Cứ 1.000 người Việt có 770 người sở hữu xe máy
- Minh Long
- •
Tính đến tháng 9/2024, Việt Nam có khoảng 77 triệu xe máy đăng ký, đưa tỷ lệ sở hữu xe máy lên tới 770 xe/1.000 dân, thuộc hàng cao nhất thế giới.
Ngày 4/11, tại Hà Nội, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (TDSI) phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo quốc tế “An toàn giao thông xe máy: Những thách thức và bài học kinh nghiệm”.
Hội thảo nhằm mang đến những giải pháp tổng thể cho an toàn giao thông xe máy ở Việt Nam và góp phần chia sẻ với các quốc gia khác trên thế giới.
Ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia chia sẻ, Việt Nam là một quốc gia có tỷ lệ sở hữu và sử dụng xe máy cao. Đến thời điểm tháng 9/2024 đã có 77 triệu xe máy đăng ký, đưa tỷ lệ sở hữu xe máy trên 1.000 dân tới 770 xe, thuộc hàng cao nhất thế giới.
Trong bối cảnh đặc thù về quy hoạch xây dựng và bất cập về hạ tầng giao thông, các lợi thế của xe máy như tốc độ khá cao, có khả năng chuyên chở, sự linh hoạt, thuận tiện, cơ động, tiện nghi, chi phí vận hành rẻ… càng được phát huy lên gấp bội khi được so sánh với các phương tiện vận tải khác. Nhưng một trong những nhược điểm của xe máy là độ an toàn thấp.
Tuy nhiên, trong môi trường xe máy là một phương tiện chủ đạo (chiếm tới 85%), các phương tiện khác phải tuân theo dòng xe máy, người đi xe máy có được sự an toàn hơn (lý thuyết an toàn hơn với số đông), tốc độ thấp trong đô thị cũng giúp khắc phục nhược điểm an toàn của xe máy.
Trong khi tại nhiều quốc gia người dân không thể đi xe máy do quá nóng, quá lạnh… tại Việt Nam có thể đi xe máy quanh năm. Những yếu tố đặc thù đó tạo nên tỷ lệ sở hữu và sử dụng xe máy rất cao ở Việt Nam. Mặc dù có nhiều kế hoạch dự kiến quản lý, hạn chế chặt chẽ hơn, xe máy hiện nay vẫn là phương tiện đi lại của số đông người dân Việt Nam, chiếm 85-90% lưu lượng phương tiện trên đường và liên quan tới 60-70% số vụ tai nạn giao thông.
Theo ông Minh, Việt Nam có nguy cơ sẽ rơi vào tình trạng rủi ro va chạm do cơ giới hoá. Vấn đề cần có giải pháp thời gian tới là trẻ em đi xe máy có dung tích dưới 50cc. Hiện nay nhóm 16-18 tuổi có thể điều khiển xe máy dung tích dưới 50 cc một cách hợp pháp trong khi nhóm này vẫn thiếu kiến thức và đặc biệt thiếu kỹ năng điều khiển xe. Hiện tượng người dưới 16 tuổi điều khiển các loại xe hai bánh gặp tai nạn giao thông vẫn đang diễn biến phức tạp.
Có một số vụ tai nạn giao thông xảy ra do những vi phạm những quy tắc giao thông rất cơ bản như không nhường đường khi từ đường phụ ra đường chính, đi vào điểm mù, chuyển hướng thiếu quan sát, đi sai phần đường…cho thấy các nội dung trong đào tạo và sát hạch lái xe máy cần được tiếp tục tăng cường.
Những bất cập trong quy hoạch sử dụng đất, tiêu chuẩn xây dựng tiêu chuẩn thiết kế… dẫn tới tình trạng giao thông hỗn hợp và rất khó tách làn cho xe máy.
Tiêu chuẩn làn xe máy và hướng dẫn thiết kế làn dành riêng cho xe máy mới được ban hành dưới dạng hướng dẫn tham khảo, và chưa được áp dụng một cách rộng rãi. Nếu quản lý tốt sẽ giảm được rất nhiều tai nạn giao thông cho người đi xe máy.
Cũng theo ông Minh, mặc dù là điểm sáng về thực thi chính sách đội mũ bảo hiểm với người đi mô tô, xe máy, Việt Nam vẫn chưa có quy định xử phạt với trẻ dưới 6 tuổi khi ngồi trên xe mô tô, xe máy không đội mũ, chưa có tiêu chuẩn mũ bảo hiểm đi xe máy cho trẻ dưới 6 tuổi. Đây là những khoảng trống về mặt pháp luật cần được sớm bổ sung.
“Một vấn đề nữa, những yếu kém trong công tác quy hoạch không gian đô thị và kết cấu hạ tầng giao thông cho xe máy, tổ chức giao thông, kết nối giữa xe máy với các phương thức vận tải công cộng khác còn hạn chế… Điều này tạo nên những bất lợi lớn cho vận tải công cộng và tạo ra ưu thế cho xe máy, dẫn tới thực trạng người dân sử dụng xe máy cho các chuyến đi dài, có lưu lượng giao thông lớn, phức tạp, tốc độ lưu thông cao dẫn tới nhiều vụ tai nạn giao thông trên quốc lộ”, ông Minh nói.
Theo TS. Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT), cho biết đảm bảo an toàn giao thông xe máy là vấn đề rất nóng bỏng hiện nay, không chỉ ở Việt Nam hay Ấn Độ mà trên toàn cầu. Xe máy là phương tiện di chuyển chính, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nơi xe máy không chỉ là phương tiện cá nhân mà còn là công cụ sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa và dịch vụ.
Tuy nhiên, song hành với sự tiện lợi và phổ biến của xe máy là những thách thức không nhỏ, nhất là trong việc đảm bảo an toàn giao thông. Tai nạn giao thông liên quan đến xe máy đã và đang để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và nền kinh tế của nhiều quốc gia.
Tại Việt Nam, theo số liệu thống kế mới nhất, tỷ lệ tai nạn giao thông liên quan đến xe máy chiếm khoảng 60% tổng số vụ tai nạn giao thông đường bộ. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp toàn diện hơn để bảo vệ người đi xe máy, giảm thiểu thương vong và hậu quả từ các vụ tai nạn.
TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (WHO), nhìn nhận thời gian qua Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để cải thiện an toàn giao thông xe máy.
Với vai trò là Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, bà Angela Pratt nhận ra rằng xe máy có vai trò quan trọng trong di chuyển của người dân tại Việt Nam, đây là phương tiện phổ biến, tiện lợi, ít chi phí, dễ dàng di chuyển đến mọi nơi trong khu vực, có thể sử dụng để đi học, đi làm, di chuyển trong thành phố.
Bà Angela Pratt cho rằng Việt Nam và các nước trên thế giới vẫn cần thêm nhiều nỗ lực để tăng cường an toàn giao thông dành cho xe máy, qua đó giúp giảm tỷ lệ tử vong liên quan đến phương tiện này. Toàn thế giới cần bắt tay để có những giải pháp phòng ngừa rủi ro tai nạn giao thông và không được coi đây là tai nạn không thể phòng tránh.
“WHO mong muốn thúc đẩy hợp tác với các cơ quan của Việt Nam trong tương lai, qua đó, hỗ trợ triển khai Luật Trật tự An toàn Giao thông đường bộ và Luật Đường bộ sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025”, Bà Angela Pratt nói.
Bà Roxanne Paisible, Phó giám đốc vận động chính sách, Chương trình an toàn giao thông (GHAI), cho hay ở rất nhiều quốc gia, xe máy là phương tiện rất quan trọng và phổ biến bởi tính thuận tiện và dễ tiếp cận. Các hộ gia đình phụ thuộc vào xe máy để chở con đến trường, đi làm… Với xe ôm hay Grab, đây là phương tiện sinh nhai nên tỷ lệ sử dụng xe máy vẫn luôn tăng. Tuy nhiên, tai nạn giao thông xe máy lại tăng lên.
Do đó, bà Roxanne Paisible cho rằng cần có thêm những giải pháp chính sách liên quan đến an toàn xe máy. GHAI cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông xe máy.
Bà Roxanne Paisible cũng mong muốn tất cả các bên cần chung tay để tăng cường, hoàn thiện thêm các giải pháp để đảm bảo an toàn giao thông cho người đi xe máy.
Cứ 1.000 người dân Việt Nam có 50 người sở hữu xe ôtô Ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng khá nhanh. Theo thống kê, trong 5 năm trở lại đây, tốc độ phát triển trung bình của ngành công nghiệp này đạt trung bình khoảng 15 đến 20%. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, đến tháng 5/2024, Việt Nam mới chỉ đạt tỷ lệ cứ 1.000 dân mới có khoảng 50 người sở hữu xe ôtô. Con số này vẫn thấp hơn rất nhiều so với Brunei 721 xe, Thái Lan 280 xe, Malaysia 542 xe, Singapore 176 xe… Với GDP bình quân đầu người Việt Nam đã vượt mức 4.000 USD (khoảng 101,8 triệu VNĐ), thì tỷ lệ sở hữu ôtô được dự đoán sẽ còn tăng nhanh hơn nữa trong các năm tới. Các chuyên gia cho rằng Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp ô tô. |
Minh Long
Từ khóa tại nạn giao thông xe máy