Nước biển đen ngòm tại Đà Nẵng: Đã có kết quả xét nghiệm
- Văn Duy
- •
Kết quả cho thấy chỉ số của nước xét nghiệm từ cửa sông và cửa xả nước đều nằm trong giới hạn cho phép.
Sáng ngày 16/2, Sở TN&MT TP. Đà Nẵng cho biết Sở đã có thông tin kết quả xét nghiệm mẫu nước biển khu vực ven bờ đường Nguyễn Tất Thành sau khi có phản ánh nước biển tại đây đen ngòm và bốc mùi hôi thối.
Cụ thể, qua kiểm tra các mẫu nước biển lấy vào ngày 14 và 15/2 tại khu vực cửa sông Phú Lộc và cửa xả nước Lê Độ (bên cạnh khu đô thị Đa Phước), kết quả cho thấy chất lượng nước biển bình thường, các chỉ số nằm trong giới hạn cho phép.
Riêng đối với mẫu nước thải được lấy từ cửa xả Lê Độ, qua quan trắc phát hiện có 2 chỉ số vượt giới hạn là Amoni và Sunfua. Nguyên nhân là do hệ thống thoát nước bị xuống cấp dẫn đến tình trạng quá tải, khiến một phần nước thải tràn ra ngoài và chảy thẳng ra biển.
Theo đó, Sở đã yêu cầu các đơn vị xử lý mùi bằng phun chế phẩm, nạo vét và dọn vệ sinh tại các cửa xả cũng như vùng bờ biển.
Trước đó ngày 13/2, nhiều người dân sinh sống dọc 4km bờ biển Đà Nẵng (từ quận Thanh Khê đến Liên Chiểu) lo lắng trước tình trạng nước biển tại khu vực ngày đang đem ngòm và bốc mùi hôi bất thường sau Tết. Nhiều đoạn, rác thải chưa được thu gom đã tấp thẳng vào bờ, gây ô nhiễm nặng.
Theo người dân, tình trạng nước biển đen ngòm bắt đầu xảy ra từ chiều mùng 6 Tết và kéo dài đến tận sáng 14/2 nhưng vẫn chưa chấm dứt. Tình trạng nước biển đen ngòm và ô nhiễm nặng như mấy ngày nay đã khiến nhiều người dân địa phương không dám xuống dám tắm biển sau thời gian chạy bộ, tập thể dục vào buổi sáng sớm.
Được biết, khu vực này nằm gần cửa xả Phú Lộc nên khả năng nước biển bị ô nhiễm nặng có thể là do nước thải chưa qua xử lý tuôn thẳng ra biển.
Giải thích về tình trạng trên, ông Mai Mã – Giám đốc Công ty thoát nước và xử lý nước thải TP. Đà Nẵng cho rằng nước biển đen ngòm có thể là do một lượng lớn nước thải chưa qua xử lý từ các khu vực như: bãi rác Khánh Sơn, kênh Khe Cạn, Đa Cô, khu phố chợ Hòa Khánh,… được gom ra sông Phú Lộc và chảy thẳng ra cửa xả Phú Lộc rồi ra biển gây ô nhiễm.
“Vì do chưa được thu gom, xử lý nên tình trạng nước thải chảy thẳng ra biển vẫn đang tiếp diễn và chưa có số liệu thống kê. Riêng đối với trạm xử lý nước thải Phú Lộc, mỗi ngày xử lý được hơn 40.000 m3, trước khi cho xả ra sông Phú Lộc theo quy định” – ông Mã nói.
Đây không phải là lần đầu biển Đà Nẵng xuất hiện hiện tượng nước thải chảy thẳng ra biển gây ô nhiễm.
Năm 2017, lực lượng chức năng thuộc Sở TN&MT thành phố đã có quyết định xử phạt nhiều công ty vì hành vi xả thải trực tiếp ra môi trường biển, như:
- Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Chinwin – chủ đầu tư khách sạn Sea Shore, ở phường Mân Thái, quận Sơn Trà;
- Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Việt Nam Holiday – chủ đầu tư công trình khách sạn lô 20, 21, 22, B4.3 vệt dọc tường rào sân bay Nước Mặn, ở đường Võ Nguyên Giáp, quận Ngũ Hành Sơn;
- Công ty TMS Hotel Đà Nẵng – chủ đầu tư của công trình khách sạn tại vị trí lô A3 đường Võ Nguyên Giáp (thuộc khu phức hợp đô thị, thương mại dịch vụ Royal Era 1
Đến tháng 8/2018, tại bờ biển Phước Mỹ đường Võ Nguyên Giáp (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà), nhiều người dân đánh lưới tại đây rất bức xúc khi phát hiện hàng trăm m3 nước thải đen ngòm, chưa qua xử lý chảy ồ ạt tràn ra từ bên trong hệ thống cống xả An Đồn.
Ông Mai Mã cho rằng nguồn nước thải trên có thể là do hàng loạt bể bơi của các khách sạn và nhà hàng nằm trên đường biển Võ Nguyên Giáp xả trộm vào hệ thống thu gom nước thải được đặt dọc tuyến đường biển Võ Nguyên Giáp – Hoàng Sa – Trường Sa.
Gần nhất là tháng 11/2018, cũng tại bờ biển Đà Nẵng, người dân phát hiện hiện tượng cá mòi chết hàng loạt, bốc mùi hôi thối, ước tính khoảng 2 tấn. Sau khi kiểm tra, Sở TN&MT Đà Nẵng cho hay chất lượng nước biển nằm trong giới hạn cho phép. Cá chết là vì người dân đánh mìn trúng cá.
Văn Duy
Xem thêm:
Từ khóa xả thải ra biển biển Đà Nẵng