Phú Yên: Phá gần 116 ha rừng phòng hộ phục vụ dự án sân golf 9 lỗ
- Trần Tâm
- •
Khoảng 116 ha rừng phòng hộ ven biển thuộc xã An Phú (TP Tuy Hòa) đã được UBND tỉnh Phú Yên cho phép chủ đầu tư chặt phá để làm sân golf, trong khi khu vực rừng này chưa được Thủ tướng cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Bộ TN&MT chưa phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Ngày 21/4, ông Mai Kim Lộc – Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Phú Yên xác nhận UBND tỉnh đã cho phép chủ đầu tư là Công ty TNHH New City Việt Nam chặt, phá 116 ha rừng phòng hộ ven biển tại xã An Phú (TP. Tuy Hòa) để công ty này thực hiện dự án xây dựng khu du lịch liên hợp cao cấp New City Việt Nam, trong đó có hạng mục sân golf 9 lỗ.
Được biết, rừng ven biển tại xã An Phú ban đầu do người dân địa phương trồng từ trước năm 1975 để chắn cát, chống sóng biển xâm thực. Năm 2003, tỉnh Phú Yên quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển đô thị TP Tuy Hòa; quỹ đất ven biển của thành phố được đưa vào phát triển du lịch. Đến năm 2007, tỉnh Phú Yên ra quyết định phê duyệt khu vực rừng thuộc xã An Phú vẫn thuộc loại rừng phòng hộ theo quyết định của Bộ NN&PTNT.
Tháng 9/2014, UBND tỉnh đã cấp phép cho công ty TNHH New City Việt Nam thực hiện dự án “Xây dựng khu du lịch liên hợp cao cấp New City” tại các xã An Chấn, An Mỹ (huyện Tuy An) và xã An Phú (TP. Tuy Hòa) với vốn đầu tư 1 tỷ USD trên diện tích trên 122,5 ha; trong đó có 116 ha rừng phòng hộ.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, dự án này chưa được cấp phép đầy đủ các giấy tờ cần thiết nhưng UBND tỉnh Phú Yên đã cho phép chủ đầu tư thi công, chặt phá toàn bộ khoảng 116 ha rừng phòng hộ này.
Dự án chưa có giấy phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất
Theo điểm a, Khoản 1, Điều 58 Luật Đất đai, đối với trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng từ 20 ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên (trong đó diện tích đất rừng phòng hộ xã An Phú là 116 ha), phải thông qua Thủ tướng Chính phủ.
Trong khi đó, từ tháng 10/2016, UBND tỉnh đã cho phép chủ đầu tư dự án triệt hạ, san dọn toàn bộ diện tích rừng phòng hộ, nhưng gần nửa năm sau (tháng 2/2017), UBND tỉnh mới có công văn giao Sở TN&MT rà soát các thủ tục để UBND tỉnh bổ sung hồ sơ tài liệu trình Thủ tướng chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ.
Đến ngày 12/4/2017 (gần 2 tháng sau), Sở TN&MT mới kiến nghị UBND tỉnh giao cho sở này tổng hợp để UBND tỉnh báo cáo các Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng xem xét, quyết định chuyển mục đích rừng phòng hộ. Tuy nhiên đến nay, Thủ tướng vẫn chưa có ý kiến với đề xuất này của tỉnh Phú Yên.
Dự án chưa có văn bản phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) từ Bộ TN&MT
Theo Phụ lục II của Nghị định số 29/2011/NĐ-CP, dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích đất rừng từ 5ha trở lên (đối với rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ chắn sóng, rừng đặc dụng) phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Thế nhưng, chủ đầu tư dự án vẫn chưa hoàn thành xong báo cáo đánh giá tác động môi trường nên Bộ TN&MT chưa có quyết định phê duyệt ĐTM dự án. Vì vậy, dự án vẫn chưa được tỉnh giao đất cho chủ đầu tư, dẫn đến chưa xác định được giá cho thuê đất đối với dự án.
Lý giải về vấn đề trên, ông Lộc cho biết vì tháng 6 và tháng 7 năm nay tỉnh Phú Yên có tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hữu nghị ASEAN, tỉnh muốn đẩy nhanh dự án để giới thiệu các điểm du lịch. Nếu dự án đợi các thủ tục hoàn tất có khi mất cả một, hai năm nên tỉnh đã tạo điều kiện cho nhà đầu tư vừa dọn rừng, vừa làm các thủ tục liên quan.
Ông Lộc cho biết thêm tuy UBND tỉnh chưa giao đất nhưng tỉnh đã chấp thuận phương án trồng rừng thay thế bằng việc cho chủ đầu tư nộp hơn 6 tỷ đồng.
Ngoài ra, theo ông Đào Mỹ – Chánh Văn phòng UBND tỉnh Phú Yên, tỉnh cũng có công văn giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp các Sở Xây dựng, Sở TN&MT, Sở NN&PTNT cùng các cơ quan, địa phương liên quan rà soát quá trình thực hiện dự án, tổng hợp, báo cáo đề xuất cho UBND tỉnh trước ngày 26/4.
Trước đó, ngày 18/1, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích không phải lâm nghiệp. Theo đó, tỉnh đã chuyển đổi hơn 377 ha rừng để giao cho nhà đầu tư, trong đó có hơn 273 ha rừng tự nhiên và 104 ha rừng trồng.
Do vậy, hàng chục ha rừng tự nhiên tại hai tiểu khu 310 và 311 thuộc sự quản lý của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) đã bị đốn hạ, để giao đất cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi Thảo Nguyên Phú Yên (Công ty Thảo Nguyên), thực hiện dự án chăn nuôi bò thịt chất lượng cao – trong khi đó tỉnh chưa có phương án trồng rừng thay thế.
Trần Tâm
Xem thêm:
Từ khóa Phú Yên phá rừng phá rừng làm sân Golf phá rừng phòng hộ Phú Yên rừng phòng hộ phục vụ dự án sân golf