuôi dưỡng.
Đặc biệt, liên tiếp 2 năm sau đó, nhóm 5 đứa trẻ được giới thiệu là trẻ mồ côi ở “Tịnh thất Bồng Lai” đã tham gia 2 mùa chương trình “Thách thức danh hài” và đạt giải cao.
Từ đó, “Tịnh thất Bồng Lai” là điểm lui tới của nhiều cá nhân, tổ chức từ thiện và những tấm lòng vàng trong, ngoài nước gửi những quà tặng, tiền để hỗ trợ 5 đứa trẻ…
Cuối năm 2019, giới chức tỉnh Long An phát đi thông báo “Tịnh thất Bồng Lai” lợi dụng hình ảnh Phật giáo để trục lợi và nhiều người đã có phản ứng.
Đến tháng 9/2020, báo chí trong nước dẫn kết luận điều tra từ công an Long An cho biết năm 2014, bà Cao Thị Cúc (SN 1960, quê ở huyện Cần Đước, Long An) mua lại nhà, đất rộng gần 2.000m2 ở ấp Lập Thành (xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa), rồi chuyển về đây sinh sống, sau đó sửa chữa lại làm điểm tu tại gia.
Còn ông Lê Tùng Vân (SN 1932, thường trú phường 10, quận 6, TP.HCM), công an Long An cho biết hồi năm 1990, ông Vân có lập “Trại dưỡng lão và cô nhi Thánh Đức” ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) để đón những trẻ mồ côi, người già lang thang cơ nhỡ về chăm sóc. Đến năm 2007, giới chức huyện quyết định dừng hoạt động đối với cơ sở này.
Đến năm 2015, ông Lê Tùng Vân chuyển về sống cùng bà Cúc, nhận nuôi các em mồ côi, cơ nhỡ… lấy tên là “Tịnh thất Bồng Lai”. “Ông Vân và bà Cúc có mối quan hệ phức tạp”, công an Long An cho hay.
Từ năm 2015 đến đầu năm 2020, cơ sở “Tịnh thất Bồng Lai” đã có 18 người cư trú, trong đó có 6 trẻ em. Tuy nhiên, theo công an Long An, cả 6 trẻ đều có mẹ ruột cùng tạm trú, không phải trẻ mồ côi.
Đa số trẻ em sống tại “Tịnh thất Bồng Lai” đều là con cháu có quan hệ huyết thống với ông Vân. “Tịnh thất Bồng Lai đã lợi dụng danh nghĩa nuôi trẻ em nghèo, cơ nhỡ để trục lợi”, công an Long An cho biết.
Cuối năm 2020, ông Vân đổi tên “Tịnh thất Bồng Lai” thành “Thiền Am bên bờ vũ trụ (Thiền Am)”.
Câu chuyện Tịnh thất Bồng Lai nóng trở lại sau livestream của bà Phương Hằng
Trong buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng vào hôm 24/10 với hàng triệu người theo dõi, câu chuyện về “Thiền Am bên bờ vũ trụ” vụt nóng trở lại, sau hơn 1 năm im ắng.
Đáng chú ý, buổi livestream này xuất hiện nhân vật tên Lê Thanh Minh Tùng, tự nhận là con ruột của ông Lê Tùng Vân. Theo đó, anh cho biết ông Vân từng có 7 người vợ cùng một lúc, nếu tính số phụ nữ qua lại là hơn chục người.
Ngoài việc xác nhận những đứa trẻ ở Thiền Am không phải trẻ mồ côi…, anh Tùng còn hé lộ bản thân là kết quả chuyện loạn luân giữa ông Vân và một người ruột thịt. Anh này còn lên tiếng về những chuyện động trời, trái luân thường đạo lý, lừa đảo tinh vi mà ông Lê Tùng Vân và nhiều cá nhân khác ở Thiền Am đã làm trong nhiều năm qua…
Trong những lần livestream sau đó, bà Hằng cho rằng Thiền Am này là cơ sở giả tu, lừa đảo… Những đứa bé ở đây không phải mồ côi, mà có cha, mẹ.
Bà Hằng cũng yêu cầu ông Lê Tùng Vân, những người trong Thiền Am phải “đi thử ADN” để xác định huyết thống; tuyên bố tặng ngay sổ tiết kiệm 20 tỷ đồng nếu kết quả xét nghiệm ADN không trùng khớp.
Đáng chú ý, trong buổi livestream chiều ngày 2/11, bà Phương Hằng tuyên bố ngày 4/11 sẽ đến thăm Thiền Am, để gặp ông Lê Tùng Vân nói chuyện.
“Đích thân tôi sẽ đi cùng trên dưới 50 người tới đó, tất nhiên là hoàn toàn hợp pháp. Tôi có báo công an. Tôi không đi gây rối trật tự mà tôi chỉ đi thăm một nơi để biết tu giả hay thật.
Nếu như tôi đến đó mà nơi đó không mở cửa tiếp mình thì rõ ràng đó là một thiền am lừa đảo. Vì rõ ràng kêu gọi quyên góp tiền từ cộng đồng mà không tiếp khách. Tôi đã lên tiếng hẹn trước chứ không hồ đồ mà phóng vào”, theo bà Hằng.
Hôm 3/11, trên trang Facebook cá nhân nữ trợ lý của bà Nguyễn Phương Hằng, cho biết lý do đến Thiền Am là do “ông Lê Tùng Vân mời” và khẳng định “đoàn đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin cũng như tuân thủ đầy đủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế”.
Hàng ngàn người tập trung tại Thiền Am sau tuyên bố của bà Hằng
Hôm 4/11, cả ngàn người đã đến Thiền Am để đón bà Nguyễn Phương Hằng. Lực lượng YouTuber, hàng xóm, người dân địa phương… đã đứng tập trung tại khu vực quanh Thiền Am vì hiếu kỳ.
Nhiều YouTuber, người dân quá khích đã đưa điện thoại vào ô trống trên cánh cổng Thiền Am để quan sát bên trong, đu bám trên tường cao nhà dân. Hai người của Thiền Am là Hoàn Nguyên, Nhất Nguyên đã phải livestream lên tiếng, nhờ lực lượng chức năng hỗ trợ.
Khoảng 13h30, vệ sĩ của bà Nguyễn Phương Hằng đến. Song sau khi đứng đợi được 20 phút, phía Thiền Am vẫn trong tình trạng “im lìm” không mở cửa đón tiếp, bà Nguyễn Phương Hằng cùng trợ lý, các vệ sĩ đã quay về.
Báo Thanh Niên ngày 4/11 dẫn lời công an huyện Đức Hòa cho biết “chúng tôi có cử lực lượng xuống hiện trường. Tuy nhiên, những người có mặt tại đây không đập phá, không chửi bới ai mà họ chỉ đưa điện thoại lên quay phim và… tự nói chuyện một mình. Những người tập trung tại ấp Lập Thành không phải đến đây để gây rối trật tự công cộng nên chúng tôi không xử lý được. Trong quá trình đó, những người sống trong Tịnh thất Bồng Lai không xuất hiện và đóng kín cửa”.
Cũng theo công an huyện Đức Hòa, trước khi đến Thiền Am, phía đại diện của bà Nguyễn Phương Hằng có thông báo nhưng không nói lý do đến đây làm gì.
“Việc bao vây Thiền Am ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền riêng tư”
Báo Tri thức Trẻ hôm 10/11 dẫn lời anh Hoàn Nguyên, đại diện Thiền Am cho biết việc lực lượng Youtuber leo lên hàng rào, chĩa máy quay livestream là “xâm phạm quyền riêng tư” vì đây là nhà riêng.
Sau gần một tuần bị YouTuber, người dân bao vây Thiền Am, “mọi người vẫn chưa hết hoảng sợ. Sự việc này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự riêng tư đối với tư gia của anh”.
Chia sẻ về cuộc sống tại Thiền Am, anh Hoàn Nguyên nói các em nhỏ sống tại đây đều được nhận nuôi từ các cặp vợ chồng đông con, không còn khả năng nuôi dưỡng trẻ, một số khác là “kết quả” của những mối tình lầm lỡ.
Các sư cô “chỉ làm mẹ của các bé trên mặt giấy tờ, bởi bất kỳ đứa nhỏ nào cũng cần làm giấy tờ cho nó đi học, rồi nó cũng cần phải làm căn cước công dân sau này nữa. Vì vậy, việc có mẹ đứng tên trên giấy khai sinh là hoàn toàn bình thường”, anh cho hay.
Nếu “bỏ chuyện giấy tờ qua một bên”, các sư cô “hoàn toàn không có mối quan hệ huyết thống với ai cả”, anh khẳng định và nói thêm “từ trước đến nay, tôi chưa từng kêu gọi từ thiện ủng hộ các bé, chỉ là sau chương trình Thách thức danh hài, các bé được nhiều người mến mộ nên tôi có để số tài khoản dưới link YouTube. Ai thương thì người ta cho thôi”.
Còn theo anh Nhất Nguyên, đối với các tu sĩ, ai cũng có công ăn việc làm để đảm bảo thu nhập cũng như duy trì kinh phí chăm sóc các bé.
“Như tôi và Hoàn Nguyên có nhận hợp tác làm đá phong thủy; Nhất Tuệ làm về rau củ quả ngoài chợ. Ngoài ra cũng có studio nhận làm hòa âm, phối khí, viết nhạc… tất cả những sản phẩm đăng tải trên kênh Youtube. Mọi người dùng tiếng hát để kiếm tiền, mỗi tháng cũng kiếm thêm vài ba triệu.
Chúng tôi đều có công ăn việc làm chứ ở không vậy ai nuôi. Thiền Am gần 30 người, sống vậy lấy gì ăn. Người ta nói trục lợi, lấy tiền mạnh thường quân nhưng thử nghĩ xem, trước khi nổi tiếng, không ai biết đến Thiền am thì chúng tôi sống bằng gì”, anh Nhất Nguyên nói trên báo Pháp Luật và Bạn Đọc.
“Những lùm xùm mà dân mạng bàn tán trong thời gian qua hoàn toàn sai sự thật”, anh khẳng định.
“Việc xét nghiệm ADN là việc làm vi phạm pháp luật và xâm phạm đời tư cá nhân”
Với “đề nghị xét nghiệm ADN” từ phía bà Hằng, ông Lê Tùng Vân đồng ý xét nghiệm với anh Lê Thanh Minh Tùng, nhưng với những thầy khác trong Tịnh thất Bồng Lai, ông cho rằng “bản thân không có tư cách”.
“Cái đứa nó nói nó là con ruột của thầy, thầy đẻ ra nó, thì cái đứa đó mới đi khám ADN của nó với thầy, để coi nó nói đúng hay nói láo hay nó gạt khán giả.
Cái chuyện như vậy con không làm, tự dưng con kêu thầy với mấy thầy trong này đi khám ADN. Trong này mấy thầy 30, 40 tuổi, có ai nói rằng họ là con của thầy đâu, có ai nói thầy là cha của họ đâu. Họ đâu có cần đâu? Thầy lấy tư cách gì bảo họ? Luật pháp không cho người công dân này đi moi móc đời tư của một người khác”, ông Vân nói và khẳng định “không tham 20 tỷ, không nhận tiền từ người khác để làm điều trái với đạo đức”.
Ông cho biết thêm 40 năm trước, khi bà Lê Thị Thu Vân, em gái ruột của ông còn sống, trong một lần vào viện đã được cho một đứa bé mà bị người ta bỏ rơi. Bà ẵm về nhà nhờ ông đặt tên, từ đó bé trai ấy có tên là Lê Thanh Minh Tùng. Ông Lê Tùng Vân cũng cho rằng “bản thân không có quan hệ cha con huyết thống với Lê Thanh Minh Tùng”.
Anh Nhất Nguyên, tu sĩ tại cơ sở này cũng khẳng định nếu xét nghiệm ADN chỉ để lấy 20 tỷ là “nhục nhã cho cuộc đời tu học”.
Cũng liên quan đến việc “xét nghiệm ADN”, Thượng tọa Thích Nhật Từ (Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì Chùa Giác Ngộ) cho biết hồi năm 2020, những người trong Tịnh thất Bồng Lai đã được thử kết quả ADN 2 lần.
Tuy nhiên, anh Hoàn Nguyên nói năm 2020, những người tại Tịnh thất bị lấy máu, nhưng là để xét nghiệm COVID-19, chứ không phải xét nghiệm ADN.
“Bên kiểm dịch địa phương họ thông báo về trường hợp một người đàn ông từ Campuchia về, có biểu hiện ho, sốt nên đã đến Tịnh thất Bồng Lai yêu cầu chúng tôi đi cách ly tập trung. Chúng tôi đã ở đó khoảng 14 ngày, được lấy dịch ở mũi, miệng. “Sư phụ” cùng mọi người đã được lấy máu nhưng không phải xét nghiệm ADN. Nếu phải thực hiện xét nghiệm này, tôi mong được thực hiện nó một cách minh bạch bởi cơ quan pháp luật”, anh nói.
Cũng theo anh, việc xét nghiệm ADN vốn là vấn đề “rất riêng tư”, “thuộc về cá nhân của mỗi người nên không ai được quyền xâm phạm”. Vì thế, anh sẽ chỉ thực hiện xét nghiệm này khi pháp luật yêu cầu để phục vụ cho sự việc cụ thể.
Về việc “người đứng tên trên khai sinh có nhất thiết là mẹ ruột không”, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp Thị (cơ quan của TW Hội Marketing Việt Nam) hôm 12/11 dẫn lời luật sư Trần Minh Hải (Giám đốc Công ty Luật Basico), cho rằng “theo quy định pháp luật và mẫu Giấy khai sinh hiện hành, thì trên Giấy khai sinh của trẻ, phần thông tin của cha mẹ sẽ không ghi rõ là cha, mẹ đẻ hay cha, mẹ nuôi, cũng như không ghi rõ là con đẻ hay con nuôi.
Cơ quan có thẩm quyền đăng ký khai sinh sẽ quản lý nội bộ và ghi rõ “cha, mẹ nuôi” tại mục Ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh nếu cha, mẹ của trẻ là cha nuôi, mẹ nuôi”.
Đến nay, vẫn chưa có cá nhân, cơ quan truyền thông hay cơ quan có thẩm quyền nào đưa ra công chúng bằng chứng kết quả xét nghiệm ADN cho thấy những người trong Tịnh thất này “quan hệ loạn luân” như các tố cáo.
Thượng tọa Thích Nhật Từ: Những người trong Tịnh thất “không phải là tu sĩ Phật giáo, trái với luật đạo”
Trước lùm xùm Tịnh thất Bồng Lai, hôm 9/11, Thượng tọa Thích Nhật Từ cho biết Tịnh thất Bồng Lai “được xác định không phải là Tự viện hợp pháp và không do Ban Trị sự Giáo Hội Phật giáo tỉnh Long An quản lý”.
Theo ông Từ, vấn đề đất đai, đất tôn giáo phải trải qua nhiều thủ tục, chuyển đổi từ đất thổ cư. Đất lúa không thể sinh hoạt tôn giáo và họ cũng chưa từng đăng ký sinh hoạt tôn giáo. “Việc họ nói những chú tiểu là mồ côi, trong khi các em có người thân ruột thịt là nói sai sự thật. Hiện nay có khoảng 10 đơn tố cáo đã được gửi.
Trước mắt, những điều họ làm là trái với Giáo luật, Hiến chương Giáo Hội Phật giáo; gây thương tổn cho Đạo Phật. Họ tự xưng là chùa, là thầy, là sư cô, là chú tiểu, mặc pháp phục. Điều này là trái với luật đạo”, ông Từ khẳng định.
Năm 2019, “tôi đã cho rằng cụ Lê Tùng Vân cùng các đồ đệ của ông nợ Phật giáo Việt Nam một lời xin lỗi vì họ không phải là tu sĩ Phật giáo. Họ lợi dụng vào sự kém hiểu biết của cộng đồng mạng, sự yêu mến của mọi người dành cho “5 chú tiểu” tại chương trình Thách thức danh hài để trục lợi.”
“Tuy nhiên, đến hiện tại, sự việc vẫn chưa được giải quyết. Theo tôi, nếu vấn đề không giải quyết sẽ dẫn đến sự ngộ nhận, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng”, ông Từ cho hay.
Tịnh thất Bồng Lai: Chúng tôi tu là để tìm về Chân Thiện Mỹ, chứ không phải để “Giáo Hội Phật Giáo công nhận hay không”
Trước những cáo buộc của Thượng tọa Thích Nhật Từ, phía Tịnh thất Bồng Lai đưa ra lập luận phản bác trong một video được cho là có sự chuẩn bị của người lớn, mượn lời của một đứa trẻ. Hai bé, một gọi là Minh Tâm, một gọi là Pháp Tâm đã đứng ra nói về vấn đề tu thật, tu giả này như sau:
“… Một kiếp người cao lắm là 100 năm nhưng một kiếp người có khi chỉ có một năm thậm chí là một phút, một giây, vừa sinh ra đã chết. Đủ thứ mọi lý do khiến cho mình phải chết, thiên tai cũng chết, động đất cũng chết, sóng thần cũng chết, núi lửa cũng chết, dịch bệnh cũng chết, còn nhiều lắm.
Tóm lại, khôn cũng chết, ngu cũng chết, đẹp cũng chết, xấu cũng chết, giàu cũng chết, nghèo cũng chết, trước sau gì cũng chết, cuộc đời này vô thường lắm. Chính vì cuộc đời này vô thường cho nên tôi mới đi tu. Mình tu để tập cho mình hiền, mình tu để tập cho mình từ bi.
Mà ngộ lắm quý vị, người ta chửi tôi là cái thứ tu giả. Tu, mà không được Giáo Hội Phật Giáo công nhận. Trời ơi, mình tu để tập cho mình từ bi bác ái giống Đức Phật mà cũng phải chờ người ta công nhận hay sao? Chẳng lẽ người ta không công nhận thì mình… không được tu, không được từ bi bác ái, hả trời???
Tôi nhắc cho quý vị nhớ nè. Ngày xưa, Đức Phật đi tu, Đức Phật đâu có gia nhập vào Giáo Hội nào đâu. Đức Phật tự tu riêng, tự tu một mình. Nhờ Đức Phật tự tu riêng một mình cho nên Đức Phật mới thành Phật và có được đạo Phật đến tận ngày hôm nay.
Kính thưa quý vị, đây là cái ly, cái ly này muôn đời vẫn là cái ly dù Giáo Hội Phật Giáo có công nhận nó hay không thì nó cũng vẫn là cái ly. Dù người ta có vùi nó xuống bùn, xuống sình thì nó cũng vẫn là cái ly. Chẳng lẽ người ta không công nhận nó là cái ly rồi thì cái ly này lại trở thành cái bàn, cái ghế hay sao? Chẳng lẽ người ta không công nhận rồi cái ly này lại trở thành cái ly giả hay sao? Quá bậy bạ, quá vô lý phải không quý vị. Cái ly, mãi mãi là cái ly.
Cho nên, thưa quý vị, tôi tu thì mãi mãi tôi vẫn là người tu dù Giáo Hội Phật Giáo có công nhận hay không thì tôi cũng vẫn là người tu. Không bao giờ có chuyện được công nhận thì là tu thật còn không được công nhận thì là tu giả. Mục đích tôi tu là để tôi tìm cái Chân Thiện Mỹ cho mình. Mục đích tôi tu không phải để tìm sự công nhận của người khác.
Suốt 2.500 năm qua, chúng ta đang thờ Ông Phật, đang quỳ lạy Ông Phật. Ông Phật mà chúng ta quỳ lạy, tôn thờ mỗi ngày đó chính là người mà năm xưa chẳng có Giáo Hội nào công nhận. Tôi xin được hỏi quý vị, Ông Phật từ xưa khi đi tu có gia nhập vào Giáo Hội nào không? Tôi xin hỏi lại một lần nữa: Ông Phật ngày xưa khi đi tu có gia nhập vào Giáo Hội nào? Ai trả lời được, tôi xin làm đệ tử của người đó suốt đời, suốt kiếp. Còn nếu ai không trả lời được thì hãy đến đây, xin lỗi tôi.
Còn về vấn đề trang phục và cái đầu trọc này thì tôi xin nói cho quý vị biết. Ngày xưa, Đức Phật nói rằng nếu ai muốn tu theo đạo Phật của Đức Phật thì phải cạo đầu và đắp y. Cho nên, tôi nghe theo lời Đức Phật, tôi cũng muốn cạo đầu và mặc áo vàng giống như Đức Phật. Tất cả tôi đều làm theo lời Đức Phật dạy, chứ nếu tôi mà để tóc và mặc đồ Vest tôi còn đẹp trai gấp mấy lần bây giờ.
Kính thưa quý vị, trước khi kết thúc, tôi xin nói một câu cuối cùng, nếu ai muốn tu để đạt được sự công nhận của Giáo Hội thì cứ đi tìm Giáo Hội để xin sự công nhận, còn nếu ai muốn tu để đạt được cái Chân Thiện Mỹ trong tâm hồn của mình thì cứ tu giống tôi….”
“Drama” này đến nay vẫn chưa có hồi kết…
Ngọc Long – Lê Mai
Xem thêm:
Từ khóa Tịnh thất bồng lai bà Nguyễn Phương Hằng Thiền Am bên bờ vũ trụ