Nhiều khu vực trụ sở tại Thanh Hóa bị áp quy định cấm tập trung đông người, ghi âm, ghi hình, chụp ảnh từ ngày 20/3.

Nhieu khu vuc tru so tai Thanh Hoa bi ap quy dinh cam tap trung dong nguoi ghi am ghi hinh
Nhiều khu vực trụ sở tại Thanh Hóa bị áp quy định cấm tập trung đông người, ghi âm, ghi hình. (Ảnh: sirokuma/Shutterstock)

Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, ngày 15/3, ông Mai Xuân Liêm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký quyết định ban hành “Quy định về khu vực bảo vệ, khu vực cấm tập trung đông người, cấm quay phim, chụp ảnh, ghi âm; khu vực cấm hoặc hạn chế người và phương tiện giao thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”.

Từ ngày 20/3, quy định trên sẽ có hiệu lực.

Theo quyết định, khu vực thuộc diện bảo vệ, cấm tập trung đông người, cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh gồm trụ sở các cơ quan: Tỉnh ủy Thanh Hóa; Đoàn Đại biểu Quốc hội – HĐND tỉnh; UBND tỉnh; Kho bạc Nhà nước tỉnh; Kho tiền Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thanh Hóa; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Trạm phát sóng phát thanh, trạm phát sóng truyền hình tỉnh.

Các khu vực phát sinh vụ việc phức tạp đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và trong trường hợp có thảm họa do thiên nhiên, con người, có dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô lớn đe dọa tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhà nước, nhân dân;

Nơi đang diễn ra các hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật Nhà nước độ tuyệt mật; các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội quan trọng… thì do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định khi xét thấy cần thiết.

Phạm vi khu vực bảo vệ là toàn bộ khuôn viên cơ quan, trụ sở, phía trước lối ra vào, vỉa hè, lòng đường, lề đường tiếp giáp cơ quan, trụ sở.

Theo đó, quy định cấm tập trung đông người không áp dụng đối với những hoạt động do các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội tổ chức, hoạt động tiếp công dân.

Thạc sĩ luật nói về vấn đề cấm quay phim, chụp ảnh tại trụ sở xã, phường

Trên báo Tuổi trẻ ngày 8/7/2018, Thạc sĩ luật Phạm Văn Chung khẳng định việc quy định cấm quay phim, chụp ảnh và ghi âm tại trụ sở xã, phường là trái thẩm quyền, sai quy định.

Cụ thể, theo quyết định số 160/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành thì trụ sở UBND xã, phường không thuộc khu vực, địa điểm cấm ghi hình, chụp ảnh và ghi âm.

Có thể nói việc đặt biển cấm quay phim, chụp hình tại một số địa điểm công cộng thời gian qua bị lạm dụng ở nhiều nơi. Nhiều khu vực là các công trình công cộng, dân sinh không liên quan gì đến an ninh, quốc phòng cũng cấm quay phim, chụp ảnh.

Thực chất việc cấm này có những lý do sau: Thứ nhất, một số cá nhân, tổ chức muốn che giấu hành vi sai trái, việc làm khuất tất nào đó nên cấm để phòng ngừa, ngăn chặn bị phanh phui, phát hiện.

Thứ hai, một số đơn vị, cá nhân “lo xa”, sợ trách nhiệm nên cứ cấm cho chắc, nếu có chuyện gì xảy ra thì né được trách nhiệm. Ngoài ra, cũng có khả năng một số cơ quan, đơn vị không nắm được quy định pháp luật nên cứ nghĩ “công sở là khu vực quan trọng” nên gắn biển cấm.

Việc tùy tiện đặt biển cấm này không đơn thuần là cấm… cho vui, không ảnh hưởng đến ai như một số người vẫn nghĩ.

Bởi vì nếu cấm ở những khu vực, địa điểm không đúng sẽ gây ra một số tác hại tiêu cực cho công dân, tổ chức và xã hội. Nó có thể ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.

Đó là khi người dân muốn lưu lại hình ảnh, âm thanh để làm chứng cứ bảo vệ lợi ích của mình trong trường hợp có cơ quan công quyền, cán bộ công chức nhũng nhiễu, vòi vĩnh hoặc cư xử không đúng mức…

Ngoài ra, trụ sở xã, phường là nơi người dân thường xuyên ra vào giao dịch, giải quyết công việc thường ngày, không có gì thuộc bí mật Nhà nước nên cấm là không cần thiết và vô lý.

Chưa kể, việc tùy tiện đặt biển cấm sẽ đi ngược lại nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, mô hình chính quyền thân thiện với phương châm “công khai, minh bạch” khiến người dân có cảm giác không thoải mái khi đến giải quyết công việc.

Ngoài ra, người nước ngoài, khách du lịch cũng sẽ có cảm nhận không tốt nếu đâu đâu cũng là biển cấm.

Bảo Khánh (t/h)