Sẽ tránh được nguy cơ 7.600 người chết/năm nếu thay đổi quy hoạch điện
- Vĩnh Long
- •
Nhiệt điện than đang chiếm tỷ trọng cao nhất hệ thống theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đang được Chính phủ tiến hành.
Theo ước tính sơ bộ, Việt Nam có thể tránh được 7.600 ca tử vong sớm hàng năm vào năm 2030 nếu chuyển dịch theo hướng kết hợp năng lượng tái tạo với sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả (EE&RE).
- Yêu cầu ‘không đưa thêm’ nhiệt điện than vào Bình Thuận – Vậy hiện trạng ra sao?
- Công bố tiêu chuẩn tro xỉ nhiệt điện đốt than làm vật liệu san lấp
- Dự án chậm tiến độ, thiếu than, thiếu khí: Từ năm 2020 sẽ thiếu điện
Tháng 6, Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (GreenID) công bố bản “Khuyến nghị Chính sách – Chuyển dịch năng lượng công bằng: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam”. (1)
Ba kịch bản nguồn điện được phân tích trong nghiên cứu gồm Quy hoạch Điện VII điều chỉnh (QHĐ VII ĐC), kịch bản năng lượng tái tạo (B&RE) và kịch bản kết hợp năng lượng tái tạo với sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả (EE&RE).
Các yếu tố đảm bảo sự phát triển công bằng giữa nhu cầu năng lượng và đời sống như việc làm, môi trường, các khía cạnh xã hội, an ninh năng lượng, chi phí đầu tư và chi phí sản xuất điện.
“Thông qua phân tích so sánh tác động của ba kịch bản phát triển nguồn điện tới năm 2030 của Việt Nam về việc làm, môi trường, các khía cạnh xã hội, an ninh năng lượng, chi phí đầu tư và chi phí sản xuất điện, kết quả cho thấy kịch bản chuyển dịch sang năng lượng sạch mang lại nhiều cơ hội hơn là rủi ro cho Việt Nam về cả kinh tế, xã hội và môi trường.” – bản kiến nghị nêu rõ.
Phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch hay chủ động nhiên liệu tái tạo, sử dụng tiết kiệm?
Theo GreenID, chuyển dịch năng lượng là quá trình chuyển đổi từ phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch sang phát triển và ứng dụng năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.
So với kịch bản cơ sở theo QHĐ VII ĐC, kịch bản năng lượng tái tạo (B&RE) có tổng công suất phát điện đến năm 2030 sẽ chỉ thấp hơn khoảng 6.000 MW, trong đó, năng lượng tái tạo (điện gió và điện mặt trời) được tăng lên đáng kể thay cho tỷ trọng năng lượng truyền thống (than). Đáng lưu ý, công nghệ than được lựa chọn sau năm 2020 là công nghệ có thông số hơi trên siêu tới hạn – hiệu suất cao và phát thải thấp.
Với tính chất kết hợp năng lượng tái tạo với sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, tổng công suất năm 2030 của kịch bản EE&RE là 105.130 MW, trong đó tỷ trọng năng lượng tái tạo từ khoảng 21% tăng lên khoảng 30%; tỷ trọng nhiệt điện khí từ khoảng 14,7% tăng lên khoảng 22,8%; tỷ trọng của nhiệt điện than từ khoảng 42,6% giảm xuống còn khoảng 24,4%.
Không chỉ các nước tiên tiến mà nhiều nước đang phát triển cũng đang cố gắng chuyển dịch sang năng lượng tái tạo như một cách để tìm kiếm lợi thế mới trong phát triển hạ tầng (GreenID – FES)
Do giảm mức độ phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, 2 kịch bản B&RE và EE&RE đảm bảo an ninh năng lượng tốt hơn so với QHĐ VII ĐC mà vẫn đáp ứng nhu cầu năng lượng tương lai của Việt Nam.
Tránh nguy cơ khoảng 7.600 ca tử vong sớm hàng năm
So với QHĐ VII ĐC đang được áp dụng, 2 kịch bản B&RE và EE&RE có khả năng giảm tác động với môi trường và sức khỏe cộng đồng, giảm đáng kể phát thải khí nhà kính, bảo vệ nguồn nước, cải thiện môi trường làm việc.
Đối với nhu cầu nước (chủ yếu cho việc làm mát), tính đến năm 2030, tổng nhu cầu nước của QHĐ VII ĐC là 103,3 tỷ m3/năm, kịch bản B&RE là 87,7 tỷ m3, kịch bản EE&RE là 61,2 tỷ m3 /năm. So với nhu cầu nước của kịch bản QHĐ VII ĐC, nhu cầu nước của kịch bản B&RE và EE&RE lần lượt chỉ bằng khoảng 58% và 84%.
Theo Green ID, cả hai kịch bản chuyển dịch B&RE và EE&RE đều có đóng góp rất ý nghĩa đối với việc bảo vệ môi trường không khí và nguồn nước. Ước tính sơ bộ, kịch bản EE&RE có thể giúp tránh được 7.600 ca tử vong sớm hàng năm vào năm 2030 so với kịch bản QHĐ VII ĐC. (3)
- Nghịch lý: Nhập siêu than để phát triển nhiệt điện than
- Những con số tử thần và bóng dáng Trung Quốc quanh những dự án nhiệt điện than
Giảm chi phí sản xuất điện, tăng việc làm
Theo GreenID, với tổng nhu cầu đầu tư quy về hiện tại, phương án QHĐ VII ĐC có nhu cầu đầu tư cao hơn cả hai phương án chuyển dịch, do tổng công suất điện dự báo cao hơn.
Trong khi QHĐ VII ĐC cần 34.321 triệu USD để đầu tư thì kịch bản B&RE cần 29.027 USD, kịch bản EE&RE cần 30.696 USD.
Mức chênh lệch tổng nhu cầu đầu tư giữa QHĐ VII ĐC với kịch bản B&RE và EE&RE lần lượt là 5.294 triệu USD (tương đương 15,4%) và 3.625 triệu USD (tương đương 10,6%).
Về chi phí sản xuất điện, theo GreenID, tất cả các hạng mục chi phí của phương án QHĐ VII ĐC đều cao hơn, chưa kể chi phí ngoại biên (chi phí môi trường, xã hội và sức khỏe). Theo tính toán, chi phí sản xuất điện của phương án QHĐ VII ĐC ở mức 9,56 xu Mỹ/kWh, cao hơn phương án B&RE 36% (8,2 xu Mỹ/kWh), cao hơn phương án EE&RE 10% (do nhu cầu của phương án này thấp hơn dẫn đến chênh lệch chi phí) (8,67 xu Mỹ/kWh).
Từ giai đoạn 2026-2030, số việc làm của kịch bản B&RE ước tính là 64.7903 việc làm bình quân/năm, cao hơn 24.803 việc làm bình quân/năm so với QHĐ VII ĐC. Cùng giai đoạn này, số việc làm xây lắp theo kịch bản EE&RE bình quân cũng cao hơn QHĐ VII ĐC khoảng 5.788/năm.
Ngoài ra, theo Green ID, các kịch bản năng lượng tái tạo giúp tạo động lực phát triển mới và giúp thu hẹp khoảng cách cho các địa phương có tiềm năng ở vùng sâu xa và tăng cơ hội tiếp cận điện và cải thiện điều kiện sống cho nhóm hộ chưa có điện ở các vùng sâu xa, hẻo lánh.
Đáng chú ý, báo cáo cho hay việc chuyển dịch năng lượng không dẫn tới mất việc làm cho người lao động của ngành than hay của các nhà máy nhiệt điện than. Lượng than nội địa sử dụng cho nhiệt điện than trong cả ba kịch bản hầu như không thay đổi. Theo đó, lao động trong ngành than nếu suy giảm không phải do chuyển dịch năng lượng mà là do thay đổi trong việc sử dụng công nghệ khai thác (từ lộ thiên sang hầm lò). Đối với lao động trong nhà máy nhiệt điện than, báo cáo nhận định việc chuyển dịch năng lượng không ảnh hưởng tới việc phải đóng cửa các nhà máy, và số lượng các nhà máy nhiệt điện mới đang xây dựng cho tới 2020 nhiều hơn số lượng nhà máy đóng cửa (do đến hạn ngừng hoạt động).
Kiến nghị đánh giá cẩn trọng Quy hoạch điện VII điều chỉnhTháng 10/2016, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) và Liên minh Phòng chống Bệnh Không Lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) đã đưa ra 10 kiến nghị giúp Việt Nam giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường do nhiệt điện than, góp phần ngăn chặn sự gia tăng gánh nặng bệnh tật và chi phí y tế tại các khu dân cư quanh khu vực nhà máy nhiệt điện than. Bản thông cáo cho biết các nhà máy nhiệt điện than chiếm khoảng 50% trong nhóm các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc có những tồn tại trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường cần giám sát đặc biệt theo chỉ thị số 11/CT-BCT ngày 19/10/2016 do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ban hành. VSEA và NCDs-VN khẳng định “hơn 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành đã cho thấy mối nguy hiện hữu cho môi trường, sức khỏe của người dân và gây áp lực cho các nhà quản lý. Mối lo này sẽ còn lớn hơn nữa nếu có thêm khoảng 40 nhà máy nhiệt điện than trong Quy hoạch điện VII Điều chỉnh được xây dựng trên cả nước vào năm 2030.” Theo đó, các tổ chức đưa ra 10 kiến nghị, trong đó yêu cầu Chính phủ xem xét, đánh giá lại một cách cẩn trọng Quy hoạch điện VII điều chỉnh theo nguyên tắc không đánh đổi môi trường và sức khỏe cộng đồng lấy dự án, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiệt điện than và tham vấn rộng rãi với các bên liên quan tìm giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững; đồng thời, yêu cầu Chính phủ dừng lại các dự án nhiệt điện than trong quy hoạch chưa xây dựng để xem xét kỹ lưỡng hiệu quả lợi ích và tác động, tổn thất đối với toàn xã hội và nền kinh tế. Tháng 6/2018, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với 12 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành, khối lượng tro, xỉ đang còn lưu giữ tại các nhà máy nhiệt điện than là gần 15 triệu tấn. |
Vĩnh Long
Chú thích:
- GreenID – FES, Khuyến nghị Chính sách – Chuyển dịch năng lượng công bằng: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam, Hà Nội, tháng 6/2019
- GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân, Nhiệt điện than trong một tổng sơ đồ năng lượng quốc gia đổi mới, TP.HCM, ngày 4/3/2019
- GreenID, Báo cáo nghiên cứu các kịch bản phát triển nguồn điện Việt Nam, Hà Nội, 6/2018
Xem thêm:
Từ khóa năng lượng tái tạo hậu quả nhiệt điện than ô nhiễm môi trường do nhiệt điện than