Trước báo cáo nêu 3 khó khăn lớn khiến dự án ngăn triều, chống ngập 10.000 tỷ tại TP.HCM 8 năm chưa hoàn thành, Chính phủ đề nghị các bộ, ngành cho “ý kiến hỏa tốc”, đưa ra cơ sỏ pháp lý tháo gỡ các vướng mắc cho dự án.

duong tran xuan soan ngap trieu cuong
Đường Trần Xuân Soạn (quận 7, TP.HCM) thường xuyên bị ngập do triều cường. Ảnh chụp năm 2021. (Ảnh: scem.gov.vn)

Theo công văn số 7083/VPCP-NN ban hành ngày 2/10, gửi 7 Bộ và 3 cơ quan, Văn phòng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành liên quan có ý kiến hỏa tốc đối với Báo cáo của UBND TP.HCM về phương án tháo gỡ vướng mắc Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).

Văn phòng Chính phủ cho hay nhận được báo cáo ngày 24/9 của UBND TP HCM gửi Thủ tướng Chính phủ về phương án tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng.

Văn phòng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, đơn vị liên quan đưa ra ý kiến cụ thể đối với nội dung báo cáo của UBND TP.HCM; giải pháp tháo gỡ và cơ sở pháp lý, thẩm quyền giải quyết đối với những vấn đề vướng mắc được nêu tại báo cáo của UBND TP.HCM.

Văn bản cho ý kiến gửi về Văn phòng Chính phủ trước 17h ngày 3/10. Đây là cơ sở để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng trước ngày 5/10.

Cuối tháng 9 vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trình Thủ tướng Chính phủ kiến nghị phương án tháo gỡ các khó khăn vướng mắc tại dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 (thường được gọi là dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng).

Trong báo cáo, UBND TP.HCM nêu 3 khó khăn lớn làm trì hoãn việc thực hiện dự án và đề xuất giải pháp tháo gỡ.

Vấn đề đầu tiên là chưa xác định rõ thẩm quyền và trình tự thực hiện đối với dự án đang trong quá trình thực hiện có sự thay đổi, mà các nội dung thay đổi thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia.

Do phát sinh, tổng mức đầu tư dự án có khả năng vượt trên 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên hiện Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư không có quy định về thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đang trong quá trình thực hiện có sự thay đổi.

Vấn đề thứ hai là không có nguồn vốn hoàn thành công trình. Nguyên nhân xuất phát từ việc Ngân hàng BIDV không đủ cơ sở để ký phụ lục hợp đồng tín dụng với Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (đơn vị thi công) để trình Ngân hàng Nhà nước thực hiện gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn.

Vấn đề thứ ba là chưa có cơ sở thanh toán hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) (TP.HCM thanh toán cho nhà đầu tư 16% giá trị quyết toán (khoảng 1.588 tỷ đồng) bằng quỹ đất; 84% còn lại (khoảng 8.380 tỷ đồng) thanh toán bằng tiền mặt).

Trì hoãn thi công làm phát sinh lãi hơn 1,7 tỷ đồng mỗi ngày

Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM giai đoạn 1 được khởi công vào tháng 6/2016, dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2018 (36 tháng). Dự án nhằm kiểm soát ngập do triều cường và ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km² với khoảng 6,5 triệu dân ở khu vực trung tâm TP.HCM và bờ hữu sông Sài Gòn.

Dự án do Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam làm nhà đầu tư theo phương thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao); Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 thi công.

Theo báo cáo của nhà đầu tư Tập đoàn Trung Nam, dự án đã thi công được hơn 90% khối lượng công việc nhưng đang tạm dừng thi công từ ngày 15/11/2020 cho đến nay.

Tổng mức đầu tư của dự án đã tăng từ 9.976 tỷ đồng lên thành 14.398 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí lãi vay và các chi phí khác phát sinh trong quá trình thi công bị kéo dài. Theo báo cáo của Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam, chi phí lãi vay tính đến ngày 26/7/2024 đã lên tới 2.369 tỷ đồng, trung bình mỗi ngày phát sinh hơn 1,7 tỷ đồng lãi suất.

Sơn Nguyên