Vụ trẻ tử vong do ngộ độc sau ăn bánh đêm Trung thu: Chuyên gia nêu nguyên nhân
- Khánh Vy
- •
Nhận định về vụ bé gái 6 tử vong cùng hàng chục người ngộ độc sau khi ăn bánh đêm được phát từ tiệc Trung thu, các chuyên gia đánh giá khả năng cao bánh su kem đã bị nhiễm khuẩn.
- Gần 30 học sinh bị ngộ độc sau khi liên hoan Trung thu tại lớp
- Ngộ độc ‘bánh mì Phượng’: Cả thịt và rau trong nhân bánh đều nhiễm khuẩn
Ngày 4/10, Sở Y tế TP.HCM đã làm việc với Hội đồng chuyên gia, tổ chức họp khẩn để tiếp tục đánh giá nguyên nhân vụ ngộ độc sau khi ăn bánh đêm trung thu.
Hiện tại, còn 17 trẻ đang nằm điều trị tại các Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Sức khỏe các bé đều ổn định.
Ông Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết các chuyên gia nhận định, khả năng cao nhiễm khuẩn là nguyên nhân chính gây ngộ độc thực phẩm sau tiệc Trung thu tại chung cư Palm Heights (TP. Thủ Đức). Trong đó, 1 trẻ đã tử vong và hàng loạt trường hợp khác có những dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm. Tính tới ngày 4/10, có 50 trường hợp có triệu chứng ngộ độc.
Bác sĩ Bạch Văn Cam – cố vấn chuyên môn của Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho hay có 2 nhóm tác nhân thường gặp gây ra ngộ độc thực phẩm: Nếu các triệu chứng ngộ độc xuất hiện sớm trước 6 giờ (sau khi ăn) thì thường là do độc tố enterotoxin của vi khuẩn tụ cầu; Nếu các triệu chứng xuất hiện muộn thường do cơ thể bị nhiễm khuẩn từ tác nhân salmonella spp gây ra.
Theo các chuyên gia, đây là trường hợp ngộ độc thực phẩm hàng loạt, diễn biến có phức tạp và khó nhận biết hơn so với các trường hợp ngộ độc thực phẩm hàng loạt trước đây, thường xảy ra tại các trường học (nhà trẻ, mẫu giáo,…).
Về loại thực phẩm gây ra ngộ độc trong trường hợp này, khả năng cao là từ bánh su kem (loại trừ xúc xích nướng, nước uống cũng được dùng trong tiệc Trung thu).
Về nguyên nhân gây ra ngộ độc sau khi ăn bánh su kem, khả năng cao là bánh đã bị nhiễm khuẩn, do tất cả trường hợp ngộ độc đều có có triệu chứng giống nhau liên quan đến nhiễm khuẩn thức ăn như sốt, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, bạch cầu máu tăng cao, CRP tăng cao (xét nghiệm máu giúp nhận biết cơ thể bị nhiễm vi khuẩn).
Đặc biệt, có trường hợp không dự tiệc Trung thu do Ban quản lý chung cư Palm Heights tổ chức nhưng vẫn bị ngộ độc và có cùng triệu chứng sau khi ăn bánh su kem có cùng nhãn hiệu, cùng địa chỉ nơi mua bánh. Như vậy, các chuyên gia loại trừ khả năng bánh su kem mới bị nhiễm khuẩn tại nơi tổ chức tiệc trung thu, mà đã bị nhiễm khuẩn trước đó.
các chuyên gia cho biết cần chờ kết quả phân lập vi khuẩn từ Viện Vệ sinh – Y tế công cộng TP.HCM để có thể tiếp tục đưa ra các kết luận tiếp theo.
Nơi sản xuất cùng cửa hàng phân phối bánh su kem bị kiểm traBan quản trị và Ban quản lý chung cư Palm Heights – Palm City cho biết bà Đ.T.T.T. (SN 1983, ngụ quận Bình Thạnh) chủ hộ kinh doanh cà phê, nước giải khát nằm trong chung cư Palm Heights đã đặt 230 bánh su kem nhãn hiệu Givral (Choux tròn) tại cửa hàng bánh GIVRAL (địa chỉ tại phường 22, quận Bình Thạnh). Cửa hàng này là nhà phân phối của Công ty CP Bánh GIVRAL (địa chỉ sản xuất tại Khu công nghiệp Tân Bình, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú). Sau khi đặt mua, bà T. đã kết hợp cùng Ban quản lý chung cư phát 210 phần bánh su cho các cháu là con của cư dân và nhân viên sinh sống tại chung cư. Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã phối hợp với UBND TP. Thủ Đức điều tra, xác minh vụ việc tại chung cư Palm Heights. Tại cửa hàng bánh Givral, Đoàn kiểm tra chưa phát hiện hành vi vi phạm của cơ sở. Cơ quan chức năng cũng tiến hành kiểm tra xưởng sản xuất bánh su kem của Công ty CP Bánh GIVRAL, và cũng chưa phát hiện vi phạm tại cơ sở. 1 mẫu bánh và 5 mẫu nguyên liệu làm bánh của nơi này đã được Đoàn kiểm tra lấy để đi kiểm nghiệm. Ngoài ra, mẫu bánh còn sót lại trong đêm Trung thu cũng được lấy để xét nghiệm truy tìm nguyên nhân. Hiện, việc điều tra vẫn đang được tiến hành. |
Khánh Vy (t/h)
Từ khóa ngộ độc thực phẩm vệ sinh an toàn thực phẩm bánh su kem