Tổng cục Đường bộ: Cần hơn 350.000 tỷ đồng để bảo trì quốc lộ
- Nguyễn Sơn
- •
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang xây dựng đề án nâng cao hiệu quả công tác bảo trì quốc lộ giai đoạn 2020 – 2030 để trình Chính phủ, trong đó xác định tổng nguồn vốn cần cho công tác bảo trì từ năm 2020 – 2030 là 354.845 tỷ đồng, tương đương 15,3 tỷ USD.
Ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Quản lý Bảo trì đường bộ (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho hay hiện cả nước có 9.983 km quốc lộ quá thời hạn trung tu lớp mặt đường, 5.168 km quá thời hạn đại tu cả móng và mặt đường.
Ngoài ra, trên các quốc lộ hiện có 358/6.255 cầu yếu, cầu hạn chế về tải trọng chưa được thay thế. Việc bảo trì các hầm trên các đường đô thị cũng là những nội dung mới mà người quản lý đang phải tìm hiểu, học tập từ nước ngoài.
Kinh phí bảo trì đường quốc lộ từ năm 2013 – 2018 tăng đều đặn, lần lượt là: 4.668 tỷ đồng, 5.784 tỷ đồng, 6.791 tỷ đồng, 7.642 tỷ đồng, 7.877 tỷ đồng và 8.314 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2017 – 2019, chi phí bảo dưỡng là 1.220 tỷ đồng/năm, chi cho các hoạt động thống kê hạ tầng đường bộ, sửa chữa hư hỏng nhỏ, quét dọn, lau và sơn lại biển báo, vạch sơn kẻ trên đường, duy trì trạng thái an toàn giao thông và thoát nước…; 150 – 250 tỷ đồng cho việc vận hành các bến phà cầu phao, hầm, tổ chức giao thông, tiền điện…
Theo đánh giá của Vụ trưởng Vụ Quản lý Bảo trì đường bộ, chi phí dành cho bảo dưỡng cầu đường hiện đang ở mức quá thấp, mức chi đạt khoảng từ 20% -30% mức chi tiêu chuẩn.
Về sửa chữa công trình đường bộ, ông Điệp cho biết vốn dành cho công tác sửa chữa khoảng 6.500 – 7.200 tỷ đồng/năm; trong đó, sửa chữa định kỳ theo kế hoạch khoảng 5.500 tỷ/năm, còn lại là sửa chữa đột xuất phát sinh trong năm (sửa chữa khắc phục bão lũ thiên tai, xử lý điểm đen, sửa chữa đột xuất khác).
Ông Điệp cũng nhận định nguồn tài chính cho việc thực hiện sửa chữa mặt đường là thấp, thiếu hụt nhiều, hiện mới đáp ứng khoảng 30% lượng vốn tiêu chuẩn để thực hiện.
Ông Điệp cho biết việc bảo trì quốc lộ trước là dịch vụ công ích, nay Tổng cục Đường bộ đã cho đấu thầu hoạt động này. Việc lựa chọn nhà thầu được lựa chọn qua mạng, áp dụng các hợp đồng PBC (bảo trì dựa trên chất lượng).
Tuy nhiên, ông Điệp cũng thừa nhận hiện có hiều hạn chế trong công tác bảo dưỡng đường, như việc ứng dụng công nghệ trong bảo dưỡng đường chưa nhiều như kỳ vọng; trình độ của nhân lực bảo dưỡng đường bộ thấp; trình độ kỹ thuật công nghệ và năng suất lao động thấp, nhiều công việc chưa được cơ giới hóa, tự động hóa; thể chế thiếu, chưa đồng bộ, như không có chi phí cho hoạt động giám sát và quản lý bảo dưỡng dẫn đến thiếu hụt nhân lực tham gia kiểm tra đánh giá và giám sát chất lượng thực hiện.
Việc giao vốn chậm trễ khi luật quy định công tác sửa chữa từ lúc giao vốn đến khi hoàn thành quyết toán dự án sửa chữa chỉ trong 1 năm tài chính trong khi thời gian lựa chọn nhà thầu đã mất 2 tháng, thời gian khảo sát thiết kế mất vài tháng.
Luật Xây dựng và Nghị định của Chính phủ bắt buộc chủ đầu tư và thiết kế phải quy định tuổi thọ thiết kế công trình, nhưng việc này ở Việt Nam chưa được nghiên cứu và chưa được thực hiện, dẫn tới việc không có cơ sở để xác định thời điểm tiến hành sửa chữa định kỳ.
Để khắc phục tình trạng này, Vụ trưởng Vụ Quản lý Bảo trì đường bộ cho biết đang xây dựng đề án nâng cao hiệu quả công tác bảo trì quốc lộ giai đoạn 2020 – 2030 để trình Chính phủ. Đây được coi là cơ sở quan trọng để bố trí vốn khắc phục các tồn tại của hệ thống quốc lộ và hiện đại hóa công tác bảo trì quốc lộ.
Trong đề án, Tổng cục Đường bộ xác định tổng nguồn vốn cần cho công tác bảo trì từ năm 2020 – 2030 là 354.845 tỷ đồng, tương đương 15,3 tỷ USD), bình quân 32.258 tỷ đồng/năm.
Ông Điệp cũng lưu ý hiện đề án chưa được duyệt, do đó trong quá trình thẩm định tư vấn có thể xây dựng thêm các kịch bản khác. Trong thời gian đề án chưa được duyệt, Bộ GTVT đang chỉ đạo Tổng cục Đường bộ xây dựng kế hoạch bảo trì hàng năm với mức tăng chi phí từ 10 – 20%/năm.
Nguyễn Sơn
Xem thêm:
Từ khóa bảo trì quốc lộ Quỹ bảo trì đường bộ Tổng Cục đường bộ Việt Nam