Từ năm 2000 đến năm 2015, cả nước đã ghi nhận 250 đợt lũ quét và sạt lở đất, làm chết và mất tích gần 646 người, 351 người bị thương; 9.700 người mất nhà cửa, hơn 100.000 người bị hư hỏng nhà, 75.000 ha lúa và rau bị ngập, thiệt hại hơn 3.300 tỷ đồng.

mua-lũ
Huyện Lương Sơn (Hòa Bình): Tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra khoảng 25 tỷ đồng. (Ảnh: baohoabinh.com.vn)

Ủy ban Dân tộc (UBDT) vừa tổ chức Hội thảo “Sạt lở đất – Lũ quét và giải pháp cho sự phát triển bền vững” diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo được tổ chức sau khi tình trạng sạt lở đang diễn ra nghiêm trọng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Tại Hội thảo, ông Đinh Quế Hải – Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm UBDT cho biết vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi của Việt Nam chiếm gần 3/4 diện tích tự nhiên của cả nước, là khu vực cư trú chủ yếu của 53 DTTS, với gần 13,4 triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt là sạt lở đất, lũ quét, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của người dân.

Cùng với sự biến đổi khí hậu, sạt lở đất, lũ quét đang xảy ra ngày càng trầm trọng, tập trung tại khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung-Tây Nguyên, các vùng tập trung phần lớn là đồng bào DTTS nghèo, đời sống còn khó khăn.

Theo thống kê từ Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, từ năm 2000 đến 2015, cả nước đã ghi nhận 250 đợt lũ quét và sạt lở đất, làm chết và mất tích gần 646 người, 351 người bị thương; 9.700 người mất nhà cửa, hơn 100.000 người bị hư hỏng nhà, 75.000 ha lúa và rau bị ngập, thiệt hại hơn 3.300 tỷ đồng.

Chỉ tính riêng trong đợt mưa lũ lịch sử diễn ra từ ngày 10/10 vừa qua, đã có gần 50 người thiệt mạng, nâng tổng số người chết do sạt lở, lũ quét từ đầu năm 2017 đến nay lên hơn 100 người.

Theo PGS.TS Vũ Mạnh Lợi – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), lũ quét, sạt lở đất không chỉ gây hậu quả to lớn, lâu dài về người, tài sản mà còn làm suy giảm sự phát triển của đất nước.

Ngoài nguyên nhân do yếu tố tự nhiên, tác động của con người cũng là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng này như: phá rừng đầu nguồn; khai thác khoáng sản, lâm sản tràn lan; xây dựng công trình hạ tầng không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường…

PSG.TS Vũ Mạnh Lợi cho hay để giảm thiểu thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất gây ra, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sớm đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng tránh lũ quét, sạt lở đất. Ngoài ra, các địa phương cần chủ động rà soát, di dời các hộ dân sống ở nơi nguy hiểm đến nơi an toàn, xây dựng đề án ổn định dân cư.

pha rung
Tác động của con người như phá rừng cũng nguyên nhân chính gây ra hiện tượng lũ quét và sạt lở đất. (Ảnh: Sơn Trà)

102 người chết và mất tích, hơn 250.000 gia súc, gia cầm bị cuốn trôi

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 21h ngày 14/10, trong đợt mưa lũ lịch sử đã có 68 người chết – tăng 8 người so với báo cáo ngày 13/10. Nhiều nhất tại Hòa Bình (20 người), Thanh Hóa (16 người), Yên Bái (14 người). 34 người mất tích, giảm 3 người so với báo cáo ngày 13/10, trong đó Yên Bái nhiều nhất (14 người), Hòa Bình vẫn đang mất tích 13 người. Ngoài ra, 32 người bị thương trong mưa lũ.

46.177 nhà bị ngập, sập đổ hư hỏng 221 nhà, phải di dời khẩn cấp 2.298 nhà.

7.547 con gia súc và 243.227 con gia cầm đã bị chết, cuốn trôi.

Diện tích ngập úng còn 126.515 ha, giảm so với báo cáo nhanh ngày 13/10 là 31.485 ha. Theo Tổng cục Thủy lợi, dự kiến tình hình ngập úng nặng sẽ còn tiếp diễn trong 5-7 ngày tới ở các tỉnh Hà Nam và Nam Định, 3-5 ngày ở các tỉnh Ninh Bình và Thái Bình. 17.105 ha cây trồng lâu năm, hàng năm và cây ăn quả tập trung bị ngập úng.

Thanh Hóa còn 3 xã bị cô lập, gồm Trung Chính (Nông Cống), Yên Giang (Yên Định), Vĩnh Hưng (Vĩnh Lộc).

Sạt lở nghiêm trọng tại xóm Khanh (xã Phú Cường, Tân Lạc, Hòa Bình) ngày 12/10; nửa quả đồi sạt xuống, vùi lấp 18 người. Sạt lở do lũ ống, lũ quét kinh hoàng vào rạng sáng 11/10 khiến huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái tan hoang.

Trần Tâm

Xem thêm: