Giới chức 13 tỉnh ĐBSCL đề nghị ‘tạm ngưng đón người dân về quê’ trong 15 ngày
- Hoàng Minh
- •
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng hôm 3/10 cho biết ông cùng lãnh đạo 12 tỉnh ĐBSCL đã đề nghị tạm ngưng đón người dân về quê.
Chính quyền các tỉnh: Lo sợ dịch bùng phát
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Lâu cho biết những ngày qua, người dân từ các tỉnh, thành phố trở về quê quá đông. Riêng đêm 2/10, có khoảng 20.000 người về quê, đông nghẹt một đoạn quốc lộ 1.
“Như vậy, chỉ trong vài ngày, đã có gần 30.000 người tự về quê. Năng lực tiếp nhận của Sóc Trăng chỉ khoảng chừng này, nếu bà con về thêm nữa, sẽ vỡ trận”, ông Lâu nhận định.
Tại Cà Mau: Trong 2 ngày qua, đã có 1.281 người dân về quê. Dự kiến, sẽ còn nhiều người hơn nữa trong những ngày tới.
Chủ tịch tỉnh Cà Mau, ông Huỳnh Quốc Việt, cho rằng trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu cách ly, điều trị của tỉnh rất khó khăn, hạn chế, không đáp ứng đủ nhu cầu cách ly tập trung và khả năng điều trị nếu có ca nhiễm. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm vắc-xin của tỉnh vẫn còn khá thấp (13,9% dân số), nên “nguy cơ bùng phát dịch là rất cao”.
Tại Sóc Trăng: Từ ngày 30/9 đến ngày 3/10, số lượng người dân về địa phương là hơn 24.000 người. Chỉ tính riêng trong đêm 2/10 rạng sáng ngày 3/10, tại tỉnh Sóc Trăng đã có trên 16.000 người.
Tại Kiên Giang: Đến nay, tỉnh đã tiếp nhận trên 7.000 người dân đi xe máy về quê. Trong đó, tại huyện Tân Hiệp đã tiếp nhận trên 4.000 người, qua xét nghiệm nhanh đã phát hiện 4 trường hợp nghi nhiễm COVID-19.
Tại An Giang: Trong đêm 2/10, người dân về quê trên 10.000 người. Đến 8h30 ngày 3/10, số người về tỉnh đã lên trên 15.000 người. Các huyện đã tổ chức đón về 5.221 người. Hiện còn lại 9.966 người chưa bố trí cho các huyện.
Lãnh đạo UBND tỉnh An Giang cho rằng hiện nay, tình hình dịch bệnh trong tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp, các ca mắc trong cộng đồng tiếp tục tăng, đặc biệt các ổ dịch mới phát sinh trong thời gian gần đây tại các huyện cù lao Phú Tân, Tân Châu và Chợ Mới.
Trong khi đó, nguồn nhân lực y tế, cơ sở hạ tầng phục vụ phòng dịch trong tỉnh còn hạn chế, các khu cách ly tập trung, thu dung điều trị trong tỉnh hiện nay gần như quá tải, tỷ lệ bao phủ vắc-xin trong tỉnh chỉ đạt 21% mũi 1 và 7,5% mũi 2.
“Việc người dân ồ ạt về địa phương đang tạo áp lực rất lớn cho tỉnh trong công tác tổ chức cách ly tập trung, xét nghiệm, thu dung điều trị. Đặc biệt là nguy cơ xâm nhập dịch bệnh, gây bùng dịch trong tỉnh là rất lớn. Nếu không khéo, cả vùng ĐBSCL sẽ trở thành vùng đỏ do dịch lây lan”, ông Nguyễn Thanh Bình, chủ tịch tỉnh An Giang nói.
Người dân: “Biết là dịch bệnh đang căng thẳng… nhưng đến bước đường cùng rồi”
Chia sẻ với báo Tuổi Trẻ hôm 1/10 về lý do phải về quê, anh Q.T. (ở Cần Thơ) nói: “Đã 4 tháng nay, hai vợ chồng tôi mất việc, không có thu nhập, tiền dự trữ trong nhà cũng đã hết. Nhìn con mình nhỏ xíu mà đã phải chịu vất vả như thế này cùng với cha mẹ, tôi đau lòng lắm. Giờ chỉ hy vọng được về quê, ở lại đây chẳng còn tiền để mà sống nữa”.
“Tôi biết dịch bệnh đang căng thẳng, tụ tập đông ở đây như thế này cũng chẳng tốt. Nhưng phải đến bước đường cùng rồi, vợ chồng tôi mới quyết định đưa con về quê bằng xe máy”, anh nói thêm.
Tương tự như tình cảnh của gia đình anh Q.T, chị Nguyễn Thị Thu (28 tuổi, ở Hậu Giang) nói tháng 7 vừa rồi, không may cả hai vợ chồng cùng đứa con chưa đầy 2 tuổi phải đi cách ly tập trung do mắc COVID-19.
“Cách ly xong về tụi tôi ở nhà trọ suốt tới nay. Trong túi còn có 200.000, làm sao trụ lại nổi. Sữa con tôi toàn là do hàng xóm thương tình mà cho chứ hai vợ chồng hết sạch tiền rồi”, chị Thu nói.
BBC dẫn lời một người dân ở TP.HCM cho biết “chính sách phòng dịch của TP.HCM làm nhiều người dân, đặc biệt là người lao động không chủ động lên kế hoạch được nên họ trở nên hoảng loạn. Họ nghe thành phố mở cửa là phải tranh thủ về vì sợ tiếp tục bị kẹt lại. Mặt khác, họ ở lại cũng không có việc làm và có khi đói ăn nên đổ hết về quê để đỡ tiền thuê nhà, tiền ăn uống. Bây giờ các nhà máy, xí nghiệp cũng cố mà cầm cự nên họ cũng chưa vội tuyển người vội. Cùng đường, người dân phải cố mà về”.
“Nhiều tháng qua, các chủ nhà trọ dường như đều miễn hoặc giảm tiền cho công nhân thuê nhà, có khi chủ nhà phải cho thêm vì người lao động họ khổ quá. Có những dãy trọ nằm trong hẻm sâu, trong khu vực phong tỏa nên khó nhận được hỗ trợ. Vì vậy, chuyện mà họ tìm cách về quê tôi nghĩ ai cũng hiểu, chỉ còn chờ lãnh đạo giải quyết, sắp xếp thế nào để có thể kiểm soát được mặt dịch tễ”.
Được biết, trong đề xuất của giới chức 13 tỉnh gửi Thủ tướng Việt Nam, thời gian tạm ngưng tiếp nhận người dân về quê là 15 ngày.
“Trong thời gian này, các địa phương chuẩn bị mọi mặt và lo chu đáo cho bà con đã về. Sau khi ổn định, tỉnh sẽ xin ý kiến tiếp”, báo Tuổi trẻ dẫn lời ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nói.
Hoàng Minh (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa TP.HCM Dòng sự kiện COVID-19