Kiểm toán Nhà nước: 5 năm, chỉ 136/786 văn bản kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi được xử lý
- Nguyễn Quân
- •
Theo Kiểm toán Nhà nước, trong nhiệm kỳ 5 năm qua, số văn bản do được hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung văn bản chỉ đạt 136/786 văn bản kiến nghị (tương đương 17,3%). Con số này thấp hơn nhiều so với nhiệm kỳ trước.
Số liệu nêu trên được công bố tại buổi Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2016-2021 của Kiểm toán Nhà nước ở phiên họp của Quốc hội Khóa 14, hôm 1/4 vừa qua, truyền thông trong nước đưa tin.
Trong nhiệm kỳ 2016-2021, Kiểm toán Nhà nước báo đã kiến nghị xử lý tài chính 353.733 tỷ đồng, cao gấp 3,5 lần so với giai đoạn 2011-2015 (101.037 tỷ đồng). Tuy nhiên, số kiến nghị về xử lý tài chính của Kiểm toán Nhà nước đã được thực hiện là 237.578 tỷ đồng, đạt 73,6%.
Tức còn tồn đọng tới 26,4% kiến nghị không được xử lý, tương đương hơn 93,3 nghìn tỷ đồng.
Cũng trong 5 năm, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 786 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn.
Hết 5 năm nhiệm kỳ, chỉ 136 văn bản được kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung được thực hiện, chiếm 17,3% tổng số, còn thấp hơn so với nhiệm kỳ trước (146/360 văn bản). Việc không thực hiện kiến nghị kiểm toán cho thấy việc tuân thủ quy định pháp luật của các cơ quan, đơn vị chưa nghiêm, theo báo cáo.
Phản hồi về báo cáo, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) cho hay: “Kiến nghị của Kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước có giá trị bắt buộc thi hành, vì thế các đơn vị được kiểm toán khi có kiến nghị xử lý vấn đề tài chính mà không thực hiện thì phải có giải trình rõ ràng về việc tại sao không thực hiện”.
Trong khi đó, ĐBQH Bùi Đặng Dũng (đoàn Kiên Giang) cho rằng Kiểm toán Nhà nước không nên để tình trạng “treo” kết luận. Nếu kết luận kiểm toán chưa đúng, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị có thể khởi kiện ra tòa và ngược lại, nếu kết luận kiểm toán đúng thì phải xử lý dứt điểm.
Đưa ra giải thích, Tổng Kiểm toán Nhà nước – ông Hồ Đức Phớc cho rằng các kiến nghị kiểm toán còn “treo” là do có những khoản Kiểm toán Nhà nước đề nghị truy thu hoặc giảm quyết toán lại phụ thuộc vào nguồn vốn liên quan đến những khoản chi sai.
Ví dụ, các công trình đã quyết toán trả cho nhà thầu rồi mới có kiến nghị chi sai do không phù hợp với định mức, dự toán hay đơn giá. Nhưng để thu lại được tiền thì phải chờ các doanh nghiệp nộp tiền thì Ban quản lý dự án mới nộp tiền lại cho Nhà nước, theo ông Phớc.
“Đối với các ngành thanh tra, kiểm tra cũng thế, cũng chỉ thực hiện ở mức khoảng từ 70 đến 75% thôi”, ông Phớc nói.
Sáng 6/4, Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc được miễn nhiệm chức vụ. Sau khi rời vị trí Tổng kiểm toán Nhà nước, ông Phớc sẽ được đề cử để giữ chức vụ khác.
Ứng viên duy nhất, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Sỹ Thanh, đã trúng cử Tổng kiểm toán Nhà nước vào sáng nay, 7/4, với 462/462 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 96,25% tổng số ĐBQH). Trước khi được bổ nhiệm làm Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Thanh là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn…
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Kiểm toán NN: Đường sắt Cát Linh – Hà Đông chi sai gần 3.000 tỷ đồng
Từ khóa Kiểm toán Nhà nước văn bản trái pháp luật thu hồi tài sản tham nhũng