Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An (TP. Hội An, Quảng Nam) cho biết đã phát hiện 45 di tích xuống cấp.

hoan thanh chong do chua cau
Di tích Chùa Cầu xuống cấp, giới chức Hội An dùng khung gỗ để chống đỡ. (Ảnh: hoianheritage.net)

Ngày 6/10, Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã phối hợp với các địa phương rà soát di tích xuống cấp trong khu phố cổ, đánh giá tình trạng xuống cấp của từng di tích.

Đơn vị đã đề xuất các giải pháp chằng chống các vị trí xuống cấp, hoặc giải pháp di dời, hạ giải di tích có nguy cơ sụp đổ để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão năm 2022.

Theo đại diện trung tâm, qua khảo sát tại phố cổ Hội An, đơn vị phát hiện 45 di tích xuống cấp. Trong đó, có 11 di tích xuống cấp nghiêm trọng, 21 di tích xuống cấp nặng và 13 di tích xuống cấp nhẹ.

Sau khi khảo sát, trung tâm hỗ trợ chống đỡ 5 di tích (nhà số 65, 68, 50/9 đường Trần Phú, nhà số 71/4 Phan Châu Trinh, sửa chữa cổng vào nhà 56/10 Lê Lợi) trước mùa mưa bão. Ngoài ra, các chủ nhà tự chống đỡ bổ sung 27 di tích.

Ngoài những di tích xuống cấp được chống đỡ, trung tâm đề nghị hạ giải 13 di tích vì không còn khả năng chống đỡ, hiện nay xuống cấp rất nghiêm trọng.

Trong số các di tích xuống cấp nghiêm trọng, không còn giải pháp chống đỡ để duy trì sợ ổn định lâu dài cho di tích (nhà 71/24 Phan Châu Trinh, nhà 56/10 Lê Lợi, nhà 12/11 Bạch Đằng, nhà 76/18 Trần Phú), trung tâm cho rằng ngoài cơ chế hỗ trợ tu bổ di tích đã được quy định, UBND TP. Hội An cần đề xuất thêm cơ chế đặc biệt để thực hiện việc tu bổ cho các di tích trong thời gian sớm nhất và hỗ trợ 100% kinh phí tu bổ.

Chuyên gia Nhật Bản giúp tu bổ Chùa Cầu

trung tu chua cau
Đoàn chuyên gia Nhật Bản khảo sát di tích Chùa Cầu cùng các cán bộ Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An. (Ảnh: hoianheritage.net)

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân trước đó đã ký quyết định phê duyệt dự án tu bổ di tích Chùa Cầu tại TP. Hội An.

Theo đó, dự án tu bổ di tích Chùa Cầu do UBND TP. Hội An làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 20 tỷ đồng (tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 50%, TP. Hội An bố trí 50%).

Theo giới chức tỉnh, việc tu bổ di tích Chùa Cầu do chuyên gia Nhật Bản hỗ trợ.

Ông Tân nói với sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản về chuyên môn kỹ thuật và kinh nghiệm, chắc chắn rằng di tích Chùa Cầu sẽ được tu bổ đạt kết quả tốt nhất. Những giá trị của di tích sẽ được bảo tồn một cách chân xác, toàn vẹn và đảm bảo bền vững lâu dài trong tương lai.

Theo Ban quản lý di tích Hội An, không rõ chính xác niên đại xây dựng Chùa Cầu.

Căn cứ vào văn bia tại cầu và những nguồn tài liệu khác, cầu được xây dựng vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, do các thương nhân Nhật Bản đầu tư vốn, thiết kế và thợ mộc Việt tại Hội An thi công.

Năm 1653, khi người Nhật đã rời khỏi Hội An, người Hoa tiếp quản chiếc cầu này và nối thêm một gian nhô ra giữa cầu (cũng do thợ Việt thi công) và người dân địa phương gọi là chùa từ đó.

Chùa Cầu đã được trùng tu, sửa chữa 7 lần vào các năm 1653, 1763, 1817, 1865, 1915, 1917 và 1986, duy phần móng cầu còn giữ được gần như nguyên vẹn, hầu hết các cấu kiện bằng vôi, gạch, gỗ… đều được thay thế qua các lần tu sửa nên có thay đổi ít nhiều.

Chùa thờ tượng Bắc Đế Trấn Vũ nhằm cầu mong sự bình an, ổn định về địa thế, phong thổ của Hội An.

Minh Long