Thừa Thiên – Huế sẽ đổi tên là ‘TP. Huế’ khi trực thuộc Trung ương?
- Minh Long
- •
Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên – Huế đã đề xuất 2 tên gọi là TP. Huế và TP. Thừa Thiên – Huế, khi tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.
UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa tổ chức hội thảo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và mô hình đơn vị hành chính thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại hội thảo, đại diện Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên – Huế đưa ra 2 phương án thành lập các đơn vị hành chính thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, phương án 1 có 3 quận, 2 thị xã và 4 huyện.
Theo đó, TP. Huế hiện nhập xã Hương Thọ và phường Hương Hồ thành 1 phường mới; nhập xã Hải Dương và phường Thuận An thành 1 phường mới; thành lập 1 phường mới trên cơ sở địa giới hành chính 3 xã Phú Thanh, Phú Mậu, Phú Dương; thành lập phường Thủy Bằng và phường Hương Phong trên cơ sở địa giới hành chính xã Thủy Bằng, xã Hương Phong.
Sau khi sắp xếp, thành lập phường, TP. Huế có 32 phường, chia thành 2 quận: Quận phía Bắc gồm 13 phường với diện tích tự nhiên 127,005km2, dân số 200.838 người. Quận phía Nam gồm 19 phường với diện tích tự nhiên 139,408km2, dân số 290.518 người.
Ngoài ra, TP. Huế còn có quận Hương Thủy, 2 thị xã Hương Trà và Phong Điền, 4 huyện Quảng Điền, Phú Vang, A Lưới, Phú Lộc – Nam Đông.
Phương án 2 gồm 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện. Cụ thể, từ phương án 1, giữ nguyên hiện trạng thị xã Hương Thủy.
Về tên gọi thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên – Huế đề xuất 2 phương án, trong đó phương án thứ nhất lấy tên là TP. Huế, phương án 2 là TP. Thừa Thiên – Huế. Tên gọi của các quận trong tương lai lựa chọn trong các cặp Phú Xuân – Thuận Hóa, Hương Giang – Ngự Bình, Phú Xuân – Thừa Thiên.
Tại hội thảo, các nhà quy hoạch và nhà nghiên cứu văn hóa, kiến trúc sư cho rằng nên lấy tên TP. Huế khi tỉnh Thừa Thiên – Huế trở thành thành phố Trung ương, bởi danh xưng “Thừa Thiên – Huế” không được sử dụng phổ biến như tên gọi “Huế” và cũng ít được mọi người biết đến hơn. Huế mang thương hiệu lịch sử lâu đời và ý nghĩa với vùng đất này, nhắc đến Huế là nhắc đến đô thị di sản, văn hóa. Danh từ Huế cũng sẽ thuận lợi rất nhiều trong giao dịch quốc tế vì bản thân từ Huế vừa ngắn gọn, dễ nghe, dễ đọc, dễ nhớ và mang âm sắc đặc trưng của vùng đất nổi tiếng.
Ngoài ra, phương án 1 thành lập 3 quận, 2 thị xã và 4 huyện cũng nhận được nhiều phiếu đồng tình.
Theo KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Thừa Thiên – Huế có hệ thống đầm phá Tam Giang chạy dọc bờ biển, đó là di sản mà cả Đông Nam Á thèm khát. Do vậy, quy hoạch tỉnh cần làm rõ, khai thác thế mạnh này nhiều hơn nữa, đồng thời cần hướng đô thị Huế về phía biển và xây dựng đô thị vệ tinh xung quanh sân bay, khai thác tốt hơn hệ thống giao thông quốc gia; phát triển đô thị chân Mây – Lăng Cô…
PGS TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, cho rằng việc quy hoạch, phát triển của tỉnh phải dựa trên nền tảng tài nguyên văn hóa, lịch sử và tài nguyên du lịch. Trên cơ sở đó hình thành một đô thị mà đẳng cấp. Có thể nhìn nhận hai điểm, một là thành phố du lịch dịch vụ đẳng cấp cao và thứ hai là thành phố như một trung tâm giáo dục đào tạo, trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe. Đô thị Huế sẽ tạo ra khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Du lịch dịch vụ đẳng cấp cao và khoa học công nghệ sẽ không tạo ra sự xung đột.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, yêu cầu đơn vị tư vấn, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các sở, ban ngành địa phương tiếp thu ý kiến, hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt.
Từ khóa Thừa Thiên - Huế TP. Huế thành phố trực thuộc Trung ương đơn vị hành chính đô thị Huế Huế trực thuộc Trung ương