Năm 2019: Gần 2.000 người ngộ độc thực phẩm, 8 ca tử vong
- Nguyễn Sơn
- •
Tình trạng buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thói quen lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo báo cáo do Bộ Y tế công bố ngày 11/1, năm 2019, cả nước ghi nhận 76 vụ ngộ độc thực phẩm làm gần 2.000 người mắc, 1.918 người nhập viện điều trị và 8 trường hợp tử vong. So với năm 2018, số vụ giảm 32 vụ (29,6%), số mắc giảm 1.478 người (42,6%), số đi viện giảm 1.135 người (37,2%), số tử vong giảm 9 người (52,9%).
Trong hai năm 2018, 2019, cơ quan chức năng đã khởi tố 28 vụ với 42 bị can về tội vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm và buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm.
Cũng theo báo cáo của cơ quan này, từ đầu năm 2017, không phát hiện các mẫu thịt nhiễm Salbutamol (chất tạo nạc), tỷ lệ thực phẩm vi phạm các chỉ tiêu về kháng sinh giảm mạnh (năm 2018 chỉ còn 0,2%, so với năm 2016 là 1,76%).
Đáng chú ý, Bộ Y tế cho rằng thách thức lớn nhất là sản xuất nhỏ lẻ (trên 8 triệu hộ) với nhiều nguy cơ về an toàn thực phẩm, nhất là các thói quen, tập quán canh tác, sản xuất, mua bán, tiêu dùng nhỏ lẻ…; thói quen lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, tình trạng thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc; khó kiểm soát đối với việc giết mổ gia súc, gia cầm, đặc biệt là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, trong khu dân cư.
Một số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể nghiêm trọng trong năm như ngày 5-6/4, 61 học sinh tiểu học TP.HCM nhập viện với các biểu hiện nghi ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn trưa tại trường; ngày 10/4, 90 công nhân tại Hải Dương phải cấp cứu trong đêm do bị ngộ độc thực phẩm từ bữa ăn trưa tại công ty; ngày 30/6, hàng trăm người sau bữa tiệc cưới tại một nhà hàng ở quận Tân Bình (TP.HCM) có dấu hiệu sốt, đau bụng và tiêu chảy, phải nhập viện cấp cứu…
Nguyễn Sơn
Xem thêm:
Từ khóa ngộ độc thực phẩm chất tạo nạc Thuốc bảo vệ thực vật