Tại Việt Nam, ‘Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại’ đang bị hiểu sai?
- Hoàng Minh
- •
Theo TS Frank Proschan, trong Công ước năm 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể không có khái niệm di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
UNESCO Hà Nội, Cục Di sản văn hóa và Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam vừa phối hợp tổ chức hội thảo “Huy động truyền thông trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể”.
Tại hội thảo, TS Frank Proschan – cựu cán bộ Chương trình cao cấp của UNESCO cho biết hiện nay, thuật ngữ “Di sản văn hóa phi vật thể” thường được sử dụng rộng rãi bởi các phương tiện truyền thông ở Việt Nam vẫn đang bị hiểu sai và có những thông tin chưa chính xác.
Theo TS Frank Proschan, trong Công ước năm 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể không có khái niệm di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Công ước ghi rõ: “Di sản văn hóa phi vật thể” được hiểu là các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kỹ năng cũng như những công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và các không gian văn hóa có liên quan mà các cộng đồng, các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân, công nhận là một phần di sản văn hóa của họ.
“Tức là di sản văn hóa phi vật thể chỉ được sở hữu, công nhận bởi cộng đồng, nhóm cá nhân và một số trường hợp là các cá nhân. Không có di sản văn hóa phi vật thể nào thuộc sở hữu của quốc gia hay của nhân loại mà chỉ có di sản văn hóa phi vật thể hiện có tại quốc gia nào đó” – TS Frank Proschan nói.
Công ước 2003 cũng bác bỏ việc xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể nên không có khái niệm xếp hạng di sản theo cấp tỉnh, cấp quốc gia hay cấp thế giới.
TS Frank Proschan cho biết thêm phần lớn trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều văn bản của cơ quan quản lý nhà nước, của chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng chuyển tải sai là “UNESCO vinh danh, công nhận di sản văn hóa phi vật thể nào đó là của thế giới”. Đây là cách hiểu lầm tai hại. Vì nếu hiểu di sản văn hóa phi vật thể nào đó là của quốc gia, của nhân loại thì quốc gia, nhân loại có quyền can thiệp, thậm chí can thiệp quá sâu, làm ảnh hưởng đến quyền của cộng đồng sở hữu di sản, làm di sản trở nên méo mó.
Về vấn đề này, bà Phạm Thị Thanh Hường – phụ trách chương trình Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho rằng việc hiểu và chuyển tải sai về di sản văn hóa phi vật thể theo tinh thần của Công ước 2003 đã tồn tại từ lâu. Các sai lệch bắt nguồn từ việc chuyển ngữ từ tiếng Anh, tiếng Pháp sang tiếng Việt. Điều kiện hoạt động truyền thông của UNESCO còn hạn chế nên ngay cả thông tin về các phiên họp của UNESCO cũng chưa cập nhật kịp thời, liên tục được.
Còn bà Nguyễn Thị Thu Trang – Đại diện Cục Di sản Văn hóa (Bộ VH-TT&DL) cho hay Cục đã nhận thức được vấn đề này nên nhiều năm gần đây đã chủ động điều chỉnh thông tin trên trang web và các văn bản. Nhưng để điều chỉnh một cách rộng rãi hơn nữa thì cần có thêm nhiều thời gian, sự nhập cuộc tích cực từ nhiều phía, trong đó, có vai trò quan trọng của báo chí, truyền thông.
Như vậy, nếu theo cách hiểu trước đây, Việt Nam đã có 12 Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là “Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại”, gồm: Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Đờn ca tài tử, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Hội Gióng, Hát xoan Phú Thọ, Ví giặm Nghệ Tĩnh, Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của Người Việt và Nghi lễ và trò chơi kéo co. Mới đây nhất, thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái tại Việt Nam tiếp tục được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Từ khóa UNESCO di sản văn hóa phi vật thể