Trước tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế kéo dài tại nhiều bệnh viện, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó nêu người đứng đầu các cơ sở y tế phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng này.

kham chua benh
Nhiều bệnh nhân gặp khó khăn khi bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế. (Ảnh: thanhuytphcm.vn)

Thiếu thuốc và vật tư, bệnh nhân khổ đủ đường

Theo ghi nhận của báo tuổi trẻ ngày 19/7, tại một số bệnh viện trên cả nước, người bệnh phải xoay xở đủ đường với tình trạng bệnh viện thiếu nhiều loại thuốc và vật tư y tế.

Giữa trưa ngày 15/7, ông H. gấp gáp đội mưa chạy nhanh ra hiệu thuốc cổng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) mua ống đặt nội khí quản cho người thân chuẩn bị mổ. Cầm ống trên tay, ông nói bác sĩ kêu đi mua, giá bán tại các nhà thuốc này 90.000 – 100.000 đồng.

Cũng phải mua vật tư bên ngoài, ông D. (trú tại Hà Nội) đang truyền hóa chất điều trị ung thư ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho hay từ tháng 3 đến nay, mỗi lần đến bệnh viện truyền hóa chất theo lịch đều phải mua dây và kim truyền. Ông D. nói mỗi vật tư chỉ có giá vài ngàn đến vài chục ngàn, thế nhưng việc để bệnh nhân tự đi mua cũng gây không ít phiền toái.

Tại Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều), hai vợ chồng ông L. (60 tuổi, trú tỉnh Nghệ An) tay xách nách mang lỉnh kỉnh đồ đạc chuẩn bị về quê sau phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày. Ông nói vừa nằm viện gần một tuần, khi ra viện đã được bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán 80%, tương đương khoảng 22 triệu, nhưng khi điều trị cũng phải mua một số vật tư như kim truyền, dao mổ… mất gần 10 triệu đồng.

Tại khu nội trú Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (TP.HCM), bà N.T. (40 tuổi) cho biết chồng bà phải mổ chân tại bệnh viện sau khi bị tai nạn lao động. Trong quá trình mổ, mặc dù có thẻ BHYT thế nhưng bác sĩ yêu cầu phải mua băng gạc ở ngoài.

Tại khu chi dưới, chị Q.H. (30 tuổi) chia sẻ có người thân bị chấn thương tại chân được chuyển đến bệnh viện điều trị. Khi có chỉ định mổ chân các bác sĩ cho biết bệnh viện đã hết nẹp chân do chưa đấu thầu được, do đó bệnh nhân có thể mổ tạm thời, nếu muốn chắc ăn có thể chuyển đến bệnh viện khác để điều trị.

Mặc dù vẫn còn tình trạng bệnh nhân phải mua vật tư, thuốc bên ngoài, thế nhưng theo ghi nhận người bệnh cũng cho hay đã có chuyển biến tích cực hơn trước. Bà H. (65 tuổi, Hà Nội) đã điều trị tiểu đường type 2 tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh gần 10 năm nay.

Bà chia sẻ cuối năm 2023 và đầu năm 2024, bệnh viện thông báo hết thuốc điều trị tiểu đường mà bà đang sử dụng, có thể thay thế bằng một số loại thuốc khác. “Mừng là hai tháng nay đã cấp thuốc trở lại. Hôm qua đến lịch tái khám, cấp thuốc, tôi cũng không phải lo thêm tiền mua thuốc nữa”, bà H. cười nói.

Người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm nếu để thiếu thuốc, thiết bị y tế

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc bảo đảm thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

Trong công văn này, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh/thành chỉ đạo người đứng đầu các cơ sở y tế thuộc phạm vi quản lý thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người có thẩm quyền, trách nhiệm của chủ đầu tư, bên mời thầu (như lãnh đạo sở y tế, lãnh đạo bệnh viện) trong lựa chọn nhà thầu, đảm bảo đủ thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế và các dịch vụ liên quan khác phục vụ khám chữa bệnh; đẩy mạnh và quản lý chặt chẽ việc tổ chức mua sắm, đấu thầu, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh lãng phí.

Người đứng đầu cơ sở y tế nơi mình quản lý phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế và các dịch vụ liên quan.

Người dân mong mỏi tình trạng thiếu thuốc sẽ chấm dứt. Chỉ đạo của Bộ là thế nhưng không biết các địa phương sẽ thực hiện như thế nào.

Một độc giả đã cho biết ý kiến của mình bên dưới bài báo của Tuổi trẻ: “Đi khám bệnh nhưng lúc nào bác sĩ cũng nói là cho đơn ra ngoài mua, bệnh viện hết thuốc.”

Bạn đọc NGUYỄN ANH TUẤN viết: “Sắp tới đóng tiền bảo hiểm y tế thì tăng gần 30% nhưng vẫn phải mua thuốc ngoài thì nói thật quá khổ.”

Nick name Phanhai đưa ý kiến: “Nếu thiếu những vật tư, thuốc rẻ, người bệnh có thể tự trang trải tạm, có những bệnh nhân BHYT hưu trí lương hưu chỉ đủ sống mà bác sĩ cho tên thuốc ra tự mua để cứu quả thận đang suy, những loại thuốc từ 5 đến cả hơn 10 triệu/tháng.”

Bạn Cao Văn Thuận cho hay: “Tôi thường xuyên đi khám định kỳ, bác sĩ bảo không có thuốc và kêu ra ngoài mua hoặc giới thiệu bệnh nhân lên tuyến trên khám lấy thuốc.”

Khánh Vy (t/h)