22 quốc gia Liên Hợp Quốc lên án ĐCSTQ giam giữ người Tân Cương
- Minh Ngọc
- •
Ngày 10/7, Reuters đưa tin 22 quốc gia đã gửi thư cho Liên Hợp Quốc yêu cầu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tôn trọng nhân quyền và tự do cơ bản, bao gồm tự do tôn giáo và tín ngưỡng. Bức thư còn đặc biệt yêu cầu ĐCSTQ ngừng giam giữ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Đây là lần đầu tiên các thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cùng lên án ĐCSTQ về vấn đề này.
Bức ảnh này chụp vào ngày 31/5/2019. Trong ảnh là một cơ sở giam giữ ở ngoại ô Hotan, thành phố phía tây bắc khu tự trị Tân Cương. Đây được coi là một trong những trại cải tạo của giáo dục địa phương. (Ảnh: Getty Images)
Bức thư có chữ ký của đặc sứ từ 22 quốc gia và được đệ trình lên Chủ tịch Hội đồng hôm 8/7. 22 quốc gia này gồm có Canada, Úc, Đức, Anh, Pháp, Nhật Bản, New Zealand, Thụy Sĩ, Hà Lan, Bỉ, Tây Ban Nha, Áo, Thụy Điển, Luxembourg, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Ireland, Estonia, Latvia, Litva và Đan Mạch.
Nội dung bức thư nêu rõ, các quốc gia này đặc biệt quan tâm đến các cáo buộc về việc ĐCSTQ “giam giữ bất hợp pháp trên quy mô lớn” hay “giám sát nghiêm ngặt và hạn chế” người dân, nhất là những hành động của ĐCSTQ đối với người Tân Cương cùng các dân tộc thiểu số khác. Bức thư nhấn mạnh Trung Quốc (ĐCSTQ), với tư cách là một trong số 47 thành viên của Hội đồng Nhân quyền, cần tự mình làm gương và duy trì tiêu chuẩn cao nhất. Đồng thời, họ cũng yêu cầu Bắc Kinh để cho Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet đến Tân Cương để điều tra.
“Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc (ĐCSTQ) duy trì luật pháp quốc gia và nghĩa vụ quốc tế, tôn trọng nhân quyền và tự do cơ bản, bao gồm tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng ở Tân Cương nói riêng và các khu vực khác tại Trung Quốc nói chung,” bức thư viết.
Các chuyên gia và nhà hoạt động của Liên Hợp Quốc cho biết, ít nhất 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và Hồi giáo hiện đang bị giam giữ tại các trại giam ở miền Tây Trung Quốc xa xôi. Chính phủ Bắc Kinh đã mô tả các cơ sở này là trung tâm đào tạo nhằm xóa bỏ chủ nghĩa cực đoan và bồi dưỡng cho người dân địa phương các kỹ năng mới.
Mặc dù bức thư đã được đệ trình lên Chủ tịch Hội đồng, nhưng nội dung thư không được đọc trong các buổi nghị sự và cũng không có nghị quyết nào được đề xướng. Theo các nhà ngoại giao, hiện chưa có phái đoàn phương Tây nào sẵn sàng đi đầu trong việc thông qua tuyên bố chung hay nghị quyết. Chính phủ các quốc gia đều lo lắng Bắc Kinh có thể trả đũa về chính trị hay kinh tế.
Một nhà ngoại giao còn nói rằng phái đoàn Trung Quốc đang có những hành động gây “bão táp” chuẩn bị thư phản hồi cho họ.
Phiên họp kéo dài ba tuần của Hội đồng Nhân quyền sẽ kết thúc vào thứ Sáu ngày 12/7. Mặc dù Mỹ đã rút khỏi Hội đồng Nhân quyền và không tham gia sự kiện này, nhưng cũng hết sức quan ngại về vấn đề Tân Cương. Phía Mỹ đã chỉ trích nặng nề tuyên bố của Phó Chủ tịch Chính phủ Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương Erkin Tuniyaz khi ông này phát biểu ĐCSTQ hiện đang kiểm soát hiệu quả chủ nghĩa khủng bố và cực đoan tôn giáo ở Tân Cương.
Minh Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa Hội đồng Nhân quyền LHQ ĐCSTQ Đàn áp nhân quyền trại cải tạo ở Tân Cương