Vụ va chạm xe cứu hỏa và xe khách: Vì sao vẫn chưa có công bố sai phạm?
Tuệ Minh - Lê Trai
•
Chia sẻ FB
Chia sẻ Twitter
Bình luận
4 ngày sau vụ tai nạn nghiêm trọng giữa xe cứu hỏa với xe khách trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ (18/3), vẫn chưa có lời nhận trách nhiệm, công bố sai phạm chính thức được đưa ra.
Thông tin “xe cứu hỏa chạy ngược chiều trên đường cao tốc là đúng thẩm quyền” được Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội trao đổi với báo chí ngày 19/3 như một lời khẳng định trước những nghi vấn về việc xe cứu hỏa chạy ngược chiều trên đường cao tốc.
Thực vậy, theo Điều 22 Luật Giao thông đường bộ 2008, có 5 loại xe có “quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới“; xe cứu hỏa đứng đầu về mức độ ưu tiên.
Theo quy định, xe ưu tiên đi làm nhiệm vụ “phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định“; đồng thời “không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông“.
Trách nhiệm của người tham gia giao thông khi gặp xe ưu tiên là “phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường, không gây cản trở“.
Tuy nhiên, Luật Giao thông đã không quy định rõ về quyền cũng như nghĩa vụ của xe ưu tiên khi áp dụng quyền ưu tiên trên các tuyến đường có tốc độ cao như đường cao tốc.
Điều 26 Luật Giao thông đường bộ 2008 chỉ ra quy định áp dụng đối với lái xe ô tô, người điều khiển xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc. Nhưng ngay đối với các phương tiện này, khi nhập đường phải có tín hiệu xin vào, nhường đường cho xe đang chạy trên đường, khi an toàn mới cho xe nhập vào dòng xe ở làn đường sát mép ngoài, chuyển từ làn đường tăng tốc (nếu có) rồi vào làn đường của đường cao tốc. Khi ra, các phương tiện phải chuyển dần sang làn phía bên phải, chuyển sang làn đường giảm tốc (nếu có) rồi mới rời khỏi đường cao tốc.
Theo quy định, các loại phương tiện có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70km/h không được đi vào đường cao tốc. Điều này cũng có nghĩa đường cao tốc là “cõi tử thần” đối với bất kỳ vật thể lạ nào bất ngờ xuất hiện trên đường khi tốc độ tối thiểu trên đường luôn không dưới 70km/h.
Trong hoàn cảnh thực tế của vụ va chạm, tốc độ lưu hành của xe khách là 87km/h, của xe cứu hoả khoảng 20km/h, tổng vận tốc tương đối giữa hai xe khoảng 110km/h, như vậy mỗi giây hai xe lao vào nhau với tốc độ: 110.000m/3.600s=30,5m/s.
Tuy nhiên theo video ghi lại, xe khách chỉ có khoảng 100m khi bắt đầu nhận ra sự việc, tức là chỉ có 3,27 giây để xử lý tình huống. Với khoảng thời gian quá ngắn này, xe khách không thể đủ thời gian để kịp thời giảm tốc. Đánh lái gấp cộng tình trạng trời mưa đường trơn trượt, sẽ dẫn đến lật xe, đe doạ tính mạng của hơn 40 hành khách trong xe cũng như với các phương tiện đang đi cùng chiều. Nhiều người trong nghề cho hay trong tình huống này, cách xử lý của xe khách là cách gây ra ít tổn thất nhất.
Như vậy, rõ ràng khi tham gia lưu thông trên đường cao tốc, xe ưu tiên cần phải tuân thủ các quy định về giao thông trên đường cao tốc trước rồi mới có thể sử dụng các đặc quyền ưu tiên.
Nhìn lại trách nhiệm trong vụ việc xảy ra ngày 18/3, dù theo luật định, xe cứu hỏa có thẩm quyền chạy ngược chiều trên đường cao tốc, thì vẫn phải xét tới yếu tố xe cứu hỏa đã tuân thủ các quy định về lưu thông về nhập làn, chuyển làn trên đường cao tốc, để đảm bảo an toàn cho các xe đang lưu thông và cũng là cho chính những người ngồi trên xe hay chưa? Ngoài ra, vì quyền chạy ngược chiều, đặc biệt trên đường cao tốc có vận tốc lớn, là yếu tố bất ngờ, nằm ngoài khả năng dự liệu của người đang tham gia lưu thông nên cần có các phương án phân luồng, lực lượng cảnh báo từ xa.
Thực tế thiếu cả hai yếu tố này – phương án cảnh báo, phân luồng và lái xe thận trọng khi cho xe nhập ngược chiều trên đường cao tốc. Vụ tai nạn đã xảy ra khiến 11 người phải nhập viện, trong đó một người tử vong; những người bị thương bị chấn động tâm lý nghiêm trọng.
Vì sao tới lúc này vẫn chưa có lời nhận trách nhiệm, công bố sai phạm trong vụ tai nạn nghiêm trọng nói trên, phải chăng vì yếu tố “đúng thẩm quyền” như lãnh đạo Cảnh sát PCCC Hà Nội đã nêu? Không thể lấy việc “xe chạy ngược chiều là đã được quy định” để bù lấp cho sự thiếu kiện toàn của luật cũng như trách nhiệm của những người liên quan.
Trong khi thay vì nên tìm ra thiếu sót của luật và trong thực tế quản lý, điều hành, thì dường như người ta đang cố chấp để bảo vệ cho lý đúng của mình, cũng là việc chối bỏ trách nhiệm đối với xã hội. Vụ va chạm giữa xe khách và xe cứu hoả ngày 18/3 đã gây nên những tổn thất không thể vãn hồi về sinh mạng và tài sản, liệu vụ việc có tạo thành một tiền lệ nguy hiểm không khi luật đang được áp dụng cứng nhắc, thậm chí viện dẫn không đầy đủ để tạo nên một thứ “ưu tiên” méo mó không vì sinh mạng con người.
Trong khi 2 nạn nhân bị mắc kẹt trên xe khách 16 chỗ do gặp nạn ở Km203 cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ chờ được cứu hộ, thì 6/7 chiến sĩ nhận nhiệm vụ đi cứu hộ phải nhập viện, trong đó 3 người bị thương nặng, một người tử vong; 5 người trên xe khách phải nhập viện. Đọng lại gì trong tâm trí với tiếng khóc ngất của cha mẹ, người thân trong lễ tang người chiến sĩ tử nạn, với ánh mắt thất thần của tài xế xe khách dù 4 ngày đã qua…? Còn cần bao nhiêu mạng người, bao nhiêu tâm trí héo mòn nữa thì những vụ việc đáng tiếc như trên mới được thẳng thắn nhìn nhận, thẳng thắn sửa sai để có ít tổn thất nhất trong tương lai?