Hồ Bách Hợp Thủy rộng 6 ha trong công viên Thiên văn học – nơi được mệnh danh là ‘độc nhất Đông Nam Á’ (quận Hà Đông, Hà Nội) đang bốc mùi hôi thối nồng nặc do cá chết hàng loạt.

o nhiem ca chet thoi trong ho nuoc cong vien doc nhat dong nam a
Cá chết, cá bị nhuộm đen cùng nổi lên trên mặt nước. Mặt nước hồ đóng váng, tại công viên Thiên văn học, chiều 28/2. (Ảnh: Người dân ghi lại/Phượng Nguyễn/Facebook)

Tình trạng cá chết trắng, phân hủy dưới hồ Bách Hợp Thủy đã kéo dài gần 10 ngày qua. Tới chiều 28/2, nhiều công nhân môi trường mới tiến hành các biện pháp xử lý môi trường trong hồ.

Theo nhận định của người dân địa phương, cá ở hồ Bách Thủy Hợp chết hàng loạt có thể do nước thải sinh hoạt của người dân đổ vào hồ gây ô nhiễm. Dưới hồ Bách Hợp Thủy có nhiều loại cá như chép, trê lai, rô phi…, trong đó có một phần là do người dân thả phóng sinh.

Ghi nhận vào chiều 28/2, phía mặt hồ giáp với đường Lê Quang Đạo kéo dài có một cống nước thải chảy ra hồ, nước hồ khu vực này chuyển từ xanh thẫm sang đen, bốc mùi hôi thối.

Một góc khác có chất lạ màu đen bám trên gạch lát quanh hồ, phía vệ hồ có nhiều vết loang đen, nghi là dầu, chảy xuống. Vợt lưới để gom cá chết của công nhân bị chất lạ màu đen dính vào, công nhân nghi là dầu nhớt thải. Ngoài số cá chết, nhiều cá chép vàng còn sống nhưng yếu, nổi lên mặt hồ để thở bị chất màu đen dính vào thân.

Liên quan đến thông tin cá tại hồ Bách Hợp Thủy trong công viên Thiên văn học (phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội) chết trắng trong những ngày vừa qua, chiều ngày 28/2 nhiều công nhân môi trường đã tiến hành các biện pháp xử lý môi trường.

Công viên Thiên văn học (quận Hà Đông, Hà Nội) rộng 12 ha, là công viên ngoài trời đầu tiên ở Đông Nam Á lấy chủ đề thiên văn học. Tâm điểm của công viên là hồ Bách Hợp Thủy rộng 6ha. Công trình có tổng mức đầu tư khoảng 260 tỷ đồng, được khởi công từ năm 2017 và hoàn thiện vào quý 1/2020, và mới được đưa vào sử dụng từ ngày 5/2/2024 sau 4 năm bỏ hoang.

Nguyễn Sơn