Thanh Hóa: Cảnh hàng trăm con lợn con vùng vẫy cố thoát chết trong lũ
- Nguyễn Quân
- •
Sau 2 ngày ngập chìm trong nước, trại lợn 4.000 con ở huyện Yên Định (Thanh Hóa) trở thành khu vực chết chóc với hàng nghìn xác lợn chết đuối.
Trang trại nuôi lợn này do Trại giam số 5 (thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an) đóng tại Nông trường Thống Nhất (huyện Yên Định) đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Công ty Thái Dương đầu tư con giống, thức ăn, nhân công để nuôi gia công cho Trại giam số 5.
Nước lũ lên nhanh, tràn từ sông Hép trang trại chăn nuôi nằm ngoài đê khiến toàn bộ khu vực bị ngập sâu 2m. Do nước lũ lên quá nhanh, gần 4.000 con lợn sắp đến ngày xuất bán mắc kẹt trong chuồng, bị chết đuối. Chỉ khoảng hơn 100 con lợn được kịp cứu lên thuyền.
Ông Lưu Vũ Lâm – chủ tịch UBND huyện Yên Định (Thanh Hóa) cho biết đang chờ nước rút để mang đàn lợn đi tiêu hủy, phòng chống dịch.
Ông Lâm cho biết thêm do hiện nay nước lũ đang bao vây quanh khu vực trang trại, nhiều tuyến đường vào khu vực đang bị chia cắt, trong khi UBND huyện và các ngành chức năng đang tập trung cứu, hỗ trợ người dân vùng lũ và xử lý một số điểm đê xung yếu trên tuyến đê sông Cầu Chày, nên việc xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường ở trại lợn gặp khó khăn.
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, từ 19h ngày 12/10 đến 1h ngày 13/10, khu vực Bắc Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ rải rác có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to, lượng mưa phổ biến 10-30 mm (các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa hầu như không mưa).
24/26 hồ chứa thủy lợi lớn tại Thanh Hóa đã đạt hoặc xấp xỉ mực nước dâng bình thường (MNDBT); hầu hết các hồ chứa nhỏ đã đạt hoặc xấp xỉ MNDBT, để tự tràn. Thanh Hóa cũng đứng đầu các tỉnh có nhiều hồ xung yếu nhất, 20 hồ (Nghệ An: 19 hồ, Hà Tĩnh: 16 hồ).
Tính đến 22h ngày 12/10, toàn tỉnh đã có 14 người chết, mất tích 5 người, bị thương 5 người, chưa có thống kê thiệt hại về tài sản.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa thanh hóa xả lũ vỡ đê lợn chết đuối