Kon Tum: 2 tháng xảy ra 39 trận động đất
- Minh Long
- •
Từ ngày 4/4 – 4/6, tỉnh Kon Tum xảy ra 39 trận động đất, trong đó có 34 trận động đất xảy ra tại huyện Kon Plông.
Ngày 5/6, Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết lúc 9 giờ 39 phút 30 giây ngày 3/6 (giờ Hà Nội), tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) xảy ra trận động đất có độ lớn 2,8 độ Richter ở tọa độ 14,861N – 108,188E, độ sâu chấn tiêu khoảng 10km, không gây ra rủi ro thiên tai.
Đến 11 giờ ngày 3/6, giới chức huyện Kon Plông thống kê có 4 xã gồm Đắk Tăng, Đắk Ring, Măng Cành và Măng Bút đã ghi nhận được trận động đất. Thời gian rung lắc kéo dài từ 2 đến 3 giây.
Cũng theo thống kê của Viện Vật lý địa cầu, từ ngày 4/4-4/6, tỉnh Kon Tum xảy ra 39 trận động đất. Trong đó có 34 trận động đất xảy ra tại huyện Kon Plông. Trong đó, chỉ riêng trong ngày 20/5, huyện Kon Plông xảy ra 4 trận động đất. Các trận động đất có độ lớn dao động từ 2,2 – 3,8 độ Richter.
Báo Giáo Dục và Thời Đại dẫn lời anh Nguyễn Ngọc Thạch (31 tuổi, trú tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông) cho biết trước kia ở khu vực này không xảy ra động đất. Tuy nhiên, thời gian gần đây liên tiếp xuất hiện nhiều vụ động đất khiến người dân hoang mang, lo lắng.
“Mỗi lần động đất xảy ra chỉ kéo dài vài giây nhưng rung hết nhà cửa. Người dân lo lắng nên chạy ra ngoài, tránh những tai nạn đáng tiếc”, anh Thạch nói.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sâm – Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, trước tình hình dư địa chấn xảy ra liên tục, địa phương đã mời Viện Vật lý địa cầu đến kiểm tra, đánh giá nguyên nhân nhưng do dịch COVID-19 nên chưa thể đến địa phương.
Báo Thanh Niên cho biết trước đây tại tỉnh Kon Tum chưa hề ghi nhận tình trạng động đất. Những dư chấn động đất chỉ xuất hiện sau khi thủy điện thượng Kon Tum (đặt tại huyện Kon Plông) bắt đầu tích nước và đi vào hoạt động.
Theo TS Đào Trọng Tứ, Trưởng ban Điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam, các hồ chứa nước của thủy điện cũng là một phần tác nhân gây ra động đất kích thích (động đất nhỏ). Theo TS Tứ, khi làm các hồ chứa lớn, nước phía trên cho áp lực rất mạnh ép xuống các khe nứt ở bên dưới đáy, làm cho ma sát các khối đất đá bị giảm đi, trượt lên nhau dẫn đến tình trạng động đất.
Minh Long
Xem thêm: