Nhà máy xử lý rác Phương Đình (hơn 250 tỷ đồng) và Nhà máy xử lý rác thải ở xã Việt Hùng (hơn 700 tỷ đồng) bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí lớn, trong khi khu xử lý chất thải Hà Nội lại quá tải.

ha noi hai nha may xu ly rac gan 1 000 ty dong bi bo hoang
Nhà máy rác Phương Đình có dấu hiệu xuống cấp. (Ảnh: Tuấn Anh/laodong.vn)

Dự án Nhà máy xử lý chế biến rác thải Phương Đình (xã Phương Đình, huyện Đan Phượng), được UBND TP. Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 01121001073, chứng nhận lần đầu ngày 2/3/2012; Điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư lần 1 ngày 12/9/2012; lần 2 ngày 17/9/2013; lần 3 ngày 13/2/2015. Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Quang.

Nhà máy công suất xử lý rác thải sinh hoạt 200 tấn/ngày. Diện tích đất sử dụng 4,75ha.Tổng mức đầu tư của dự án là 250,935 tỷ đồng.

Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần giảm thiểu chôn lấp rác thải, ô nhiễm môi trường khu vực huyện Đan Phượng và toàn TP. Hà Nội, nhưng chỉ sau 2 năm chính thức đi vào hoạt động (từ tháng 4/2016 đến tháng 4/2018), nhà máy rác phải đóng cửa.

Báo Lao Động dẫn lời ông Lê Văn Sơn, người địa phương, nói khi nhà máy đi vào hoạt động, thì người dân không chịu nổi. Ống khói của nhà máy nhả liên tục không ngừng nghỉ, tiếng ồn từ lò hơi kêu như xay lúa khiến người dân không ngủ được. Người dân kiến nghị nhiều lần thì nhà máy có nâng ống khói lên cao nhưng không ăn thua.

Hơn nữa, từ vị trí tường bao phía sau của nhà máy đến khu dân cư chỉ cách nhau một đoạn đường ngắn chưa đầy 200m. Không khí ô nhiễm nghiêm trọng, đời sống sinh hoạt của người dân bị đảo lộn, phải sống chung với mùi rác đến mức ám ảnh.

“Nhà máy xả khói suốt ngày, hôm nào gió thổi xuôi về phía khu dân cư là không thể nào thở nổi. Đốt được một năm thì mùi khét nồng nặc, trẻ con người già không thể thở, ho rồi tức ngực, đóng cửa kín mít cũng không chịu nổi”, ông Sơn nói.

Nhà máy có thiết bị công nghệ lạc hậu

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, từ khi hoạt động chính thức, nhà máy thường xuyên phải xin ngừng tiếp nhận rác do sự cố hỏng hóc thiết bị. Cụ thể, từ thời điểm hoạt động đến năm 2018, nhà máy đã ngừng tiếp nhận rác 5 lần với tổng số 777 ngày.

Từ tháng 4/2018 đến nay, nhà máy đã dừng sửa chữa kết hợp nâng cấp hệ thống khí thải theo Quy chuẩn mới (QCVN 61-MT:2016/BTNMT). Tuy nhiên, do chưa đạt yêu cầu nên nhà máy không vận hành xử lý rác từ thời điểm đó đến nay.

Nguyên nhân theo đánh giá là do thiết bị công nghệ lạc hậu, chưa phù hợp với đặc tính rác thải của Hà Nội (chưa qua phân loại), nhiệt trị thấp nên việc vận hành thường xuyên gặp các sự cố.

Cụ thể, nhà máy không đạt nhiệt độ cần thiết (600 – 800 độ C), tắc hệ thống cấp khí đốt và thoát khí thải, tuy đã sửa chữa nhiều lần nhưng chưa khắc phục được.

Hồi năm 2022, ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Quang, chủ đầu tư dự án, từng cho biết đang xây dựng kế hoạch điều chỉnh, nâng cấp công nghệ nhà máy. Dự kiến hết quý I/2023 sẽ có văn bản và hồ sơ trình UBND thành phố phê duyệt, sau đó trình các ban ngành để triển khai hoạt động nhà máy.

Thế nhưng, đến nay đã gần hết năm 2023, dự án vẫn án binh bất động. Người dân ngao ngán thở dài “quá lãng phí, quá phí phạm, quá sai, sai ngay từ ban đầu”.

Ngoài dự án trên, dự án nhà máy xử lý rác thải ở xã Việt Hùng (huyện Đông Anh) được đầu tư từ năm 2016, với tổng vốn hơn 700 tỷ đồng, dự kiến hoạt động vào tháng 4/2017 với công suất xử lý 500 tấn rác thải/ngày, nhưng đã “đắp chiếu” nhiều năm. Đáng chú ý dự án này chủ đầu tư được miễn tiền thuê đất trong 49 năm.

Dự án bỏ hoang, lãng phí, trong khi khu xử lý chất thải Hà Nội lại quá tải

Hiện khối lượng rác thải được thu gom, vận chuyển và xử lý trên TP. Hà Nội khoảng 6.500-7.000 tấn/ngày đêm.

Trong khi đó, khu liên hợp xử chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) đến nay đã tiếp nhận khoảng 26 triệu tấn rác thải rắn sinh hoạt vượt công suất thiết kế; điều kiện cơ sở hạ tầng xuống cấp gây khó khăn cho công tác quản lý, xử lý rác và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Còn khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì, tổng diện tích quy hoạch 73,5 ha gồm 3 giai đoạn, giai đoạn 1 và có tổng diện tích khoảng 25,2 ha vận hành từ năm 1999, bổ sung khu xử lý 5,6 ha huyện Ba Vì đến nay đã tiếp nhận khoảng 2,7 triệu tấn rác. Khu xử lý thực hiện tiếp nhận, xử lý chất thải sinh hoạt 13 huyện, thị xã Sơn Sơn với các loại hình xử lý chôn lấp 1.500 tấn/ngày, xử lý đốt 100 tấn/ngày, vượt công suất thiết kế ban đầu.

Hàng loạt dự án môi trường chậm tiến độ

8 dự án thoát nước, thu gom xử lý nước thải ở Hà Nội với tổng mức đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng hiện chậm tiến độ.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong lý giải đối với dự án cải thiện môi trường thoát nước tại quận Long Biên và huyện Gia Lâm, do chưa bố trí được nguồn vốn nên chưa triển khai thực hiện được chủ trương đầu tư của dự án này.

Còn 3 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 894 tỷ đồng, tháng 10, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã phê duyệt điều chỉnh cục bộ của phân khu N10 – là cơ sở để Sở Xây dựng hoàn thiện đề xuất chủ trương đầu tư của dự án.

Đối với nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, Sở Xây dựng đã hoàn thành việc lập đề xuất chủ trương với tổng mức đầu tư là 2.600 tỷ đồng. Lý do dự án chậm tiến độ là do liên quan lưu vực sông, phải kết nối được tới xấp xỉ 100 dự án nhà ở, khu đô thị. Sở Xây dựng đang trình Sở Kế hoạch và Đầu tư về vấn đề này.

Với dự án thu gom và xây dựng nhà máy xử lý nước thải Tây sông Nhuệ với toàn bộ diện tích hơn 3.000 ha với tổng mức đầu tư là 2.900 tỷ đồng, dự án này phải xác định khi vị trí đấu nối đầu tư hệ thống thoát nước và xử lý nước thải; nhiều tuyến đường chưa được đầu tư theo quy hoạch cho nên việc xác định xây dựng nhà máy cần phải được rà soát. Sở Xây dựng đã trình Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc này.

Dự án xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Núi Thoong (huyện Chương Mỹ) đang được duyệt với công suất 450 tấn/ngày đêm.

Hiện doanh nghiệp đang triển khai hoàn thiện các thủ tục để khởi công vào cuối năm 2023 và sẽ điều chỉnh quy hoạch dự án lên công suất 2.000 tấn/ngày đêm.

Minh Long