Những công trình xây dựng đồ sộ mang tên “Trung tâm Đào tạo dạy nghề” (thực tế chính là Trại Lao động cưỡng bức) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Tân Cương đã nhiều lần bị truyền thông quốc tế lên án. Hôm thứ Năm (23/8), tổ chức nhân quyền “Sức mạnh công dân” chia sẻ thông tin về một báo cáo mới, trong đó cáo buộc ĐCSTQ gửi người Duy Ngô Nhĩ vào “trường đào tạo nghề”, ép họ lao động không công để sản xuất hàng sợi bông.

Embed from Getty Images

Hàng nghìn người Duy Ngô Nhĩ đã bị đưa vào các trại tập trung bí mật mà không cần thông qua tòa án xét xử  (Ảnh: Getty Images)

Đài VOA Mỹ đưa tin, hôm 22/8 tổ chức nhân quyền “Sức mạnh Công dân” đã công bố thông tin một báo cáo mới về chiến lược đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của ĐCSTQ, trong đó chỉ ra lĩnh vực dệt may đang dần dịch chuyển từ vùng duyên hải đến Tân Cương. Đồng thời, báo cáo điều tra cũng cho biết vùng Tân Cương có một hệ thống quy mô lớn trại cải tạo lao động, trong đó hàng dệt bông chiếm một khu vực lớn. Chính quyền ĐCSTQ đã bắt giữ hơn triệu người Duy Ngô Nhĩ, nhiều người trong số họ đã buộc phải sản xuất hàng sợi bông giá rẻ phục vụ nguồn cung ứng ổn định. Báo cáo điều tra đặt tên là “Trại lao động cưỡng bức sợi bông”.

Thông qua triển khai phát triển kinh tế theo mô hình “trại lao động cưỡng bức”, Tân Cương đã trở thành khu vực sản xuất hàng sợi bông vải lớn nhất Trung Quốc. Theo dữ liệu, sản lượng hàng sợi bông vải của Tân Cương chiếm 84% sản lượng của toàn Trung Quốc.

Tại họp báo, ông Hàn Liên Triều, Phó chủ tịch của “Sức mạnh Công dân” là tác giả chính của báo cáo cho biết: “Bông vải chứa đầy dối trá, là hoạt động dệt chứa đầy nước mắt, mồ hôi và máu. Vì vậy đã đến lúc ngừng nhập khẩu bông, dệt may và các sản phẩm khác từ Tân Cương.”

Ông Hàn Liên Triều cho rằng lao động cưỡng bức đã đặt nền móng cho việc phát triển “Trại lao động cưỡng bức sợi bông vải” ở Tân Cương. Ban đầu những tù nhân này khai hoang những cánh đồng bông. Họ cũng xây dựng đường sá, hồ chứa và hệ thống thủy lợi.

Ông cáo buộc trung tâm phát triển của ngành dệt Tân Cương rất phù hợp với vị trí của trung tâm lao động cưỡng bức. Ông nói, hiện đã xây dựng tại địa phương ba thành phố dệt may, bảy khu công nghiệp dệt may và một trung tâm dệt may. Trong hoạt động chính của Quân đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương, chính quyền đã xây dựng một số nhà tù lớn cung cấp lao động miễn phí, những nhà tù này đều có ngành dệt bông vải riêng.

Ông Hàn Liên Triều cũng nhận định một số hàng dệt bông vải liên quan đến lao động cưỡng bức này đã xâm nhập thị trường Mỹ và châu Âu, bao gồm các thương hiệu quốc tế hàng đầu như Burberry, Calvin Klein, Hugo Boss, Armani. 

bong
Phó chủ tịch tổ chức “Sức mạnh Công dân” kêu gọi Mỹ ngừng nhập khẩu các sản phẩm bông và hàng dệt vải từ Tân Cương (Ảnh: VOA)

Sau khi vấn đề cưỡng bức lao động ở Tân Cương bị phanh phui, một số công ty quốc tế đã ngừng mua nguyên liệu thô từ Tân Cương. Tuy nhiên, báo cáo chỉ ra rằng ĐCSTQ cố gắng che đậy tình trạng tồn tại của lao động cưỡng bức tại Tân Cương bằng cách thay đổi tên của nhà máy và thêm các công ty con.

Báo cáo điều tra cũng chỉ ra rằng tất cả các nước nên biết rằng bất kỳ hàng dệt bông nào nhập từ Trung Quốc đều có thể là sản phẩm tại các “Trại lao động cưỡng bức sợi bông” ở Tân Cương, vì thế nên xem xét thật cẩn trọng để tránh trở thành đồng phạm cho hoạt động lao động cưỡng bức của ĐCSTQ.

Báo cáo điều tra sẽ được công bố chính thức trong thời gian sắp tới.

Đã từ lâu ĐCSTQ xem tù nhân và đối tượng cải tạo lao động là nguồn lao động miễn phí cho nền kinh tế trong nước và xuất khẩu. Từ năm 2014, ĐCSTQ đã thực hiện chiến lược duy trì ổn định chính trị ở Tân Cương, bao gồm việc đưa người Duy Ngô Nhĩ và người Hồi giáo thuộc các sắc dân thiểu số khác vào các trại tập trung để cải tạo lao động cưỡng bức.

Cùng với sự chú ý của cộng đồng quốc tế, thế giới đang dần hiểu rõ hơn về các trại tập trung ở Tân Cương. Không ít thông tin đã được tiết lộ từ hình ảnh vệ tinh, tài liệu của ĐCSTQ và những người am hiểu tình hình. Nhiều dấu hiệu cho thấy người Hồi giáo bị giam giữ trong các trại lao động đã được phân bổ đến các nhà xưởng nằm trong hoặc gần các doanh trại và bị cưỡng bức lao động.

Nhưng chính quyền Bắc Kinh lập luận rằng những nơi này là các trung tâm đào tạo nghề với mục đích trau dồi khả năng nghề nghiệp cho họ.

Trong cuộc họp báo, anh Tahir Hamut, một người Duy Ngô Nhĩ  từng là nạn nhân của trại cải tạo lao động và hiện đang định cư tại Mỹ, cho biết rằng vào năm 2017 người thân của anh ở Tân Cương đã vô cớ bị ép vào trại lao động và buộc phải làm việc.

Hamut nói: “Anh ấy chỉ có thể về nhà vào cuối tuần và trở lại làm việc vào các ngày trong tuần, đây cũng là lao động cưỡng bức. Anh ấy và người nhà không biết việc lao động cưỡng bức này sẽ kéo dài bao lâu.”

Theo một báo cáo do Liên Hợp Quốc công bố hồi năm ngoái, ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ và Hồi giáo đã bị giam giữ trong các “Trại cải tạo lao động” như vậy ở Tân Cương.

Ngày 31/7 Đài RFA từng đưa tin, nhiều người Kazakhstan sau khi thoát khỏi “Trại cải tạo lao động” đã tiết lộ, việc quản lý “Trại cải tạo lao động” theo kiểu quân sự hóa, không có tự do cá nhân. Lý do bị bắt là vì họ không nói được tiếng phổ thông, trong số người bị giam giữ có cả người Hán, bao gồm cả người tập Pháp Luân Công.

Trong một lần trả lời phỏng vấn của đài Tân Đường Nhân (NTDTV), Dilxat Raxit – người phát ngôn của Đại hội Đại biểu Duy Ngô Nhĩ thế giới cho biết Tân Cương hiện là nơi đen tối nhất trong lịch sử. ĐCSTQ cũng đã xây dựng số lượng lớn “Trại tập trung trẻ em” ở Tân Cương để giam giữ trẻ em từ ba tuổi trở lên.

Tuyết Mai

Xem thêm: