Phú Thọ: Nước sông Hồng dâng cao, cầu phao Phong Châu phải tạm đóng
- Minh Long
- •
Cầu phao Phong Châu phải tạm dừng hoạt động do mực nước sông Hồng dâng cao, nhiều cây cối, vật cản trôi mắc vào cầu, gây áp lực quá mức cho cầu.
Báo chí nhà nước đồng loạt đưa tin khoảng 18h chiều nay (1/10), cầu phao Phong Châu (bắc qua sông Thao, nhánh chính của sông Hồng, nối giữa 2 huyện Tam Nông và Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) phải tạm dừng hoạt động.
Cầu phao Phong Châu được Lữ đoàn Công binh 249 (Binh chủng Công binh) xây dựng để đảm bảo giao thông được thông suốt sau sự cố sập cầu Phong Châu ngày 9/9. Cầu phao có tải trọng 60 tấn. Vị trí cầu phao được lắp đặt cách cầu Phong Châu khoảng 400m về phía hạ lưu thuộc xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao và xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Cầu phao được lắp đặt và hoàn thành trong ngày 29/9. Ngày 30/9, cầu phao Phong Châu chính thức thông xe. Cây cầu cho phép xe thô sơ, xe máy, xe gắn máy và ôtô con dưới 7 chỗ có thể đi lại từ 6h đến 22h hàng ngày. |
Cầu phải tạm dừng hoạt động vì mực nước sông Hồng dâng cao, nhiều cây cối, vật cản trôi mắc vào, gây áp lực quá mức an toàn cho phép với cầu.
Lực lượng chức năng đã tạm thời cấm đường, không cho phương tiện xuống cầu phao.
Ông Nguyễn Đăng Chiến, Trưởng phòng Tuyên huấn, Binh chủng Công binh, cho biết lực lượng thường trực tại cầu phao Phong Châu đã có số liệu thủy văn đầu nguồn sông Hồng ở Lào Cai, Yên Bái. Bộ phận chuyên môn đang theo dõi diễn biến dưới hạ lưu, đoạn chảy qua cầu phao.
“Cầu phao Phong Châu được lắp đặt và neo giữ để phục vụ việc đi lại của người dân trong điều kiện lưu tốc dòng chảy từ 2m/s trở xuống. Nếu dòng chảy mạnh hơn thì đã có phương án, chẳng hạn cắt cầu để đảm bảo an toàn”, ông Chiến nói, theo báo Pháp Luật TP.HCM.
Hiện các phương tiện muốn sang sông tạm thời sẽ phải vòng lên cầu Ngọc Tháp tại thị xã Phú Thọ.
Vụ sập cầu Phong Châu sáng 9/9 khiến 8 người gặp nạn, đến nay vẫn còn 4 người đang mất tích, gồm: Nguyễn Thị L. (19 tuổi, trú ở huyện Tam Nông, Phú Thọ); Nguyễn Hà C. (19 tuổi, ở Đắk Nông); Nguyễn Thị Bích H. (36 tuổi, TP. Việt Trì, Phú Thọ); Nguyễn Thị Y. (45 tuổi, ở huyện Lâm Thao, Phú Thọ). Cục Đường bộ (Bộ GTVT) đã phê duyệt khoản kinh phí hơn 9 tỷ đồng để triển khai trục vớt cầu Phong Châu và các phương tiện gặp nạn trong vụ sập cầu. Tỉnh Phú Thọ cũng đã đề nghị xây cầu Phong Châu mới với kinh phí 865 tỷ đồng. |
Trong một diễn biến có liên quan, tối cùng ngày, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã phát đi tin lũ trên sông Thao (sông Hồng).
Theo đó, lúc 18h, mực nước tại trạm Yên Bái 31,13 m, trên báo động 2 là 0,13 m.
Dự báo, trong 6 – 12 giờ tới, lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục lên trên mức báo động 3. Trong 12 – 24 giờ tiếp theo, lũ trên sông Thao tại Yên Bái có khả năng đạt đỉnh, sau xuống và ở trên mức báo động 3.
Nguy cơ ngập lụt diễn ra tại khu vực trũng thấp, gồm các phường Yên Ninh, Hồng Hà, Minh Tân, Nguyễn Thái Học, Nam Cường, Đồng Tâm, Hợp Minh, Tuy Lộc, u Lâu (TP. Yên Bái); thị trấn Cổ Phúc, Quy Mông, Kiên Thành, Báo Đáp, Việt Thành (huyện Trấn Yên); thị trấn Yên Bình (huyện Yên Bình); thị trấn Mậu A, Mậu Đông, Đông An, Đại Phác, Mỏ Vàng, Viễn Sơn, An Phú, An Thịnh, Yên Hợp (huyện Văn Yên).
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi tại tỉnh Lào Cai, Yên Bái.
Từ khóa Phú Thọ sập cầu bão Yagi cầu Phong Châu cầu phao Phong Châu