Chi hàng nghìn tỷ đồng để tinh giản biên chế, biên chế tăng thêm hàng trăm nghìn người
- Nguyễn Quân
- •
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhận định tinh giản biên chế đang chủ yếu là giải quyết cho những người đến tuổi nghỉ hưu, chứ không phải giảm người không làm được việc.
Tinh giản kiểu “lách luật” như trên không những không “phân loại, đưa ra khỏi biên chế những người dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc“, mà còn hợp lý hóa để duyệt chi cho các khoản chi ngân sách hàng nghìn tỷ đồng.
Hàng nghìn tỷ đồng đã được duyệt chi
Đầu năm 2017, Bộ Công thương cho biết đã chi 37,47 tỷ đồng để tinh giản 337 biên chế trong hai năm 2015 và 2016; dự kiến chi tiếp hơn 4 tỷ đồng để tinh giản 35 trường hợp trong đợt 1 năm 2017.
UBND TP Hà Nội đã duyệt chi 14,075 tỷ đồng để tinh giản biên chế đối với 145 công chức, viên chức cán bộ, công chức cấp xã trong đợt 1 năm 2017.
Gần đây nhất, UBND tỉnh Thanh Hóa cho hay vừa duyệt chi hơn 54,8 tỷ đồng tinh giản biên chế đợt 2 cho 466 người. Trước đó, tỉnh này đã tinh giản biên chế 6 người với kinh phí 468,1 triệu đồng trong đợt 1.
Trước đó, năm 2016, Bộ Tài chính cho biết tạm cấp 20,87 tỷ đồng (tương đương 70% nhu cầu kinh phí) để thực hiện chính sách tinh giản biên chế cho 7 tỉnh trong năm 2015 và đợt 1 năm 2016.
Cụ thể, tỉnh Bạc Liêu: 4 tỷ đồng (kinh phí tinh giản biên chế cho 52 đối tượng), Hà Tĩnh: 1,5 tỷ đồng (22 đối tượng), An Giang: 680 triệu đồng (8 đối tượng), Vĩnh Long: 1,5 tỷ đồng (24 đối tượng), Ninh Thuận: 3,49 tỷ đồng (80 đối tượng), Gia Lai: 7,1 tỷ đồng (124 đối tượng), Sóc Trăng: 2,6 tỷ đồng (33 đối tượng).
Đây chỉ là những con số đã được công bố. Theo báo cáo Bộ Tài chính công báo cuối năm 2015, trong giai đoạn 2015 – 2021, bộ máy nhà nước sẽ tinh giản biên chế trên 296 nghìn người, chiếm 10% tổng số cán bộ, công chức, viên chức hiện nay (cả nước hiện có gần 3 triệu người thuộc bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương). Bộ này cho hay, đối tượng tinh giản biên chế thuộc cấp nào sẽ dùng ngân sách cấp đó để chi trả.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, giai đoạn 2007 – 2011 đã tinh giản biên chế 69.269 người. Kinh phí ngân sách trung ương đã chi cho tinh giản biên chế giai đoạn này là 3.158 tỷ đồng.
Số người trong biên chế vẫn tăng
PGS. TS. Văn Tất Thu – Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ dẫn số liệu cho biết từ 2007 – 2011, biên chế vẫn tăng ở hầu hết các cấp, các ngành. Biên chế các cơ quan của Đảng ở Trung ương tăng 2,23%; biên chế của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội ở Trung ương tăng 3,87%; biên chế khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội ở địa phương tăng 2,66%; biên chế các cơ quan của Quốc hội tăng 48,58%; biên chế Văn phòng Chủ tịch nước tăng 15%; biên chế của các cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương tăng 14,79% (trong đó, công chức tăng 15,11%, viên chức tăng 14,74%); biên chế ngành Tòa án tăng 32,1%; biên chế ngành Kiểm sát tăng 22,87%; biên chế trong Kiểm toán nhà nước tăng 63,15%.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ vào năm 2013, trong 10 năm, từ 2002 – 2012, tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện (trừ Bộ Công an và Bộ Quốc phòng) tăng 72.833 người (tăng 36,27%); biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập tăng 602.704 người (tăng 47,48%).
Tại cuộc họp của đoàn giám sát của Quốc hội diễn ra vào tháng 5/2017, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu (trưởng đoàn) cho biết sau hai năm 2015, 2016 thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị thì biên chế trên cả nước đã tăng 20.400 người, tăng 0,57% chứ không phải giảm như nghị quyết đã đề ra là tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% (mỗi năm giảm từ 1 – 2%).
Từ đó, việc chi lương, quỹ lương cho biên chế đã tăng từ 405.000 tỷ đồng (năm 2015) lên 410.000 tỷ đồng (năm 2016), tăng 1,3% – ông Lưu cho hay.
Cũng trong buổi họp, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhận định tinh giản biên chế thực tế đang chủ yếu là giải quyết cho những người đến tuổi nghỉ hưu.
“Những người không làm được việc vẫn ở trong bộ máy. Theo quy định, cứ 10 người nghỉ hưu được lấy 5 người thì 5 người ấy là đã chờ sẵn. Còn lại là đội ngũ đã lão hóa, cứ sống lâu lên lão làng, không thay đổi được. Không chuyển hóa được thì bộ máy lão hóa, không hiệu lực, hiệu quả”, ông Lý nói.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, trong hai năm 2015, 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, có 22.763 người được tinh giản biên chế. Trong đó, số người về hưu trước tuổi chiếm tới 86% (19.564 người), chỉ khoảng 12,7% cho thôi việc ngay, 0,1% cho thôi việc sau khi đi học, 0,1% chuyển sang các tổ chức không hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Tinh giản biên chế được hiểu là việc đánh giá, phân loại, đưa ra khỏi biên chế những người dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc, không thể tiếp tục bố trí sắp xếp công tác khác và giải quyết chế độ, chính sách đối với những người thuộc diện tinh giản biên chế. (Nghị định 108/2014/NĐ-CP) |
Tinh giản kiểu “lách luật” không những không loại trừ được bộ phận người làm việc không hiệu quả, mà còn hợp lý hóa cho các khoản chi ngân sách để thực hiện tinh giản. Số người trong biên chế tiếp tục tăng lên hàng chục nghìn người, mặc dù hàng nghìn tỷ đồng đã được chi để thực hiện tinh giản.
Khi tinh giản biên chế không thực hiện được từ bản chất của chính sách là thanh lọc, tinh giản để bộ máy trở nên thanh liêm, gọn nhẹ, thì bộ máy còn phình to theo hướng “tham nhũng” chức quyền. “Lạm phát” biên chế không chỉ diễn ra ở cấp công chức, viên chức, mà còn diễn ra phổ biến ở cấp lãnh đạo. Theo Bộ Nội vụ, từ năm 2011 đến 2016, về bình quân số lượng cấp phó trong các tổ chức hành chính thì số phó tổng cục trưởng và tương đương bình quân tăng từ 2,78 lên 3,22; số phó cục, vụ trưởng thuộc tổng cục tăng từ 2,1 lên 2,35; phó trưởng phòng chuyên môn thuộc sở tăng từ 1,41 lên 1,63; phó trưởng phòng chuyên môn cấp huyện và tương đương tăng từ 1,51 lên 1,66.
Về chính sách trợ cấp khi tinh giản biên chế, theo NĐ 108: Đối với người hưởng chính sách về hưu trước tuổi: Đủ 50 tuổi đến đủ 53 tuổi (nam), đủ 45 tuổi đến đủ 48 tuổi (nữ), thời gian đóng BHXH đủ 20 năm trở lên (trong đó đủ 15 năm làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm): Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi; trợ cấp 3 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định về tuổi; trợ cấp 5 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác, có đóng đủ BHXH. Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng BHXH được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương. Đủ 55 tuổi đến đủ 58 tuổi (nam), đủ 50 tuổi đến đủ 53 tuổi (nữ), thời gian đóng BHXH đủ 20 năm trở lên: Hưởng chế độ hưu trí theo quy định; trợ cấp 3 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi. Trên 53 tuổi đến dưới 55 tuổi (nam), trên 48 tuổi đến dưới 50 tuổi (nữ), thời gian đóng BHXH đủ 20 năm trở lên (trong đó đủ 15 năm làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm) và trên 58 tuổi đến dưới 60 tuổi (nam), trên 53 tuổi đến dưới 55 tuổi (nữ), thời gian đóng BHXH đủ 20 năm trở lên: Hưởng chế độ hưu trí theo quy định; không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi. Đối với người hưởng chính sách chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ NSNN: Trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng; trợ cấp 1/2 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng BHXH. Đối với người hưởng chính sách thôi việc ngay: Trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm; trợ cấp 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng BHXH. Đối với người hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học nghề: Hưởng nguyên tiền lương tháng hiện hưởng; được cơ quan, đơn vị đóng BHXH, BHYT trong thời gian đi học nghề (thời gian hưởng tối đa là 6 tháng; trợ cấp một khoản kinh phí học nghề bằng chi phí cho khóa học nghề tối đa là 6 tháng tiền lương hiện hưởng; trợ cấp 3 tháng lương hiện hưởng tại thời điểm đi học để tìm việc làm; trợ cấp 1/2 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng BHXH; trong thời gian đi học nghề được tính thời gian công tác liên tục (nhưng không được tính thâm niên để nâng lương hàng năm). Đối với người hưởng chính sách người thôi giữ chức vụ lãnh đạo hoặc được bổ nhiệm, bầu cử vào chức vụ khác có phụ cấp chức vụ lãnh đạo mới thấp hơn: Được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo đang hưởng đến hết thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm hoặc hết nhiệm kỳ bầu cử. Trường hợp đã giữ chức vụ theo thời hạn được bổ nhiệm hoặc nhiệm kỳ bầu cử còn dưới 6 tháng thì được bảo lưu 6 tháng. |
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa lãng phí ngân sách tinh giản biên chế