Quỹ BHXH: ALC II phá sản, bao nhiêu tỷ đồng gửi quỹ khó thu hồi?
- Vĩnh Long
- •
Đầu tháng 8/2018, Tòa án Nhân dân TP.HCM ra quyết định tuyên bố phá sản Công ty Cho thuê tài chính II – Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (ALC II). Đây là vụ phá sản đầu tiên tại Việt Nam đối với một tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
Một trong các chủ nợ của ALC II là Quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) – quỹ an sinh lớn nhất hiện nay với nguồn thu trích từ gần 1/3 tổng quỹ lương của 13,9 triệu người (tính đến năm 2017).
Trong vụ phá sản này, bao nhiêu tiền gửi Quỹ BHXH đang đứng trước nguy cơ đầu tư thất thoát?
Theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước (2011), năm 2009, ALCII kinh doanh thua lỗ 3.000 tỷ đồng và có khả năng lỗ tiềm ẩn đối với khoản tiền đầu tư tài sản cho thuê trị giá gần 4.600 tỷ đồng.
Khi dư nợ cho vay của ALC II vượt 1.600 tỷ đồng, Agribank bảo lãnh cho ALC II vay vốn tại BHXH Việt Nam 400 tỷ đồng với mục đích trả nợ cho Agribank.
Trong năm 2008 và 2009, BHXH Việt Nam đã ký 14 hợp đồng cho Công ty ALC II vay vốn với tổng số tiền 1.010 tỷ đồng. Trong đó, có 13 hợp đồng thời hạn từ 2-5 năm với tổng số tiền là 810 tỷ đồng và 1 hợp đồng ngắn hạn 200 tỷ đồng.
Đến thời điểm giữa năm 2009, ALC II bắt đầu không thanh toán lãi hàng tháng và gốc khi đến hạn của các hợp đồng vay vốn nêu trên.
Ngày 15/12/2016, Tòa án Nhân dân TP.HCM ra quyết định số 1016/2016 mở thủ tục phá sản đối với ALC II.
Tính đến năm 2017, BHXH Việt Nam thu hồi được 200 tỷ tiền gốc của hợp đồng ngắn hạn vào năm 2009 và 4 tỷ tiền gốc hợp đồng số 5, 30 tỷ tiền gốc hợp đồng số 6, 6,7 tỷ tiền gốc của hợp đồng số 1. Tổng cộng, thu hồi được 240,7 tỷ đồng tiền gốc.
Tổng số tiền gốc ACL II còn nợ BHXH Việt Nam là 769,3 tỷ đồng. Nếu tính số lãi phải thu, tổng lãi tính đến ngày 31/12/2015 (theo số báo cáo của Ban Đầu tư quỹ) là 735 tỷ đồng.
Tháng 8/2018, Tòa án Nhân dân TP.HCM ra quyết định tuyên bố phá sản ALC II. Đây là vụ phá sản đầu tiên tại Việt Nam đối với một tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
Số nợ phải trả của ALC II vượt quá khả năng chi trả của tổ chức này. Cụ thể, tổng nợ phải thu của ALC II là trên 15.700 tỷ đồng và gần 32.400 USD. Tổng nợ ALCII phải trả cho các chủ nợ và khách hàng là trên 10.160 tỷ đồng và hơn 8,5 triệu USD. Số dư tồn quỹ còn lại của ALCII khoảng 19 tỷ đồng (trong đó có khoảng 10 tỷ đồng ký quỹ).
BHXH Việt Nam cho rằng hiện tại, Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam (DATC) đang chào bán nợ phải thu của công ty này tại ALC II (*). BHXH Việt Nam đề xuất phối hợp cùng DATC xử lý khoản nợ của ALC II thông qua DATC, tức muốn nhờ DATC tổ chức đấu giá khoản nợ để thu hồi.
Mặt khác, BHXH Việt Nam đề nghị Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam báo cáo Thủ tướng chỉ đạo Agribank với tư cách là đơn vị bảo lãnh cho ALC II vay vốn thực hiện trách nhiệm bảo lãnh với BHXH Việt Nam.
Thực tế, từ năm 2011, khi Thanh tra Chính phủ có kết luận về việc ACL II thua lỗ hơn 3.000 tỷ đồng, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam – Nguyễn Đình Khương đã khẳng định Agribank phải trả nợ thay ACLII theo bản thỏa thuận số 01 (ngày 25/12/2003) giữa BHXH Việt Nam và Agribank về vay vốn bảo lãnh. Tuy nhiên, 7 năm trôi qua kể từ sau kết luận thanh tra, ALC II tuyên bố phá sản, còn Agribank vẫn chưa có bất kỳ động thái nào về số nợ bảo lãnh nói trên.
(*) Theo thông báo đấu giá, khoản tiền DATC gửi tại ALC II là hơn 387,3 tỷ đồng, trong đó, nợ gốc tiền gửi là 269,2 tỷ đồng, tiền lãi chậm trả tính đến 17/10/2017 là hơn 118,1 tỷ đồng. Giá bán khoản nợ là 269,2 tỷ đồng.
Vĩnh Long
Xem thêm:
Từ khóa Ngân hàng Agribank BHXH thất thoát tiền BHYT BHXH