Việt Nam sẽ sửa tiêu chí đánh giá cấp độ dịch bệnh COVID-19?
- Nguyễn Quân
- •
Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam – ông Vũ Đức Đam vừa chính thức yêu cầu Bộ Y tế rà soát, sửa đổi hướng dẫn đánh giá cấp độ nguy cơ dịch COVID-19 (tức viêm phổi Vũ Hán), để phù hợp với tình hình mới. Yêu cầu trên được đưa ra sau gần 3 tháng các tỉnh thành áp dụng bộ tiêu chí này.
Chiều 9/1, tại Công văn số 192/VPCP-KGVX, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương rà soát, sửa đổi hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch tại Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021. Việc thay đổi được công bố để “kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 cho phù hợp với tình hình mới”.
Đồng thời, Bộ Y tế được yêu cầu chỉ đạo việc sử dụng thuốc điều trị (bao gồm thuốc kháng virus) đảm bảo an toàn, hiệu quả và đảm bảo công khai, minh bạch việc nhập khẩu, sản xuất, sử dụng, phân phối thuốc kháng virus.
Quyết định 4800/QĐ-BYT do Bộ Y tế ban hành theo để thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ. Nghị quyết 128 đưa ra 4 cấp độ dịch để xác định mức độ kiểm soát các hoạt động kinh tế – xã hội, thay thế cho các mức độ giãn cách xã hội theo các Chỉ thị 15, 16, 19 do Chính phủ ban hành vào năm 2020.
4 cấp độ dịch từ nguy cơ thấp (bình thường mới) – vùng xanh; nguy cơ trung bình – vùng vàng; nguy cơ cao – vùng cam; và nguy cơ rất cao – vùng đỏ được xác định dựa trên 3 tiêu chí đánh giá quy định tại Quyết định 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế.
Tiêu chí 1: Tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; tiêu chí 2: Độ bao phủ vắc-xin; tiêu chí 3: Đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.
Công văn do Văn phòng Chính phủ ban hành không nêu cụ thể hướng sửa tiêu chí đánh giá cấp độ dịch bệnh COVID-19 từ phía Chính phủ.
Gần đây nhất, tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác điều trị COVID-19 ngày 25/11/2021, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói với chủ trương sống chung an toàn với COVID-19, việc đánh giá số ca nhiễm trên 100.000 dân/tuần [tiêu chí 1] không còn quá quan trọng. Thay vào đó là đánh giá tình hình dịch bệnh qua tỷ lệ bệnh nhân nặng, nhập viện, tử vong và tình hình đáp ứng thu dung, điều trị của các địa phương.
Ông Sơn cho biết theo cách cũ, số ca nhiễm mới COVID-19 trên địa bàn trong 1 tuần tính trên 100.000 dân cùng các yếu tố như tỷ lệ tiêm chủng, khả năng thu dung, điều trị… sẽ quyết định địa phương đó ở cấp độ dịch nào. Tuy nhiên, cách tính này đã bộc lộ bất cập. Theo ông Sơn, tại TP.HCM, huyện Cần Giờ là một thực tế điển hình khi từ vùng xanh, bị tụt xuống thành vùng cam và mới trở lại vùng vàng.
Trong cuộc họp trực tuyến trên, Bí thư Huyện ủy Cần Giờ Lê Minh Dũng cho biết huyện rộng 704km2, nhưng chỉ có 75.000 dân. Một số xã là nơi trọ của các công nhân làm việc tại các khu công nghiệp tại huyện Nhà Bè (TP.HCM) và huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An). “Khi các công nhân trở lại làm việc, nhiều người bị phát hiện dương tính với SARS-CoV-2, được cách ly điều trị tại nơi cư trú. Tính tỷ lệ ca nhiễm/100.000 dân/tuần cao, nên Cần Giờ bị tăng cấp độ dịch COVID-19”, ông Dũng nói.
Trao đổi với Vnexpress vào đầu tháng 12/2021, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) nhận định “đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam thay đổi tiêu chí đánh giá cấp độ dịch bệnh và chỉ nên cập nhật số ca bệnh nặng, tử vong”.
Theo ông Khanh, ngoài việc bao phủ vắc-xin đạt tỷ lệ cao, Việt Nam đang thực hiện chủ trương thích ứng an toàn với COVID-19. Vì vậy, việc đếm số ca nhiễm mới hằng ngày “không còn có quá nhiều ý nghĩa quan trọng”. Ngành y tế và các địa phương nên phân loại bệnh nhân nặng và tử vong theo các nhóm đã tiêm vắc-xin, chưa tiêm vắc-xin, có bệnh nền, nhập viện điều trị muộn.
92,1% dân số trên 18 tuổi tại Việt Nam đã tiêm vắc-xin COVID-19 đủ liều cơ bảnTheo Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, tính đến 13h ngày 8/1, Việt Nam đã đưa vào tiêm trên 159,1 triệu liều vắc-xin COVID-19 trong dân chúng; trong ngày 7/1, đã tiêm hơn 1,4 triệu liều. 99,8% dân số từ 18 tuổi trở lên đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin và 92,1% đã tiêm đủ liều cơ bản (1 mũi đối với vắc-xin Sputnik V; 2 mũi đối với vắc-xin AstraZeneca, Sinopharm, Pfizer, Moderna; 3 mũi đối với vắc-xin Abdala). Tính theo khu vực, tỷ lệ tiêm phủ mũi 1 và đủ liều cơ bản lần lượt ở miền Bắc là 97,5% và 90,9%; miền Trung là 96,8% và 90,0%; Tây Nguyên là 98,3% và 86,7%; miền Nam là 100% và 92,6%. Đối với nhóm trẻ từ 12-17 tuổi, Việt Nam đã đưa vào tiêm 13.607.564 liều, trong đó có 7.892.217 mũi 1 và 5.715.347 mũi 2. 88,5% trẻ em từ 12-17 tuổi đã tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin, 64,1% đã tiêm đủ liều cơ bản. Tính theo khu vực, tỷ lệ này lần lượt ở miền Bắc là 87,2% và 60,3%; miền Trung là 86,4% và 44,3%, Tây Nguyên là 90,4% và 42,7%, Miền Nam là 90,4% và 78,4%. 29 tỉnh thành, phố đã cơ bản bao phủ đủ liều cơ bản cho trẻ em từ 12-17 tuổi, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hòa Bình, Lạng Sơn, Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắk Nông, TP.HCM, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh, An Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Phước, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang. Tính đến chiều tối ngày 9/1, Việt Nam ghi nhận 1.899.575 ca COVID-19, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nếu so sánh theo tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 19.253 ca nhiễm) về số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam là 34.319 ca, chiếm 1,8% so với tổng số ca nhiễm. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua chưa có xu hướng giảm khi tiếp tục ở con số 213 ca. Số ca tử vong ghi nhận tại nhiều tỉnh thành phía Nam trong khi số ca tử vong tại “tâm dịch” TP.HCM đang giảm xuống dưới 20 ca/ngày, mức thấp nhất trong gần 6 tháng qua. |
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện Nghị quyết 128 đánh giá cấp độ dịch COVID-19