Hà Nội hiện có 4 ổ dịch COVID-19; xét nghiệm người ho sốt không rõ nguyên nhân
- Lê Hoàn
- •
Từ ngày 5/7 đến nay (19/7), toàn thành phố Hà Nội ghi nhận 183 trường hợp dương tính virus Vũ Hán. Hà Nội hiện có 4 ổ dịch COVID-19, trong đó 3 ổ dịch mới phát sinh từ ngày 16/7.
Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản khẩn số 245 gửi các đơn vị hệ y tế dự phòng yêu cầu tiếp tục rà soát, xét nghiệm sàng lọc cho nhóm nguy cơ tại cộng đồng.
Cụ thể, từ nay đến 25/7, các đơn vị được yêu cầu rà soát, xác minh và lấy mẫu xét nghiệm phát hiện COVID-19 để đánh giá nguy cơ đối với các trường hợp ho, sốt, chưa có nguyên nhân rõ ràng, nghi ngờ mắc COVID-19, không cần yếu tố dịch tễ, thời gian bắt đầu có triệu chứng từ ngày 10/7.
Những người về từ các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và các tỉnh, thành phố có áp dụng giãn cách xã hội; các tài xế, phụ xe buýt, bán vé xe buýt, cũng phải lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tại nhà đủ 14 ngày. Phương pháp xét nghiệm là RT-PCR mẫu gộp hoặc test nhanh.
Trước đó, hôm 14/7, Sở Y tế Hà Nội đã quyết định xét nghiệm sàng lọc 10.000 người thuộc nhóm nguy cơ tại cộng đồng. Nhân viên y tế lấy mẫu dịch tỵ hầu, gộp 10 mẫu, chuyển Trung tâm kiểm soát bệnh tật để xét nghiệm virus Vũ Hán. Việc lấy mẫu sàng lọc hoàn thành trước ngày 19/7.
Người được lấy mẫu gồm công nhân làm việc và cư trú trên các quận, huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh; người làm dịch vụ vận tải, lái xe, phụ xe đường dài, xe buýt, nhân viên bán vé, người làm việc thường xuyên tại một số bến xe lớn, trên tàu hoặc tại nhà ga. Tiểu thương, người tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh; người làm dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp, cũng được lấy mẫu.
Chiều hôm qua (18/7), Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký công điện số 15 liên quan đến phòng COVID-19. Theo đó, kể từ 0h ngày 19/7, giới hữu trách yêu cầu mọi người dân ở trong nhà, chỉ ra ngoài đường trong trường hợp thật sự cần thiết; thực hiện 5K, giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tụ tập quá 5 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu…
Sáng 19/7, Sở Y tế Hà Nội ghi nhận 16 người dương tính virus Vũ Hán. Trong đó, 6 công nhân Công ty SEI, thuộc Khu công nghiệp Thăng Long, được cách ly từ 5/7, đã xét nghiệm từ 2-3 lần âm tính virus Vũ Hán, sau đó có triệu chứng ho, sốt, xét nghiệm dương tính vào 17/7.
4 người khác liên quan chùm ca tại B8 Tân Mai, là người trong cùng một gia đình, ở địa chỉ B8 Tân Mai, Hoàng Mai. Căn hộ chung cư họ sống cạnh gia đình có 6 người dương tính được công bố hôm 18/7. Cả 4 người xét nghiệm dương tính virus Vũ Hán ngày 18/7.
4 người khác liên quan đến chùm ca bệnh tại số 90 Nguyễn Khuyến, Đống Đa. Cụm ca bệnh tại Đống Đa liên quan chung cư Sunshine Palace tại đường Lĩnh Nam, Hoàng Mai.
2 người liên quan chùm ca tại 132 Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng. Họ cùng tham dự bữa ăn có ba người dương tính vào ngày 15/7, xét nghiệm dương tính virus Vũ Hán ngày 18/7.
Như vậy, từ ngày 5/7 đến nay, Hà Nội ghi nhận 183 ca nhiễm, trong đó 3 ổ dịch mới phát sinh từ ngày 16/7 gồm: ở dịch tại số 90 Nguyễn Khuyến, ghi nhận 34 ca; ở B8 Tân Mai ghi nhận 16 ca và ở 132 Bùi Thị Xuân ghi nhận 14 ca nhiễm. Còn chùm lây nhiễm tại Khu công nghiệp Thăng Long đã ghi nhận 61 ca.
Tổng số ca nhiễm tại Hà Nội từ ngày 29/4 là 442, trong đó 261 ca nhiễm cộng đồng, 181 ca nhiễm trong khu đã được cách ly.
Hơn 2.150 gian hàng thuộc chợ Đồng Xuân buộc đóng cửa
Báo Thanh Niên dẫn lời ông Vũ Hà Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân cho biết sau khi có công điện số 15, từ 5h30 hôm 19/7, đơn vị này đã cho tạm dừng hoạt động đối với các cửa hàng không thiết yếu tại chợ Đồng Xuân (một trong những chợ lớn nhất của Hà Nội, ở phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm).
Các chốt trực tại chợ cũng được lập, chỉ để lại 1 lối vào chợ và 2 lối ra. Lối vào được bố trí lực lực lượng kiểm soát, đo thân nhiệt, sát khuẩn cho người vào chợ.
Theo ông Nguyễn Phi Long, Trưởng phòng bảo vệ Công ty cổ phần Đồng Xuân, các mặt hàng không thiết yếu như quần áo, vải mặc, đồ gia dụng… không phải nhu yếu phẩm đều phải nghỉ bán, chỉ còn khu vực bán lương thực, thực phẩm được phép hoạt động.
Chợ Đồng Xuân có hơn 2.300 gian hàng, trong đó 150 gian kinh doanh lương thực, thực phẩm được phép hoạt động, hơn 2.150 gian hàng không thiết yếu đã buộc đóng cửa, ông Long cho hay.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, người đã có nhiều năm kinh doanh tại chợ Đồng Xuân nói chưa bao giờ buôn bán khó khăn như đợt dịch lần này, sức mua kém, thu nhập ảnh hưởng rất nhiều.
“Mặc dù mặt hàng thiết yếu vẫn được mở bán nhưng sức mua kém hẳn, không có người vào chợ. Chúng tôi chỉ mong nhanh hết dịch để dân tình đi lại đông đúc, lúc đó mới buôn bán được, sống được”, bà Thủy thở dài.
Lê Hoàn
Xem thêm:
Sáng 19/7: TP.HCM 1.535 ca/2.015 ca COVID-19 mới; không công bố mã số ca mỗi tỉnh