Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) đã có kiến nghị bổ sung tuyến đường tiếp cận nhà ga Văn Thánh (thuộc metro số 1) để đảm bảo khả năng phòng cháy chữa cháy tốt hơn, đáp ứng các yêu cầu thoát hiểm, thoát nạn nhà ga.

metro so 1 lui thoi gian khai thac thuong mai
Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) lùi mốc vận hành, khai thác thương mại. (Ảnh: thanhuytphcm.vn)

Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP đề xuất đầu tư xây dựng tuyến đường dọc hành lang tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên).

Theo Sở GTVT, tuyến metro số 1, đoạn từ rạch Văn Thánh đến cầu vượt đường Điện Biên Phủ, thuộc Gói thầu CP2 – xây dựng đoạn trên cao và depot là đoạn cầu cạn qua khu dân cư phường 22 quận Bình Thạnh đã được thi công hoàn thành cơ bản.

Tại phạm vi chiếm dụng đất (ranh giải phóng mặt bằng) dọc theo đoạn cầu cạn rộng 22 m (riêng tại vị trí nhà ga rộng 35 m), hiện đã triển khai thực hiện các hạng mục mảng xanh (cây bụi, hoa kiểng, cỏ nền, hệ thống tưới…) thuộc dự án Tăng cường mảng xanh dọc xa lộ Hà Nội và tuyến metro số 1.

Người dân và các phương tiện vận tải có thể tiếp cận nhà ga Văn Thánh thông qua hẻm số 48 của đường Điện Biên Phủ (chiều rộng khoảng 5 – 7 m) hoặc hẻm số 135 của đường Nguyễn Hữu Cảnh (chiều rộng khoảng 7 m). Hai hẻm này kết nối với hẻm số 602 của đường Điện Biên Phủ (song song với cầu cạn, chiều rộng khoảng 7m) dẫn đến ga Văn Thánh.

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) mới đây đã có kiến nghị bổ sung tuyến đường tiếp cận nhà ga Văn Thánh để đảm bảo khả năng phòng cháy chữa cháy tốt hơn, đáp ứng các yêu cầu thoát hiểm, thoát nạn nhà ga; đồng thời đảm bảo khả năng lưu thông thuận tiện, tránh tắc nghẽn khu vực quanh nhà ga.

Sở GTVT kiến nghị UBND TP xem xét, chấp thuận chủ trương nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường dọc theo đoạn cầu cạn từ rạch Văn Thánh đến đường Điện Biên Phủ (thuộc phạm vi hành lang đường sắt đã giải phóng mặt bằng).

Tiếp tục lùi thời gian vận hành

Dự án metro Bến Thành – Suối Tiên có tổng chiều dài 19,7 km, gồm 2,6 km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao, tổng cộng 14 nhà ga, gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao, tổng mức đầu tư sau khi được điều chỉnh là 43.700 tỷ đồng.

Tính đến hết tuần đầu của tháng 6/2024, công trình đã hoàn thành đạt 98,24% tiến độ; trong đó có một số gói thầu đạt gần 100% tiến độ. Cụ thể, gói thầu CP1a (ga ngầm Bến Thành đến nhà hát thành phố) đạt 99,99%; gói thầu CP1b (nhà hát thành phố đến ga Ba Son) đạt 99,96%; gói CP2 (đoạn trên cao và depot) đạt 99,12%…

Theo báo cáo của MAUR, thời gian qua chủ đầu tư đã tích cực đôn đốc liên danh NJPT (tư vấn chung) và nhà thầu Hitachi (thực hiện gói thầu CP3), liên danh SCC (thực hiện gói thầu CP2) phối hợp để xây dựng kế hoạch đào tạo tổng thể của dự án metro số 1.

Đến nay, NJPT vẫn chưa hoàn thành kế hoạch đào tạo, bao gồm chương trình đào tạo và chuyển giao kiến thức…

Trong khi đó, về phía nhà thầu Hitachi của Nhật Bản, mốc tiến hành “trial-run” (chạy thử) đã bị lùi qua tháng 11/2024 thay vì tháng 10/2024 như kế hoạch, dẫn đến việc kéo dài hơn nữa tiến độ dự án.

Trước đó, chưa đầy một tháng (ngày 14/5), MAUR cũng cho biết metro số 1 sẽ vận hành thử nghiệm vào tháng 10, thay vì tháng 7 như dự kiến.

Hiện MAUR đề nghị Đại sứ quán Nhật có ý kiến đối với nhà thầu Hitachi tuân thủ tiến độ mục tiêu của dự án cũng như có tinh thần phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư trong việc tiến hành các giải pháp tạm hài hoà lợi ích, quyền lợi và trách nhiệm pháp lý hai bên để có thể thúc đẩy tiến độ dự án metro số 1.

Minh Long