Chính phủ: Nhiều sai phạm trong bổ nhiệm cán bộ tại các địa phương
- Hoàng Minh
- •
Một số cơ quan như Sở NN&PTNT Thanh Hóa có 8 Phó giám đốc; Sở TN&MT Bình Định có 6 Phó giám đốc Sở; Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương có 44 lãnh đạo trong tổng số 46 công chức; Sở NN&PTNT Thái Nguyên bổ nhiệm thừa 23 lãnh đạo,… là những thông tin về sai phạm trong bổ nhiệm cán bộ tại các tỉnh thành vừa được Chính phủ báo cáo Quốc hội trong phiên Khai mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV vào sáng nay (22/5).
Sáng nay (22/5), Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã báo cáo trước Quốc hội về việc đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế, xã hội năm 2016 và tình hình triển khai nhiệm vụ những tháng đầu năm 2017.
Theo báo cáo, Chính phủ ghi nhận 58 trường hợp là người nhà đã được bổ nhiệm ở 9 địa phương là: Hà Giang, Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Đắk Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, Yên Bái và Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, còn có 10 trường hợp vi phạm về tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ nhiệm. Chính phủ cũng cho biết hiện các trường hợp được phản ánh tại Hải Dương, Hải Phòng đang được kiểm tra, làm rõ.
Cùng với những sai phạm trong bổ nhiệm người nhà làm cán bộ, Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy việc bổ nhiệm dư thừa cán bộ tại nhiều cơ quan ban ngành như: Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa có 8 Phó giám đốc; Sở TN&MT tỉnh Bình Định có 6 Phó giám đốc; Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương có 44 lãnh đạo trong tổng số 46 công chức; Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên bổ nhiệm thừa 23 lãnh đạo.
Cũng theo báo cáo của Chính phủ gửi đến các đại biểu Quốc hội, tính đến ngày 1/4/2017, đã có trên 22.700 người được giải quyết tinh giản biên chế trong các năm 2015, 2016 và đầu năm 2017.
Theo đánh giá của Chính phủ, việc tinh giản biên chế như vậy vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.
Cũng tại phiên khai mạc kỳ họp, Báo cáo của Chính phủ cho hay đến nay Chính phủ đã sửa đổi 50 nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa trên 4.500 thủ tục hành chính; kết nối cơ chế một cửa ASEAN với 4 nước, xử lý 850/1.100 kiến nghị của doanh nghiệp (chiếm hơn 77%).
Tuy nhiên, theo đánh giá của Chính phủ, một số cơ chế chính sách còn bất cập, nhất là về phí, lệ phí liên quan đến đầu tư kinh doanh; Mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới nhiều và đang tăng mạnh nhưng chủ yếu là nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp; Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể còn lớn; Năng lực khu vực doanh nghiệp trong nước chưa cao và gắn kết với khu vực FDI còn hạn chế,…
Hoàng Minh
Xem thêm:
Từ khóa chính phủ cán bộ bổ nhiệm Sai phạm trong bổ nhiệm Quốc hội khóa XIV Bổ nhiệm người nhà