Nếu nhất mực muốn đổi Tết, sao không đưa Tết về với ý nghĩa thuần chân?
Tết thực ra là ngày nào? Mùng 1, mùng 2, hay từ ngày 23 đám trẻ xúm xít bên cái tô nhỏ đựng cá chép cúng ông Công ông Táo, Tết đã về? Từ hàng chục ngày trước đêm 30, khi thoáng thấy cành đào đầu tiên trên phố, không khí Tết đã nôn nao. Nhưng, hôm nay có một câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ, liệu Tết có đang là ngày vui của tất cả mọi người?
Có lẽ nên bắt đầu câu chuyện bằng cuộc tranh luận đã diễn ra hàng năm: bỏ hay giữ Tết. Để nói cho đúng hơn thì bỏ Tết chỉ là cách nói tắt. Các ý kiến đề xuất rằng có nên gộp Tết âm lịch vào trong Tết dương lịch? Còn kỳ nghỉ Tết Nguyên đán chính thức nên rút ngắn còn 1-2 ngày để hòa hợp với nhịp làm việc quốc tế? Cuộc thảo luận vẫn được gợi lại mỗi năm dù mẫu số chung cho cả hai bên cùng đều nhằm tới mặt trái trong việc tổ chức Tết Nguyên đán hiện nay, là những nề hà, thói nghỉ ngơi quá trớn khiến kỳ nghỉ lễ có thể kéo dài tới cả tháng do tinh thần làm việc sa sút. Người ủng hộ xu hướng muốn bỏ Tết kỳ vọng việc rút ngắn “Tết âm” sẽ đồng nghĩa với việc lược bớt được những thủ tục rườm rà, thói quen ép nhau ăn uống, chúc tụng trong nhiều ngày. Người phản đối lo sợ nếu chuyển dịch thời gian, đón Tết âm cùng ngày với Tết dương, thì việc đón Tết Nguyên Đán giữa mùa đông liệu còn giữ nguyên được những tinh tế rất nhẹ của một trong những ngày lễ cổ truyền lớn nhất năm hay không. Cả hai bên đều băn khoăn cần làm gì để giữ lại ngày Tết trong sự trọn vẹn về tinh thần…
Tết, hiểu theo nghĩa đơn thuần, đơn giản là thời điểm đánh dấu sự chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, khi vòng quay 364 ngày vừa kết thúc, chu kỳ 4 mùa vừa qua và tiếp tục một vòng tuần hoàn mới. Từ tết trong tiếng Việt là âm Hán Việt cổ của chữ 節 (tiết). Tiết 節vừa có nghĩa Phân khu (thời gian, khí hậu) (như: quý tiết 季節: mùa trong năm, nhị thập tứ tiết khí 二十四節氣: hai mươi bốn tiết trong năm), vừa mang nghĩa Ngày lễ, ngày hội (như: thanh minh tiết 清明節: tiết thanh minh, trung thu tiết 中秋節: ngày Lễ Trung thu). Ngoài ra, tiết 節 còn có nghĩa là Lễ nghi (như lễ tiết 禮節: lễ nghi).
Từ nguyên 元 trong 元旦 (Nguyên Đán) có nghĩa là đầu, đầu tiên, còn đán 旦 có nghĩa là ngày. Theo đó, nghĩa gốc của từ Nguyên Đán 元旦 là chỉ Ngày đầu tiên (tức ngày mồng một) của một năm Nông lịch (âm lịch, tính theo chu kỳ của Mặt trăng).
Theo giải nghĩa như trên, thì Tết Nguyên Đán có thể hiểu là Lễ Ngày đầu tiên của năm, một ngày lễ coi trọng về tính chu kỳ cũng như sự chuyển đổi của vạn vật, trong đó yếu tố lễ hội là hình thức để cộng đồng chào đón một khởi đầu mới. Nhưng khi tính vật chất dần trở thành nhân tố chi phối, Tết Nguyên Đán được nhắc tới như một lễ hội hơn là ý nghĩa tinh thần về lòng kính ngưỡng tự nhiên, đặt con người là một phần trong chỉnh thể Thiên nhiên.
Trong một bài viết, Jesse Peterson, một giáo viên người Canada sống tại Việt Nam cho hay Tết Việt giờ đây “đang quá “human centric”, nghĩa là nó tập trung vào sự ích kỷ của con người, nhiều hơn là lúc để chúng ta quan sát, hiểu ý nghĩa của sự vận động môi trường, vạn vật” (*). Đó là một cách tổng kết cho những mặt trái trong ngày Tết đã được nêu ra trong nhiều năm gần đây, như tai nạn, rượu bia, cờ bạc…, những biến tướng trong việc cúng thờ, tệ hối lộ, đút lót nhân cơ hội được làm thành hợp thức. Khi yếu tố kính ngưỡng chỉ còn khép lại trên phương diện lễ nghi, người ta dễ dàng bị cuốn đi trong vòng xoáy hình thức. Đối với nhiều người, Tết trở thành nỗi phiền muộn khi bị đè nặng bởi áp lực tiền bạc và trách nhiệm lo toan.
Nhưng nếu để ý, sẽ thấy người Việt không hẳn chỉ đang ăn Tết thuần vật chất. Từ 23 ông Công ông Táo trở ra, người ta có thói quen tính lịch đếm giật lùi cho đến đêm 30. Tục hái lộc, xông đất sau thời khắc giao thừa vẫn được gìn giữ, với ý nghĩa mang vận khí mới của thời khắc mới về cho gia đình. Hoa mai, hoa đào – loài hoa chỉ nở một lần vào dịp cuối năm âm lịch, vẫn được coi là biểu tượng dành cho ngày Tết để chào đón năm mới, là một đại diện trong thiên nhiên đánh dấu sự thức dậy trong mùa xuân. Những yếu tố tự nhiên được đưa vào trong các lễ nghi ngày Tết, như tục gói và cúng thờ bánh chưng gắn liền với sự tích mang màu sắc huyền sử về chàng hoàng tử Lang Liêu thứ 18 của vua Hùng thứ 6, trong đó đề cao cái lý hòa hợp của đất trời, vạn vật quy tụ. Tục tắm nước thơm đun bằng cây mùi già trong chiều 30 để “tẩy trần”, thanh sạch thân thể và tâm hồn trước khi chào đón năm mới. Bữa cơm tất niên mang ý nghĩa đoàn viên. Tục lì xì cho người già và trẻ nhỏ thay cho lời chúc sức khỏe trong một năm mới đến. Cho đến nay, vẫn còn nhiều người giữ nếp khai bút, coi trọng trí (trí 智: hiểu thấu sự lý) vào đầu năm.
Tết an nhiên là điều mà nhiều người nói đến những năm gần đây. Tết Nguyên Đán – Lễ Ngày đầu tiên của năm như một kỳ nghỉ tái tạo sức sống trong tinh thần, với sự thư thái, hồn nhiên buông xả. Càng để hết tâm trí vào sự chi phối về vật chất, con người sẽ càng tách biệt mình ra và càng khó để sống một cách tự nhiên. Đôi khi con người quá bận rộn để cảm thấy mọi thứ nên có ý nghĩa. Thời đại ngày nay, để nói nhau hãy dừng lại một khắc để ngẫm nghĩ về những điều sâu xa, xem có nên thôi toan tính, hưởng lấy một chút tĩnh lặng để cân đo về điều được mất, có lẽ là khó. Mọi thứ cứ thế được tiến hành theo guồng quay, theo lối mòn quan niệm chỉ có vật chất là giá trị duy nhất trường tồn. Sẽ luôn là tốt nếu chúng ta bắt đầu làm điều này thay điều nọ, dù chúng có gây nên sự xáo động một thời gian. Bởi vì ta đã mang theo ý niệm rằng cần thay đổi.
Câu chuyện bỏ hay giữ Tết dường như chỉ là lớp vỏ bề mặt. Ẩn sau đó là ý muốn thay đổi để giúp văn hóa đạo đức nâng cao lên. Đó đây là mong muốn việc đón Tết sẽ trở nên văn minh hơn, nhưng rồi cũng e ngại rằng thay đổi liệu có làm văn hóa truyền thống bị phai nhạt. Như những khu nhà tập thể xa lạ với nhịp sống bận rộn và hiện đại trong những khu chung cư, song lại khiến người ta cảm thấy ấm áp và an tâm khi cảm được sự gắn kết vô hình mà nó tạo ra. Vì sao chỉ người trong nước đòi bỏ Tết, còn người Việt xa xứ lại thấy bồi hồi dù chỉ mua được một cành đào, một gói bánh chưng nhỏ về trưng trong nhà? Trong sự kết nối vô hình trong đêm 30, mỗi người đang được trao cho một thời khắc để nhận diện về nguồn cội, trong sự trở về của ký ức về tình thân. Và ký ức ấy càng trở nên nôn nao hơn trong chuỗi dài tháng ngày dằng dặc xứ người… Vậy thì cớ sao ta lại mãi tìm theo những hỗn loạn bề mặt mà quên đi rằng Tết nên được trở về đúng nghĩa của nó, là sự chuyển giao, một không gian sum vầy trong cái háo hức đón nhận điều mới như một phần đáng sống của cuộc đời.
Lê Trai
(*) Jesse Peterson, Kệ Tết, Vnexpress, ngày 6/1/2018
Xem thêm:
Từ khóa Tết Nguyên Đán phong tục ngày tết đề xuất bỏ tết nguyên đán