Phạt 10 triệu đồng nếu chữ ký không thống nhất
- Quý Bình
- •
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 41 về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập. Một điểm đáng lưu ý tại nghị định này – người vi phạm sẽ bị phạt 10 triệu đồng nếu “chữ ký của một người không thống nhất hoặc không đúng với sổ đăng ký mẫu chữ ký”.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 41/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập.
Nghị định gồm 5 Chương, 73 Điều áp dụng với cá nhân tổ chức trong nước và nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập; Hộ kinh doanh, tổ hợp tác vi phạm các quy định của Nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm; Tổ chức là đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập theo quy định của Nghị định; Người có thẩm quyền lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Theo Nghị định, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.
Với lĩnh vực kế toán, theo Điều 8 của Nghị định, hành vi vi phạm được chia thành 3 khung xử phạt, gồm:
Phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Mẫu chứng từ kế toán không có đầy đủ các nội dung chủ yếu theo quy định; Tẩy xóa, sửa chữa chứng từ kế toán; Ký chứng từ kế toán bằng mực màu đỏ, mực phai màu; Ký chứng từ kế toán bằng đóng dấu chữ ký khắc sẵn; Chứng từ chi tiền không ký theo từng liên.
Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Lập chứng từ kế toán không đủ số liên theo quy định của mỗi loại chứng từ kế toán; Ký chứng từ kế toán khi chưa ghi đủ nội dung chứng từ thuộc trách nhiệm của người ký; Ký chứng từ kế toán mà không đúng thẩm quyền.
Đặc biệt, chữ ký của một người không thống nhất hoặc không đúng với sổ đăng ký mẫu chữ ký cũng bị xử phạt. Đồng thời, chứng từ kế toán không có đủ chữ ký theo chức danh quy định trên chứng từ; Không dịch chứng từ kế toán bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt theo quy định; Để hư hỏng, mất mát tài liệu, chứng từ kế toán đang trong quá trình sử dụng cũng sẽ bị xử phạt.
Phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Giả mạo, khai man chứng từ kế toán nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo, khai man chứng từ kế toán nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tổ chức, cá nhân lập chứng từ kế toán có nội dung các liên không giống nhau trong trường hợp phải lập chứng từ kế toán có nhiều liên cho một nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh; không lập chứng từ kế toán khi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh; lập nhiều lần chứng từ kế toán cho một nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh; thực hiện chi tiền khi chứng từ chi tiền chưa có đầy đủ chữ ký của người có thẩm quyền theo cũng bị xử phạt theo mức trên.
Sau khi quyết định có hiệu lực (từ ngày 1/5/2018), nhiều người bức xúc cho rằng làm sao có thể yêu cầu hàng trăm chữ ký giống hệt như nhau; việc quy định đăng ký chữ ký mẫu cho kế toán viên để ký trên chứng từ sổ sách xưa nay chưa từng thấy; hay Nghị định này đang “siết” về chế tài, nhưng biện pháp thì lại không hợp lý, thậm chí thiếu thực tế trong bối cảnh Chính phủ điện tử đang triển khai,…
Quý Bình
Xem thêm:
Từ khóa chu kỳ Thuế kế toán chứng từ nghị định số 41 chính phủ điện tử cơ quan thuế